Người cha đang giằng co với một thanh niên lè nhè say xỉn, bên cạnh là người mẹ tỉ tê năn nỉ con gái về nhà. Lời qua tiếng lại giữa lúc thanh vắng đủ để tôi tóm gọn được câu chuyện: cô bé mới lớn bỏ nhà đi nhiều ngày với một cậu choai choai khiến cha mẹ ngược xuôi tìm kiếm.
Là người mẹ sắp đón con gái đầu lòng thời điểm đó, đứng ở ban công chứng kiến câu chuyện này, tôi đã rất trăn trở cho những gì cô bé mới lớn đang trải qua, cho cả người cha người mẹ đó nữa. Tôi cũng lo lắng cho chính mình, làm sao có thể nuôi dạy một bé gái để tôi không rơi vào tình cảnh như bố mẹ này.
Điều đó thôi thúc tôi thu xếp lại công việc bận rộn để chuẩn bị cho hành trang làm mẹ. Những cuốn sách thu hút tôi về chủ đề nuôi dạy con đến từ các tác giả là người mẹ Việt hiện đại. Họ vượt lên áp lực của cuộc sống, bộn bề của công việc và bổn phận, mạnh mẽ từ bên trong, kiên định với phương pháp và không ngừng học tập để trở thành tấm gương cho con.
Tháng 4 năm ngoái, tôi đăng ký tham gia Câu lạc bộ Trao quyền phụ nữ, một sáng kiến được tài trợ bởi Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM. Chúng tôi được thảo luận và trao đổi về giá trị cốt lõi mà mỗi cá nhân tin tưởng và đang theo đuổi. Trong khi một số chọn giá trị của tình yêu thương, người khác có thể theo đuổi sự hợp tác, có người chọn hy sinh, và cũng có người muốn khẳng định sự tự do. Chúng tôi cũng được chia sẻ cách để lắng nghe tiếng nói từ bên trong tâm trí và cơ thể, từ đó quay về chăm sóc sức khỏe tinh thần, thể chất, chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho bản thân. Điều ấn tượng nhất với tôi, là cách áp dụng tư duy phát triển (Growth Mindset) để mỗi chị em đều tin vào giá trị của việc đầu tư vào tri thức và nội lực, từ đó phá vỡ định kiến, rào cản cho sự khám phá các tiềm năng. Trên cơ sở đó, phụ nữ được trang bị để sẵn sàng đón nhận cơ hội, cũng như xử lý và đối mặt những biến cố trong cuộc sống.
Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc hướng đến sự thịnh vượng toàn cầu vào 2030, mục tiêu số năm là bình đẳng giới, tập trung vào xóa bỏ định kiến giới và trao quyền nhiều hơn cho phụ nữ và trẻ em gái. Cách tiếp cận mới để trao quyền sẽ đặt phụ nữ và trẻ em gái vào vị trí quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự thay đổi tích cực. Thay vì chỉ là người được hưởng lợi từ một dự án nào đó và do ai đó thực hiện như cách làm cũ, họ sẽ trở thành nhân tố quyết định, tạo ra sự thay đổi cho chính mình và cộng đồng.
Tôi từng tham gia một dự án cấp vốn khởi sự kinh doanh để hỗ trợ nữ công nhân ngành may phục hồi sinh kế sau dịch bệnh. Ở đó, tôi được gặp những chị em đầy sôi nổi khi trình bày kế hoạch kinh doanh về mô hình bán sữa chua, quầy rau củ, xưởng may gia công cho đến xe bánh canh chả cá vỉa hè. Ban quản lý dự án không tiết lộ gì cho chúng tôi, là hội đồng xét duyệt, biết trước hoàn cảnh của những ứng viên để đảm bảo công bằng khi chấm. Chỉ đến khi gặp lại các chị em công nhân ấy trong lớp dạy của dự án, tôi mới biết họ từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, mất mát người thân trong đại dịch; có chị là người khuyết tật, có người là mẹ đơn thân và còn nhiều nữa những cảnh đời cơ cực. Vậy nhưng trong buổi xét hồ sơ hôm trước, họ xuất hiện với một nguồn năng lượng tích cực, sẵn sàng nắm bắt cơ hội vốn để làm ăn.
Nếu bạn hỏi tôi ai đã trao quyền cho các chị em công nhân này, tôi sẽ trả lời rằng chính họ đang tự nắm bắt cơ hội thay đổi sinh kế gia đình bằng chính nội lực của bản thân. Nôm na là khi người khác trao, bạn phải có khả năng và khao khát để biết nắm cái quyền ấy.
Con gái tôi nay đã được ba tuổi. Thi thoảng, vợ chồng tôi kể nhau nghe về những câu chuyện truyền cảm hứng từ những người phụ nữ mạnh mẽ, chân phương mà chúng tôi có dịp làm việc hoặc tiếp xúc, để dạy con. Chúng tôi nỗ lực giúp con khám phá thế giới, nhưng cũng hướng dẫn con cách "nói chuyện" với chính tâm hồn bên trong. Đó chính là nơi dần hình thành tính cách, và từng bước chọn lọc giá trị sống phù hợp với con người của cô bé.
Bởi lẽ, chúng tôi tin rằng sức mạnh nội lực của người phụ nữ luôn cần được vun đắp liên tục từ khi còn là một cô bé.
Nguyễn Hoàng Khánh Tiên