Đại lộ Hòa Bình ở quận trung tâm Ninh Kiều mỗi chiều về luôn tấp nập xe cộ. Tại khoảng vỉa hè rộng chừng 10 m2 đầu đại lộ, ông Chương lấy chổi quét dọn sạch sẽ. Trên các cành cây, trụ đèn, hàng trăm con chim sẻ, bồ câu tụ tập đông đủ, kêu ríu rít. Đúng 16h30, ông lấy bao lúa trộn gạo cùng chiếc ghế nhựa đến nơi vừa dọn. Lúc này, hàng loạt chim bay ùa đến, đáp xuống.
Ông ngồi xuống, nhìn quanh một vòng rồi rải thóc cho đàn chim ăn buổi cuối cùng trong ngày. Chúng vây quanh người đàn ông, mổ từng hạt lúa, gạo, ăn rất tự nhiên, trật tự. Nhiều con còn dạn dĩ, mổ thức ăn trên tay ông Chương... Thỉnh thoảng, ông sờ đầu hoặc lần lượt nhấc vài con lên nựng nịu, kiểm tra sức khoẻ.
Nâng chú bồ câu trắng mỗi bàn chân chỉ có một ngón, ông Chương nói đây là chim trống, đầu đàn. Gần 11 năm trước, lúc ông mới nuôi chim trời, con bồ câu này bay đến ăn lúa bị té xuống đất. Thấy lạ ông đến gần, tìm cách bắt lên thấy hai chân của chim bị dây cước quấn chặt, gần đứt hết các ngón. Hết sức cố gắng nhưng ông chỉ cứu một ngón trên mỗi bàn chân của chim. Sau đó, chú chim rủ nhiều đồng loại khác về nhập đàn, gắn bó đến nay.
Chỉ tay về con bồ câu xám xanh, hai chân đeo khoen trắng kim loại, ông nói, con này nhập bầy sau chim đầu đàn ba năm. "Có thể nó được chủ nuôi rồi phóng sinh", ông Chương nói và cho hay các chim bồ câu lão làng rất tinh khôn. Sau khi đáp xuống, chúng đứng từ xa quan sát, thấy an toàn mới tiến lại gần nhặt thóc. Khi có tiếng động bất thường hoặc người lạ đến, các con này liên tục kêu lớn báo hiệu để cả đàn nhanh chóng tản ra.
Ông Chương quê ở quận Cái Răng, không vợ con; hơn 20 năm qua đã đến quận Ninh Kiều thuê phòng trọ ở, hàng ngày đẩy xe bán cây kiểng dạo kiếm sống. Cơ duyên nuôi chim trời cách nay hơn chục năm, khi ông phụ giúp đứa cháu bán bánh bò trên đại lộ Hòa Bình.
Lúc dọn quán, ông thường thấy đàn sẻ kéo đến ăn những mẩu bánh rơi xuống vỉa hè. Sau đó được ông xin thêm cơm "tiếp sức", chim sẻ mỗi ngày đến càng nhiều, rồi bồ câu cũng kéo tới. "Quân số tăng từ vài con ban đầu, nay hơn 400 bồ câu, khoảng 150 se sẻ", ông Chương nói và cho biết, mỗi ngày cho chúng ăn 6 lần, chia đều cho hai buổi sáng, chiều.
Hiện, mỗi tháng, ông mua 6 bao lúa (300 kg), hết khoảng 3 triệu đồng, làm thức ăn cho chim. Người đàn ông lý giải đàn chim có nhiều nhóm, nên phải cho ăn theo các khung giờ để không con nào bị đói. Thường buổi ăn đầu tiên trong ngày lúc 6h30, số lượng chim về đông nhất. Mỗi buổi cho ăn mất khoảng 20 phút với lượng thức ăn 1,5-2 kg lúa, gạo, tấm được trộn với nhau.
Mùa giãn cách vì Covid-19 năm 2021, ông Chương được tạo điều kiện đi lại từ nhà trọ đến nơi cho đàn chim ăn (khoảng một km). Biết ông không đi bán kiểng được, nhiều người đã hỗ trợ lúa, gạo hoặc tiền để lo cho đàn chim không bị đói.
Giữa tháng 10/2021, ông bị bệnh phải nhập viện phẫu thuật nên gửi thức ăn cho các dân phố, bảo vệ cơ quan gần đó cho chim ăn. Việc cưu mang đàn chim trời mang lại cho ông nhiều cảm xúc. Vui nhất là mỗi ngày ông nhìn đàn chim đầy đủ, khoẻ mạnh, còn mối lo là tình trạng một số người rình bắn chim hoặc lấy chúng làm trò tiêu khiển, giải trí.
"Tôi đã 4 lần chứng kiến và xua đuổi những người săn chim, thậm chí có lần bị những người này dọa đánh", ông Chương nói.
Phó chủ tịch thường trực UBND quận Ninh Kiều Nguyễn Ngọc Ánh, cho biết, việc ông Chương cho đàn chim trời ăn mỗi ngày ngày mang đậm tính nhân văn. Hàng trăm bồ câu, se sẻ được chăm sóc giữa lòng phố thị như nét riêng của thành phố nhiều năm qua. Địa phương sẽ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông ở khu vực bãi ăn của đàn chim, cũng như có phương án ngăn nạn săn bắt.
Cửu Long