- Tôi mang thai bé gái đến nay là 30 tuần, mong bác sĩ cho biết trong thời gian đến khi sinh tôi cần phải ăn những thực phẩm nào để tốt cho sự phát triển não của bé. Hiện nay tôi chỉ đang uống Vitamin tổng hợp Procare. Có cần phải bổ sung sắt hay canxi nữa không ạ? (Vũ Thị Huyền Trang, 28 tuổi)
- ThS. BS Đào Thị Yến Phi: Xin chào quý độc giả VnExpress.net. Chế độ ăn trong 3 tháng cuối thai kỳ thường tập trung vào việc cung cấp đủ canxi, chất béo, chất bột đường để đảm bảo năng lượng và các chất thiết yếu cho sự tăng cân, tăng chiều cao rất nhanh trong giai đoạn này. Thai phụ nên ăn thêm nửa chén cơm trong mỗi bữa ăn chính, hoặc gia tăng thêm 1-2 bữa ăn phụ bằng các thức ăn giàu bột đường như bún, nui, miến... cùng với 30g thịt cá thêm cho mỗi bữa ăn. Nên gia tăng lượng sữa để đạt ít nhất 600 ml mỗi ngày. Trong trường hợp bạn có thêm các triệu chứng hạ canxi như vọp bẻ, run giật cơ, đổ mồ hôi nhiều... thì cần bổ sung thêm canxi dưới dạng viên uống.
Nếu bạn đã tăng đủ 12 kg trong thai kỳ, nên sử dụng bữa ăn phụ là sữa thay vì chất bột đường để đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng quý nhưng không làm mẹ tăng cân quá nhiều.
- Em 30 tuổi, mang thai lần đầu được 23 tuần. Nhưng từ khi có thai đến giờ em không uống sữa dành cho bầu mà uống sữa tươi tiệt trùng và ăn cá nhiều. Vậy thì thai nhi có phát triển trí não không? Em tăng được 8 ký, vậy có quá nhiều không ạ. Trước khi mang thai em nặng 50 ký, cao 1m53. Gần một tháng nay tay chân em bị tê cứng vào buổi sáng và bị chuột rút. Xin hỏi có cách nào chữa chứng tê tay chân không ạ. Xin bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn bác sĩ. (Huynh Ngoc Yen, 30 tuổi)
- BS Yến Phi: Nếu như em không thích dùng sữa cho bà bầu, em có thể dùng bất kỳ loại sữa nào có trên thị trường kể cả sữa cho em bé và người già, miễn hợp khẩu vị và có thể uống được đủ ít nhất 500 ml mỗi ngày. Cá nói chung rất tốt cho sự phát triển não bộ của thai nhi, vì vậy các bà bầu được khuyên nên ăn cá 4-5 bữa mỗi tuần, ưu tiên chọn các loại cá biển, cá béo như là cá basa, cá hồi, cá thu, cá ngừ... Số tăng cân hiện nay của em hơi nhiều hơn so với khuyến nghị. Vì vậy trong giai đoạn sau của thai kỳ em lưu ý giảm bớt các thức ăn béo và ngọt để tránh làm tăng mỡ quá nhiều, chỉ cần đảm bảo đủ lượng sữa, rau, trái cây, thịt cá nạc... là được.
Các triệu chứng của em biểu hiện đang thiếu canxi rất sớm, là một tình trạng đáng chú ý ở giai đoạn thai của em. Có lẽ em nên hỏi bác sĩ theo dõi thai kỳ để được kê toa thêm các viên canxi, vitamin D, kẽm, để giảm triệu chứng này.
![]() |
Bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM, tư vấn trực tuyến với độc giả VnExpress.net sáng 24/8 về chăm sóc trí não thai nhi. Ảnh: H.Huy |
- Vợ chồng tôi hiện nay chuẩn bị đón một em bé, vợ tôi mang thai được hơn 3 tháng và bị ốm ngén ăn uống rất khó khăn. Cho tôi xin hỏi việc dinh dưỡng không đầy đủ như vậy có ảnh hưởng như thế nào tới phát triển sức khỏe của bé cũng như trí não của bé. Có cách nào khắc phục tình trạng ốm nghén không? Tôi xin cảm ơn (Nguyễn Đắc Thanh, 36 tuổi)
- TS. BS Lê Thị Thu Hà: Chào em. Giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ hơn 70% thai phụ bị ốm nghén và ăn uống khó khăn. Do vậy, dinh dưỡng trong giai đoạn này thường bị hạn chế. Tuy nhiên, não bộ của bé lại phát triển rất sớm. Theo một số nghiên cứu, nếu không cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết sẽ ảnh hưởng phần nào đến phát triển trí não của bé sau này.
Để góp phần cung cấp chất, thai phụ không nhất thiết phải ăn nhiều nhưng đừng quên cung cấp đạm, đường, chất béo, các vitamin, acid folic, DHA, cholin. Nên ăn thức ăn loãng dễ tiêu, chia làm nhiều bữa. Vào mỗi sáng trước khi đánh răng có thể ăn nhẹ một mẫu bánh quy hoặc uống sữa. Nếu có nôn ói thì hãy súc miệng bằng nước sạch và ăn nhẹ liền sau đó. Các loại nước ép hoa quả hoặc sinh tố có thể giúp thai phụ không bị mất nước. Gừng cũng có tác dụng chống nôn, vì vậy có thể uống nước gừng pha với đường hoặc ngậm mứt gừng. Nếu nôn ói quá nặng nề có thể gây rối loạn điện giải và ảnh hưởng đến tính mạng. Lúc này nên đi khám tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế.
- Em năm nay 25 tuổi, đang mang thai tuần 32 em bé đầu lòng. Hiện các xét nghiệm và siêu âm, triple test đều bình thường. Tuy nhiên em hơi băn khoăn về chu vi vòng đầu và đường kính lưỡng đỉnh của bé. Tuần thứ 32 nhưng theo siêu âm đường kính lưỡng đỉnh của cháu theo trung bình tương đương với thai nhi hơn 30 tuần. Liệu điều này có ảnh hưởng đến trí não của trẻ không? (Yenle, 25 tuổi)
- BS Thu Hà: Trước hết xin chúc mừng em và bé, qua những xét nghiệm và siêu âm đều bình thường là tốt. Vào tuần lễ thứ 32 của thai kỳ, các số đo siêu âm có sai số so với tuổi thai được phép giới hạn trong 2 tuần và không ảnh hưởng gì đến sự phát triển trí não của bé. Tuy nhiên cần theo dõi mỗi 2 tuần để xem sự tiến triển của các số đo này. Nếu sau 2 tuần theo dõi mà các số đo không tăng lên thì nghi ngờ thai suy dinh dưỡng. Khi này siêu âm DOPPLER mạch máu rốn bé và động mạch não giữa có thể giúp chẩn đoán tình trạng suy dinh dưỡng bào thai. Nếu thai nhi bị suy dinh dưỡng thì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của bé về sau. Trước hết, em cần ăn uống bồi dưỡng, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất như: đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Chúc em và bé khỏe.
- Em năm nay 41 tuổi và đang mang thai tháng thứ 7. Rất mong sớm nhận được tư vấn về cách chăm sóc trí não bé ngay khi còn trong bụng mẹ. Đặc biệt là vấn đề dinh dưỡng. Hàng ngày nên sử dụng các loại rau củ quả và thực phẩm nào giúp bé thông minh? Nên uống loại sữa nào để mẹ không béo mà tốt cho bé? Bổ sung loại thực phẩm chức năng nào tốt cho bé? (Nguyen Hai Yen, 41 tuổi)
- BS Yến Phi: Các chất dinh dưỡng cần thiết nhất cho sự phát triển não bộ bao gồm: chất béo, nhất là các chất béo chuỗi dài như DHA, ARA, Omega 3, Omega 6, vitamin A, vitamin E, Axit Folic Iot, Sắt, kẽm, các axit amin thiết yếu trong đó quan trọng nhất là Taurine. Các chất dinh dưỡng này cần được cung cấp cho thai ngay từ giai đoạn bắt đầu mang thai cho đến suốt thai kỳ. Ở vào giai đoạn này của não của thai nhi đã hình thành khá hoàn chỉnh, các chất dinh dưỡng cần thiết chỉ là chất béo và các vitamin tan trong chất béo. Vì vậy các loại thực phẩm có thể gia tăng để giúp cho sự phát triển trí não của bé chủ yếu là các loại hạt có dầu, dầu thực vật nhẹ (dầu mè, dầu oliu, dầu đậu nành...), các loại cá biển béo.
Các loại rau, củ, quả thường ít có ảnh hưởng trên trí não trong giai đoạn này vì đây là giai đoạn cấu trúc não của bào thai, tức là cơ thể bé đang xây dựng các tế bào thần kinh, các tế bào này vẫn chưa thật sự hoạt động. Mẹ tăng cân thường là do ăn nhiều chất bột đường, chất béo, nhất là các chất béo từ thịt, thức ăn chiên, bơ, sốt... ít khi nào là do sữa. Vì vậy mẹ không cần giảm lượng sữa uống trong ngày. Không có chỉ định bổ sung thực phẩm chức năng nào trong thai kỳ.
![]() |
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Phó khoa sản A Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: H.Huy |
- Tôi năm nay 27 tuổi, đã mang thai đã được 27 tuần rồi. Tôi cần phải thực hiện chế độ ăn uống như thế nào để bổ sung dinh dưỡng giúp bé phát triển trí não? Tôi thấy trên thị trường có rất nhiều loại sữa dành cho bà bầu nhưng tôi không tin vào các quảng cáo của nhà sản xuất. Tôi cũng không uống được sữa dành cho bà bầu vì uống vào là tôi cảm thấy rất khó chịu và không muốn ăn gì nữa. Tôi hỏi như thế có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của bé không? (Le Nhung, 31 tuổi).
- BS Thu Hà: Việc bổ sung dinh dưỡng trong thai kỳ cần thiết ngay từ giai đoạn sớm. Hiện tại, thai của em được 27 tuần, đây là giai đoạn tăng trọng thai nhi. Em cần bổ sung các chất như: đạm (có trong thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu), đường (có trong gạo,nếp, bột, bắp...), chất béo (ưu tiên cho chất béo không no), vitamin (có trong rau, củ, quả). Các loại sữa dành cho các bà bầu hiện nay được bổ sung khá nhiều dưỡng chất phù hợp cho thai kỳ.
Thật sự các bà mẹ khi mang thai vì nhiều lý do như không có thời gian để lựa chọn và chế biến các loại thức ăn phù hợp, cảm giác nghén không muốn ăn... thì việc uống sữa dành cho bà bầu là rất cần thiết vì có thể cung cấp các vi chất cho thai kỳ. Khi lựa chọn sữa, bạn nên chọn những loại có uy tín, tránh dùng những loại sữa bột không có nhãn mác. Các loại sữa bà bầu có các hương vị khác nhau, tùy vào ý thích mà bạn lựa chọn loại sữa phù hợp với mình.
- Tôi năm nay 29 tuổi đang mang thai ở tuần thứ 12, trong giai đoạn này do bị thai hành nên người rất hay mệt mỏi và thỉnh thoảng bị ói. Tôi có uống bổ sung Acid folic và các vitamin. Như vậy, nếu trong giai đoạn này bị ói và ăn uống không được nhiều do thai hành, có ảnh hưởng gì đến sự phát triển trí não thai nhi không. Uống bổ sung vitamin như thế có đủ cung cấp chất bổ không. Xin bác sĩ cho biết cụ thể bảng chế độ dinh dưỡng và thai giáo như thế nào trong các giai đoạn thai kỳ. (Tran Tam, 29 tuổi)
- BS Yến Phi: Nghén là một triệu chứng hầu như bắt buộc cho mỗi thai kỳ và không có cách nào loại bỏ hoàn toàn tình trạng nghén. Các điều trị chỉ nhằm mục tiêu hạn chế những tác hại có thể có do thai phụ ói quá nhiều, không ăn uống được. Các triệu chứng nghén liên quan đến ăn uống thường giảm khi cơ thể bạn lơ mơ ngủ, tức giờ ăn tốt nhất cho bà bầu là lúc gần đi ngủ và ngay sau khi thức giấc. Các thức ăn lạnh, khô, ngọt (kem, yaourt, sữa lạnh, bánh bích quy, các loại bánh ngọt nói chung) thường ít gây phản ứng hơn là các thức ăn thông thường có nhiều gia vị, mùi.
Em nên ăn bất kỳ giờ nào có thể ăn, số lượng thức ăn không cần quá nhiều mỗi bữa, nhưng ăn 6-8 bữa mỗi ngày. Thật ra giai đoạn này thai nhi không cần nhiều năng lượng, chủ yếu chỉ là cần các chất dinh dưỡng quý như chất đạm, vitamin, chất khoáng... nên nếu ăn không đủ khẩu phần cơm, bột... thì vẫn có thể gia tăng cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết từ sữa và các chế phẩm từ sữa, trái cây.
Việc uống bổ sung vitamin không thể nào thay thế được khẩu phần dinh dưỡng chính, trong đó quan trọng nhất là chất béo và chất đạm. Vì vậy em không nên chỉ dựa vào cung cấp vitamin qua viên bổ sung mà cần gia tăng các thực phẩm giàu vitamin trong tự nhiên.
Thai nhi bắt đầu ở độ tuồi này đã có thể nghe được các âm thanh từ mẹ, cảm nhận được cảm xúc của mẹ. Vì vậy em nên giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, thư thái, tránh cảm xúc giận dữ, tiêu cực... có thể cho con nghe các dòng nhạc nhẹ nhàng khoảng 15 phút hai lần mỗi ngày. Em cũng có thể xoa bụng và trò chuyện với con. Đương nhiên con chẳng hiều em nói gì đâu, nhưng thông qua các giai điệu, con có thể biết được tình cảm em dành cho con.
- Thưa bác sĩ, thường thì khi mang bầu người lớn tuổi hay cho ăn trứng ngỗng, vậy trứng ngỗng có tác dụng tốt cho thai nhi không? Và nếu không ăn được trứng ngỗng có ảnh hưởng gì không? Xin cám ơn bác sĩ (Võ Văn Kỷ, 33 tuổi,Q.10, TP HCM)
- BS Yến Phi: Trứng gia cầm nói chung trong đó có trứng ngỗng là một loại thực phẩm rất quý cho thai kỳ vì cung cấp hầu như đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của thai, đặc biệt là hệ thần kinh. Trong quá khứ, khi tình trạng kinh tế chung còn kém thì việc dành cho thai phụ một nguồn thức ăn tốt như vậy đương nhiên là việc nên làm. Tuy nhiên hiện nay, do tình trạng dinh dưỡng của thai phụ từ trước khi mang thai nhìn chung đã tốt hơn, chế độ ăn uống trong khi mang thai cũng được chăm sóc nhiều hơn, kỹ lưỡng hơn, nên việc ăn nguyên một trứng ngỗng có thể dẫn đến tình trạng dư thừa chất đạm, chất béo, nhất là cholesterol.
Tốt nhất em nên ăn trứng gà hoặc trứng cút, ba lần mỗi tuần, mỗi lần một trứng gà hay 3 trứng cút sẽ tốt hơn mỗi tuần chỉ ăn một cái trứng ngỗng.
Ngay cả khi em không ăn được trứng gì cả, thì các chất dinh dưỡng cần thiết cho thai kỳ vẫn có thể được cung cấp đủ từ các loại thức ăn khác mà em ăn vào hàng ngày, nên không có vấn đề gì xảy ra đâu.
- Em đang mang thai tháng thứ 13. Em cũng đã nghe nói về thai giáo nhiều lần và cũng có tìm hiểu qua một số nguồn biết cách giúp bé trở nên thông minh hơn ngay từ trong bụng mẹ như cho bé nghe nhạc cổ điển, trò chuyện với bé để bé cảm nhận được tình yêu thương từ cha mẹ... Nên em muốn bác sĩ tư vấn về thai giáo trong từng giai đoạn phát triển của thai nhi. (Thanh Lam, 24 tuổi)
- BS Thu Hà: Bạn Thanh Lam thân mến. Trước hết hoan nghênh bạn vì sự quan tâm đến vấn đề thai giáo. Trong giai đoạn sớm của thai kỳ (trước tuần lễ thứ 18), việc cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển trí não của bé như DHA, cholin, acid folic là quan trọng. Từ giai đoạn sau 18 tuần trở đi, việc giáo dục bé từ trong bào thai là cần thiết. Bên cạnh việc dinh dưỡng tốt, giáo dục bé thông qua kích thích các giác quan như xúc giác, thính giác, vị giác, khứu giác và thị giác được khuyến khích. Người mẹ nên dành thời gian mỗi ngày cho bé yêu. Người mẹ có thể vuốt ve vỗ về bé đồng thời kết hợp với kể chuyện hoặc hát ru cho bé nghe. Các bà mẹ cũng nên ăn uống đa dạng các loại thức ăn để bé có thể cảm nhận được và dễ ăn uống về sau.
![]() |
Bác sĩ Yến Phi: "Chưa có nghiên cứu nào cho thấy việc sử dụng máy tính trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến trí não thai nhi". Ảnh: H.Huy |
- Cháu chào các bác sĩ, nhờ các bác sĩ tư vấn giúp cháu, chỉ còn vài tháng nữa là cháu kết hôn, sau khi kết hôn chúng cháu dự tính có em bé luôn, cháu muốn hỏi bác sĩ tư vấn cho cháu trước khi có bầu và sau khi có bầu, chế độ ăn uống như thế nào để con thông minh. Có phải uống thuốc gì trước khi mang thai không? Cảm ơn bác sĩ (Nguyễn Thị Thanh Dung, 26 tuổi, Tây Sơn Đông Đa)
- BS Thu Hà: Rất vui khi nhận được câu hỏi của em. Việc chuẩn bị sức khỏe trước khi kết hôn và mang thai là rất quan trọng. Trước hết, em cần khám sức khỏe tổng quát và khám phụ khoa để điều trị bệnh nếu có. Kế đó, em nên tiêm ngừa 1 số bệnh có thể ảnh hưởng đến thai nhi sau này như sởi - quai bị- rubella, thủy đậu, viêm gan siêu vi B, HPV. Vấn đề dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Theo Tổ chức y tế Thế giới, các phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên uống 1 viên sắt + acid folic mỗi ngày nhằm dự phòng thiếu máu và khuyết tật ống thần kinh thai nhi. Em có thể bổ sung mỗi ngày 60 mg sắt + 400 mcg acid folic kể từ bây giờ. Nếu em thuộc dạng ốm( chỉ số BMI dưới 18) thì nên tăng cường dinh dưỡng. Ngược lại, nếu em thuộc dạng tròn (chỉ số BMI trên 25) thì nên hạn chế ăn uống và vận động nhiều.
- Xin bác sĩ tư vấn: Con kém thông minh hơn có phải do người mẹ tiếp xúc với máy vi tính trong thời kỳ trước và khi mang thai hay không. Em là nhân viên văn phòng nên hàng ngày phải làm việc với máy vi tính có kết nói với Internet, em thấy rất lo (Nguyễn Hà Hương, 35 tuổi)
- BS Yến Phi: Chưa có nghiên cứu nào chứng minh việc sử dụng máy vi tính trong thai kỳ có thể làm ảnh hưởng đến trí não của thai nhi. Tuy nhiên nếu em làm việc quá căng thẳng, dài giờ, cộng với chế độ ăn uống thất thường, không cung cấp đủ dinh dưỡng cho mình và bé trong suốt thai kỳ thì sự ảnh hưởng đến não bộ của bé có thể xảy ra. Vì vậy tốt nhất nên làm việc đúng giờ, nghỉ ngơi mỗi 2 giờ ngồi máy vi tính để ăn một bữa nhẹ hoặc uống một cốc sữa, làm vài động tác thể dục cho máu huyết lưu thông, ngủ đủ giấc trong đêm.
- Xin chào bác sĩ! Em đang mang thai bé thứ 2 được 6 tháng rồi. Lần sinh thứ nhất, không hiểu vì nguyên nhân gì mà em bị cạn ối phải chỉ định mổ trước gần một tháng, lúc mổ em nghe bác sĩ nói nhau thai của bé teo hết rồi. Những nguyên nhân nào dẫn tới hiện tượng nhau thai bị lão hóa (có phải do em uống viên hỗ trợ canxi sớm quá không - em uống từ tháng thứ 4 theo hướng dẫn của bác sĩ khi thấy có hiện tượng đau mỏi lưng). Có cách nào để khắc phục tình trạng cạn ối trong những tháng cuối không ạ? (Trần Hạ, 28 tuổi, Nghệ An)
- BS Thu Hà: Cạn ối hay thiểu ối do nhiều nguyên nhân khác nhau như: mẹ dinh dưỡng kém, bệnh lý của mẹ như tiền sản giật, những bệnh lý về mạch máu của mẹ hoặc tình trạng tử cung xơ hóa làm lưu lượng máu đến thai nhi bị hạn chế, tình trạng bất thường của thai như thiểu sản thận hoặc bất sản thận... Uống canxi sớm không gây ra thiểu ối. Để khắc phục tình trạng thiểu ối trong tháng cuối em cần dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước và sữa, ngủ đủ giấc, nên khám thai định kỳ để phát hiện tình trạng bệnh lý nếu có. Chúc em và bé khỏe.
- Em đang nuôi con nhỏ, bé đầu nhà em được 2 tuổi, (em đang mang thai tuần thứ 27) nên cũng không có thời gian nhiều chăm sóc bản thân. Bữa sáng và trưa em ăn rất tốt nhưng bữa tối em không ăn được nhiều (lưng bát cơm) vì cứ tối đến là em tức bụng không thể ăn được gì nhiều. Em rất lo không biết việc ăn uống như vậy có đủ dưỡng chất cho thai nhi nữa không ạ. (Ta Hien, 30 tuổi, Ha Noi)
- BS Yến Phi: Một trong những nguyên tắc quan trọng của dinh dưỡng trong thai kỳ là nên ăn nhiều bữa trong ngày, các bữa ăn không nên cách nhau quá xa để tránh tình trạng hạ đường huyết. Nếu buổi tối em không ăn được nhiều trong bữa cơm chính, em có thể ăn thêm một vài món ăn phụ hoặc uống một ly sữa một giờ sau bữa chính. Thậm chí em có thể ăn hoặc uống sữa ngay trước giờ đi ngủ hoặc trong đêm nếu thấy đói.
- Em bị thiếu máu, đang mang bầu được một tháng thì em có thể bổ sung sắt và axit folic trong suốt thời kỳ mang bầu được không ạ? Và xin bác sĩ tư vấn cho em biết có tài liệu nào hướng dẫn cho thai phụ nên ăn gì và không nên ăn gì thì tốt cho em bé phát triển trí não không ạ. Em xin cảm ơn bác sĩ nhiều! (Mai Yen, 26 tuổi)
- BS Yến Phi: Sắt và axit Folic được chỉ định bổ sung trong suốt thai kỳ cho mọi thai phụ Việt Nam. Bắt đầu từ lúc phát hiện có thai thì bà mẹ uống một viên bổ sung mỗi ngày đến sau sinh một tháng. Em có thể tham khảo lại một trong những câu trả lời phia trên về các thực phẩm tốt cho sự phát triển trí não. Em cần tránh những thực phẩm có tác dụng kích thích thần kinh như các gia vị cay nóng, cà phê, trà đặc, và tuyệt đối không dùng một lượng chất cồn nào trong suốt thai kỳ.
- Em đang mang thai được 20 tuần. Em ăn uống và lên cân bình thường. Tuy nhiên khi ngủ giấc ngủ lại không sâu và thường xuyên mơ những giấc mơ không có thực. Bác sĩ cho em hỏi như vậy có ảnh hưởng gì đến em bé không? Và biện pháp khắc phục với ạ. (Nguyễn Thanh Lan, 27 tuổi, Gò Vấp - TP HCM)
- BS Yến Phi: Các hình ảnh trong giấc mơ thường liên quan đến phần tiềm thức của ý thức, vì vậy thường ít liên quan với nhau và có vẻ không thực. Khi em hay nằm mơ chứng tỏ giấc ngủ của em không sâu, và giai đoạn này thường có sự thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể, những nội tiết tố này cũng sẽ gây tác động lên thai, giống như trên em. Có nghĩa là con em cũng nằm mơ đấy! Tốt nhất em nên chia lại giờ giấc ngủ và làm việc thật điều độ. Ban ngày chỉ nên ngủ một giấc ngắn, tối đa một giờ. Giấc ngủ ban đêm nên bắt đầu lúc 10h đến rạng sáng. Trước khi đi ngủ trong vòng 3 giờ đồng hồ em không nên xem phim, chơi vi tính, đọc sách có tính chất hoạt động mạnh. Nên tắm bằng nước ấm trước khi đi ngủ. Bữa ăn cuối cùng cũng nên xa giấc ngủ khoảng 2-3 giờ. Lúc ngủ, giảm ánh sáng tối đa và tránh mọi tiếng động có thể gây ra trong lúc ngủ.
Trong trường hợp giấc ngủ vẫn không ổn định, em có thể uống thêm các loại trà dân gian có tác dụng an thần như lá vông nem, tim sen...
![]() |
Bác sĩ Thu Hà: "Để bé yêu bụ bẫm và thông minh, bà mẹ cần ăn uống đầy đủ các chất trong tháp dinh dưỡng: đạm, đường, chất béo, vitamin và chất khoáng, uống nhiều nước và sữa mỗi ngày. Cho bé nghe nhạc, hát ru hoặc kể chuyện". Ảnh: H.Huy |
- Xin chào hai bác sĩ! Hiện nay tôi đã tiêm phòng viêm gan B, cúm và Rubela để chuẩn bị mang bầu, nhưng đọc qua sách báo thì có nơi nói rằng sau 3 tháng mới được mang bầu, nhưng có nơi nói rằng từ 3 đến 6 tháng. Vậy thời điểm mang bầu an toàn nhất là vào khi nào sau khi tiêm thưa bác sĩ? Một câu hỏi nữa là: Khi mang thai em bé thì nên kiêng ăn những món gì? Và ăn những món gì tốt để con đẻ ra được trắng trẻo, bụ bẫm và thông minh, trong quá trình mang thai thì uống nấm linh chi có được hay không? (Nguyễn Thu Hiền, 30 tuổi, Yên xá, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội)
- BS Thu Hà: Theo các khuyến cáo: vì vacxin Rubella sản xuất từ virus gây Rubella làm giảm độc lực nên sau khi tiêm ngừa 3 tháng trở lên hãy để có thai ( ít nhất một tháng trở lên để có thai cũng được). Với vacxin cúm thông thường có thể tiêm ngay khi đang mang thai. Vacxin viêm gan B không chống chỉ định trong thai kỳ, tuy nhiên bạn nên tiêm xong đủ 3 mũi rồi lại mang thai.
Khi mang thai các bà mẹ nên ăn uống đầy đủ các dưỡng chất và tươi (rau quả, thịt cá phải tươi). Các thực phẩm cần kiêng là: thức ăn ôi thiu, để lâu ngày, ẩm mốc; thức ăn đóng hộp; thức ăn có quá nhiều gia vị. Tránh ăn quá mặn hoặc quá ngọt vì sẽ gây cao huyết áp hoặc tiểu đường thai kỳ. Không được dùng rượu bia, thuốc lá hoặc các chất kích thích vì ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Để bé yêu bụ bẫm và thông minh, bà mẹ cần ăn uống đầy đủ các chất trong tháp dinh dưỡng: đạm, đường, chất béo, vitamin và chất khoáng, nên uống nhiều nước và sữa mỗi ngày. Cho bé nghe nhạc, hát ru hoặc kể chuyện. Màu da của con chủ yếu do di truyền từ bố mẹ.
- Tôi mang thai cháu thứ hai được 22 tuần, nhưng đều đặn cho bé nghe nhạc Chopin, Beethoven (đĩa nghe nhạc cho bà bầu) từ những tuần thứ 14, nhiều người khuyên rằng chỉ từ tuần 23 trở đi thính giác của bé mới phát triển, mới cảm nhận được. Xin hỏi điều đó có đúng không, tôi cho bé nghe sớm như vậy có ảnh hưởng gì không? (Vũ Tuyết Lan, 30 tuổi, Hà Nội)
- BS Yến Phi: Chuyện em cho bé nghe nhạc gì trong giai đoạn mang thai để giúp phát triển trí não vẫn còn khá nhiều tranh cãi em à. Cả hai mẹ con đều cùng nghe nhạc chứ không phải một mình con em. Nếu bản thân em lúc nghe nhạc của Chopin, Beethoven không cảm thấy thích thú hoặc cảm thấy khó chịu thì tốt nhất đừng nên nghe vì cảm giác của mẹ sẽ truyền sang con và tạo cảm giác khó chịu tương tự cho bé. Em nên nghe loại nhạc nào mà mình vẫn thường thích nghe, tránh những loại nhạc kích động có âm thanh lớn, tiết tấu quá nhanh. Nghe nhạc không lời trong giai đoạn này sẽ tốt hơn nghe nhạc có lời. Chuyện cho bé nghe nhạc sớm hay trễ không có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của bé đâu.
- Bác sĩ ơi, em sinh rồi ạ, bây giờ cháu được 4 tháng, vậy làm thế nào cho em bé được thông minh ạ (Lê Ngọc Hương, 27 tuổi, đường Lạc Long Quân P. Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội)
- BS Thu Hà: Bé yêu của bạn sẽ phát triển trí não tốt trên một cơ thể khỏe mạnh. Bạn nên cho con bú sữa mẹ để cung cấp với các dưỡng chất phù hợp với hệ tiêu hóa của bé và kháng thể từ mẹ truyền sang nhằm giúp bé chống lại một số bệnh từ môi trường bên ngoài. Bạn đừng quên cho bé tiêm chủng đầy đủ. Việc chăm sóc cho bé có được giấc ngủ ngon là cần thiết. Bạn nên thường xuyên nói chuyện, kể chuyện và chơi đùa với bé. Bé bắt đầu giao tiếp với môi trường bên ngoài nên những chuyến tham quan, đi chơi ở công viên hay sở thú là hữu ích.
- Tôi đọc báo thấy nói nhiều đến DHA, vậy DHA có vai trò thế nào đến trí thông minh của trẻ sau này? Và bổ sung DHA trong giai đoạn nào được xem là quan trọng và ảnh hưởng tốt nhất đến sự phát triển trí não của trẻ? (Nguyễn Thị Như Ngọc, 35 tuổi, Hoàng Hoa Thám, Tân Bình)
- BS Yến Phi: DHA là một chất béo tham gia vào cấu trúc của tế bào thần kinh và thị giác nên nhu cầu thường rất cao trong giai đoạn bộ não của bé đang được hình thành như trong thai kỳ hoặc 2 năm đầu sau sinh. Việc bổ sung DHA trong giai đoạn thai kỳ và cho trẻ dưới 2 tuổi đã được chứng minh rằng có thể giúp gia tăng chỉ số IQ cho trẻ. DHA vốn có nhiều trong trứng, sữa, cá biển béo... Tuy nhiên trong các trường hợp nhu cầu tăng cao như ở phụ nữ mang thai hoặc trẻ dưới 2 tuổi thì rất khó cung cấp đủ DHA qua chế độ ăn thông thường, vì vậy cần chú ý bổ sung thêm các thực phẩm giàu DHA qua khẩu phần ăn hàng ngày cho các đối tượng trên.
Ngoài DHA, cũng cần lưu ý bổ sung thêm các chất béo khác trong bộ chất béo giúp phát triển trí não của trẻ: ARA, Omega 3, Omega 6, Photpho Lipid, Vitamin A.
- Em năm nay 27 tuổi, đang mang thai bé đầu tiên ở tháng thứ 6. Mong bác sĩ tư vấn cho em về chế độ dinh dưỡng và những chất cần bổ sung trong những tháng tiếp theo để đảm bảo trí não và thể trạng của bé được phát triển tốt. Em cảm ơn Bác sĩ! (Nguyễn Thị Thục, 27 tuổi)
- BS Thu Hà: Vào tháng thứ 6 thai kỳ là bạn đã qua giai đoạn mệt mỏi ốm nghén vì thai hành. Bạn cũng đã qua giai đoạn làm đầy đủ các xét nghiệm để đánh giá sức khỏe của mẹ và thai. Thai nhi đang bước vào giai đoạn tăng trọng, vì vậy việc bổ sung các dưỡng chất là cần thiết cho cả mẹ và con.
Giai đoạn này mỗi tháng bạn tăng cân từ 2 đến 2,5 kg là vừa. Ngoài các dưỡng chất như đạm (có trong thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu); đường (gạo, nếp, bắp, bột); chất béo; vitamin và chất khoáng, bạn nên bổ sung thêm DHA, cholin, acid folic để trí não và thể trạng của bé được phát triển tốt hơn.
- Em không thể uống được sữa dành cho bà bầu, em sợ sẽ ảnh hưởng đến trí thông minh của bé sau này, vậy có cách gì để có thể thay thế sữa bà bầu mà vẫn đầy đủ dinh dưỡng không ạ? Em xin chân thành cảm ơn. (Trần Thu Hải, 26 tuổi, Lê Văn Hiến Đà Nẵng)
- BS Yến Phi: Nếu không uống được sữa dành cho bà bầu, em vẫn có thể dùng các loại sữa khác như sữa tươi, sữa chua, sữa thanh trùng... Thậm chí em vẫn có thể sử dụng các thực phẩm làm từ sữa như rau câu sữa, bánh flan, hoặc các loại kem làm từ sữa. Một số người không uống được sữa do thiếu men Lactase, nên dễ bị tiêu chảy khi dùng bất kỳ loại sữa nguyên kem nào. Những trường hợp này cần dùng loại sữa đã tách bỏ Lactose (còn gọi là sữa Lactose free) hoặc có thể dùng các loại sữa lên men.
Nếu không uống được sữa hoàn toàn là một thiệt thòi cho mẹ và bé, vì hiện nay các thực phẩm tự nhiên hoặc tổng hợp hầu như không có loại nào thay thế được sữa. Có thể bổ sung canxi bằng viên uống hoặc các thực phẩm giàu canxi như cá, tép nhỏ ăn cả xương cả vỏ, đậu hũ, mè... nhưng canxi trong các thực phẩm này thường hấp thu kém hơn. Chất đạm và vitamin trong sữa có thể được thay thế bởi các thực phẩm giàu đạm khác như cá, trứng, đậu đỗ, nhưng tỷ lệ thường không cân đối bằng.
- Em nghe nói cá giàu DHA, giúp bé thông minh, em có bầu mà sợ cá, sợ tất cả các mùi tanh liên quan đến cá, em không thể ăn được, xin bác sĩ tư vấn để vẫn đảm bảo chất "thông minh" cho con. (Minh Tâm, 29 tuổi, Hai Bà Trưng, Quận 3)
- BS Yến Phi: Ngoài cá thì DHA còn tìm thấy trong lòng đỏ trứng, sữa, và các chế phẩm từ sữa, trong các loại hạt có dầu hoặc là dầu nhẹ (dầu đậu nành, dầu gấc, dầu oliu, ...). Sự phát triển trí thông mình của trẻ không chỉ dựa trên một mình DHA mà còn liên quan đến khá nhiều chất dinh dưỡng khác như chất đạm, vitamin, nhiều loại chất béo khác. Vì vậy nếu không ăn được cá thì loại thực phẩm thay thế tốt nhất là sữa.
![]() |
Theo các bác sĩ là sự phát triển trí thông mình của trẻ không chỉ dựa trên một mình DHA mà còn liên quan đến khá nhiều chất dinh dưỡng khác như chất đạm, vitamin, nhiều loại chất béo. Ảnh: H.Huy |
- Cho em hỏi, em năm nay 26 tuổi, mang thai lần đầu. Em nghe bác sĩ dặn là khi nằm nên nằm nghiêng để tốt cho em bé. Nhưng em thấy khó chịu và hơi đau trong bụng khi nằm nghiêng (cả bên trái và bên phải), khi nằm thẳng thì dễ chịu hơn nhưng em hay đau và mỏi lưng. Do đó, em phải thường thay đổi tư thế nằm. Ban đêm em rất khó ngủ. Cho em hỏi liệu em nằm thẳng như vậy có ảnh hưởng gì đến em bé không? Khi nằm nghiêng em thấy đau căng trong bụng thì có bị gì không? (Thu Trang, 26 tuổi, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh).
- BS Thu Hà: Theo cấu trúc giải phẫu tĩnh mạch và động mạch chủ bụng nằm ngay trước cột sống, động mạch chủ bụng nằm bên trái tĩnh mạch chủ bụng, thành tĩnh mạch mềm và dễ bị ép dẹp, thành động mạch chủ có cấu trúc lớp cơ chắc hơn nên khó bị ép dẹp. Máu từ chi dưới và tử cung sẽ qua tĩnh mạch chủ bụng về tim sau đó qua động mạch phổi nhận oxy rồi từ đó về tim trái và đưa máu đến khắp cơ thể trong đó có tử cung để nuôi thai nhi.
Khi thai lớn nếu người mẹ nằm ngửa, tử cung chứa bào thai sẽ chèn vào tĩnh mạch chủ bụng làm cho việc hồi lưu máu trở về tim bị cản trở gây ra hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ dưới. Người mẹ lúc này cảm thấy mệt, khó thở, tim đập nhanh, vả mồ hôi và sẽ ảnh hưởng đến tuần hoàn thai nhi. Do vậy, các bác sĩ thường khuyên thai phụ nên nằm hơi nghiêng sang trái để tránh hiện tượng này. Tuy nhiên khi thai còn nhỏ hoặc có một số thai phụ ngay khi thai lớn nằm ngửa vẫn không xảy ra hội chứng chèn ép tĩnh mạch chuỗi dưới thì tư thế nằm ngửa vẫn không ảnh hưởng gì đến bé. Việc lựa chọn tư thế nằm sao cho dễ chịu đối với bản thân từng thai phụ là tốt.
- Em có thai được 5 tháng rồi, em lên được 6 kg nhưng em không biết là bé có hấp thụ dinh dưỡng từ mẹ không? Chị cho em hỏi làm thế nào để biết bé hấp thụ dinh dưỡng từ trong bụng mẹ.(Le Thi Thuy, 28 tuổi, Quận 8, TP HCM)
- BS Yến Phi: Tăng 6 kg trong 5 tháng đầu thai kỳ là mức tăng cân bình thường. Trong 3 tháng cuối của thai kỳ thì mức tăng cân thường nhanh hơn, có thể đến 2 kg mỗi tháng. Để xác định sự hấp thu chất dinh dưỡng từ mẹ qua con, cách tốt nhất là theo dõi sự phát triển của thai trên siêu âm. Em có thể đề nghị bác sĩ theo dõi thai kỳ cho chỉ định đi siêu âm để đo chiều dài và trọng lượng của thai. Nếu thai phát triển chậm hơn so với độ tuổi, chứng tỏ chất dinh dưỡng truyền qua nhau thai vào con không đủ.
- Em có thai được hơn 17 tuần, với thời điểm này có thể cho bé nghe nhạc được chưa ạ?Có thể cho bé nghe loa ngoài được không hay nhất thiết phải dùng tai phone úp lên bụng mẹ bé mới nghe được ạ? Em xin cảm ơn! (Nguyễn Thị Dung, 26 tuổi, Hải Phòng)
- BS Thu Hà: Từ 18 tuần trở lên bạn có thể cho bé nghe nhạc. Có nhiều cách khác nhau như: mở băng đĩa để cả nhà cùng nghe hoặc dùng tai phone áp vào bụng mẹ, và hiện nay có các đai chuyên dụng dành cho các bà mẹ mang thai cho bé yêu nghe nhạc. Âm thanh khi nghe là vừa phải. Tùy vào bối cảnh mà bạn lựa chọn cách dùng. Ví dụ như trong văn phòng làm việc, để tránh ảnh hưởng tới người khác bạn dùng đai chuyên dụng. Buổi tối ở nhà có thể mở đĩa để cả nhà cùng nghe. Bạn nên lưu ý chọn loại nhạc có âm hưởng êm dịu và du dương, chọn những bài hát ru, có thể những câu chuyện kể, những tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim hót đều được. Tránh những âm thanh ồn ào chát chúa dễ gây cho bé mệt mỏi.
- Thưa chị em muốn hỏi: Hiện nay trên thị trường có bán viên DHA liệu uống có tốt không?Có ảnh hưởng gì xấu đến trẻ không ạ? Em nghe nói ở Bệnh viện Đại Học Y Dược có làm xét nghiệm phát hiện sớm dị tật thai nhi,em đang mang thai được 3 tháng đã đi xét nghiệm được chưa ạ? Em cảm ơn chị. (Vũ Thị Ngọc Khuyên, 25 tuổi, Đông Triều, Quảng Ninh)
- BS Yến Phi: Viên DHA có nhiều hàm lượng khác nhau. Nếu viên có hàm lượng thấp cũng có thể sử dụng bổ sung thêm trong thai kỳ, tuy nhiên cần lưu ý lựa chọn sản phẩm có đủ uy tín về mặt chất lượng. DHA là một dạng chất béo rất dễ bị oxy hóa nên các viên DHA được bảo quản không tốt (môi trường nắng, nóng, độ ẩm cao, ánh sáng mặt trời trực tiếp, ...) có thể bị biến chất thành những chất oxy hóa rất nguy hiểm cho mẹ và con. Tốt nhất em nên bổ sung DHA từ các thực phẩm tự nhiên như sữa, cá, trứng, ...
Các dị tật của thai nhi có nhiều loại và giai đoạn chẩn đoán sẽ khác nhau, vì vậy em nên đi khám và theo dõi thai kỳ thường xuyên để nếu cần bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm chẩn đoán các dị tật của thai.
- Cho tôi hỏi như thế nào là cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ khi mang thai 3 tháng cuối của thai kỳ, và cung cấp như thế nào là hợp lý để giúp trẻ phát triển trí não tốt? (Ngoc Quyen, 30 tuổi)
- BS Yến Phi: Việc cung cấp chất dinh dưỡng phải được phân bổ đều đặn trong thai kỳ theo nhu cầu của từng giai đoạn một:
Giai đoạn 3 tháng đầu: các chất dinh dưỡng quan trọng nhất là các vi khoáng, và vitamin (sắt, kẽm, axit Folic, vitamin A), và các axit amin thiết yếu (có nhiều trong cá, sữa)
Giai đoạn 3 tháng giữa: nhu cầu chất béo tăng cao để phục vụ cho sự phát triển não bộ của thai nhi.
Giai đoạn 3 tháng cuối: thai phụ thường thiếu chất bột, canxi, chất xơ... nên trong giai đoạn này ngoài các thực phẩm thông thường nên ăn thêm các bữa phụ nhỏ, tăng khoai củ, rau trái, uống đủ nước và tăng lượng sữa hàng ngày thêm 200 ml so với 2 giai đoạn trước.
Việc phát triển trí não của trẻ không chỉ tùy thuộc chế độ ăn của mẹ mà còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như giấc ngủ, môi trường ô nhiễm, tiếng ồn, bệnh lý trong thai kỳ, sự phát triển của nhau và dây rốn, ... Vì vậy bạn đừng quên đi khám thai thường xuyên để theo dõi thai thật kỹ.
- Ở Việt Nam hiện nay có Trung tâm nào để tư vấn về chế độ dinh dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến Mẹ và Bé không (trong suốt quá trình mang thai cũng như nuôi dưỡng bé khi sinh ra)? Nếu có xin bác sĩ cho biết địa chỉ liên hệ. (Nguyen Phi Khanh, 34 tuổi)
- BS Yến Phi: Hiện tất cả các bệnh viện sản khoa của Việt Nam đều có bộ phận tư vấn dinh dưỡng và thai sản từ trước giai đoạn mang thai đến suốt thai kỳ. Địa chỉ của các bệnh viện này có thể tìm trong danh bạ điện thoại hoặc hỏi từ tổng đài 1080. Bạn cũng có thể tìm thêm các thông tin cần thiết về việc chăm sóc dinh dưỡng trong thai kỳ trên trang web www.dinhduongkhimangthai.com.
- Em năm nay 27 tuổi, đang chuẩn bị để có thai. Cho em hỏi có phải mang thai từ tháng 1 đến thứ 5 nếu ăn nhiều thì chất dinh dưỡng sẽ chỉ vào mẹ đúng không ạ. Và từ tháng thứ 6 mới hấp thụ chất dinh dưỡng vào con nhiều. Em cảm ơn (Trần Thị Ánh, 27 tuổi, Bạch Đằng, Hà Nội)
- BS Yến Phi: Do nhu cầu chất dinh dưỡng trong những tháng đầu của thai kỳ thường chỉ tập trung vào các chất không sinh năng lượng như vitamin, chất khoáng, chất đạm thiết yếu, ... nên nếu em ăn nhiều trong những tháng này đương nhiên phần năng lượng thừa sẽ được chuyển thành mỡ và dự trữ trong cơ thể mẹ. Bắt đầu từ khoảng giữa thai kỳ, bào thai mới gia tăng trọng lượng và kích thước nhanh, tức là nhu cầu các chất dinh dưỡng có năng lượng như chất bột, chất béo sẽ tăng lên. Đây cũng chính là lý do vì sao thai phụ được khuyến cáo chỉ nên tăng khoảng 3 kg trong 4 tháng đầu thai kỳ nhưng lại phải tăng 2 kg mỗi tháng trong giai đoạn sau.
- Bác sĩ cho cháu hỏi, khi có thai có phát hiện được dị tật của thai nhi không. Em cháu sinh con bị mất một tai nhưng trong quá trình siêu âm lại không phát hiện ra. Vậy làm cách nào để phát hiện được bất thường của thai nhi. Cháu năm nay 25 tuổi, đang có thai 6 tháng. Cháu rất lo lắng, làm thế nào để đảm bảo đủ dinh dưỡng và sinh ra em bé khỏe mạnh, thông minh? Cháu cảm ơn bác sĩ (Ngân, 25 tuổi, Nguyễn Văn Linh - Lê Chân - Hải Phòng)
- BS Thu Hà: Trước hết xin chia sẻ cùng bạn với đứa con đầu lòng (bị mất một tai). Trong quá trình khám thai, các bác sĩ sẽ cố gắng phát hiện những bất thường của thai nhi cũng như những vấn đề về sức khỏe của mẹ. Lần khám thai đầu tiên người mẹ sẽ được làm các xét nghiệm thường quy như: huyết đồ, viêm gan B, HIV, giang mai, đường huyết, tổng phân tích nước tiểu, Rubella. Thai từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày: siêu âm đo độ mờ gáy thai nhằm sàng lọc sớm bất thường thai nhi. Các xét nghiệm sàng lọc hội chứng down như Double test được thực hiện ở tuổi thai sớm 11-12 tuần hoặc Triple test được thực hiện ở tuổi thai 14 -21 tuần.
Siêu âm hình thái học được thực hiện ở tuổi thai 20-24 tuần có thể phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái thai nhi. Những bất thường nhỏ như: tật dư ngón, khuyết vành tai nếu không quan sát kỹ có thể bị bỏ sót.
Siêu âm hình thái thai nhi đúng nghĩa phải được quan sát chi tiết và hết sức cẩn thận với máy siêu âm có độ ly giải cao. Mỗi ca siêu âm có khi kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ. Tại các nước tiên tiến do số lượng thai phụ ít nên có thể thực hiện được nhưng chi phí rất cao (có nơi lên đến 500 USD). Tại Việt Nam các bác sĩ siêu âm đã cố gắng hết sức, tuy nhiên với áp lực công việc quá lớn và tình trạng quá tải hiện nay nên đôi khi có thiếu sót.
Để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng bạn cần theo dõi sự tăng cân. Suốt thai kỳ tăng cân từ 12 kg đến 15 kg là vừa. Bạn nên ăn uống đầy đủ các nhóm chất: đạm, đường, chất béo, vitamin và chất khoáng. Bạn nên bổ sung DHA, cholin và acid folic suốt thai kỳ. Thân ái chào bạn.
- Chế độ dinh dưỡng thế nào để bé phát triển chiều cao ngay từ trong bụng mẹ và sau khi chào đời. Tôi xin cảm ơn (Nguyễn Đức Toàn, 30 tuổi, Đà Nẵng)
- BS Yến Phi: Chiều cao của bé phát triển chủ yếu trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, trong đó di truyền là một yếu tố rất quan trọng và không thể can thiệp. Các chất dinh dưỡng như canxi, vitamin D, vitamin A, sắt, kẽm, iot, flour, Collagen... đều tham gia vào quá trình phát triển chiều cao. Ngoài ra các nghiên cứu khoa học đã xác nhận những yếu tố thuộc về môi trường và lối sống như giấc ngủ, bệnh nhiễm trùng, vận động tích cực, các chất hóa học trong môi trường và dụng cụ đựng thức ăn bằng nhựa, khẩu phần ăn quá nhiều chất béo và thức ăn nhanh... cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao.
Loại thực phẩm tốt nhất cho sự phát triển chiều cao ngay từ trong bụng mẹ đến sau khi chào đời là sữa và các chế phẩm từ sữa. Nếu cung cấp cho bà bầu 500-600 ml sữa mỗi ngày cộng với chế độ ăn có thêm các loại cá, tép nhỏ ăn cả xương, cả vỏ và duy trì tổng lượng sữa hàng ngày cho trẻ trước tuổi dậy thì là 800-1000 ml, thì thường đã cung cấp đủ nhu cầu cho sự phát triển chiều cao. Điều cần lưu ý là cùng với một chế độ sữa nhiều như trên, cần giảm các thực phẩm giàu năng lượng tương ứng, tránh để tích lũy mỡ trong cơ thể từ khi trẻ 3-7 tuổi. Nếu không chính tình trạng béo phì sẽ kích hoạt dậy thì sớm và trẻ mất chiều cao.
- Em xin phép được hỏi bác sĩ là thai phụ có được uống nước linh chi không ạ? (Nguyễn Thị Lan Hương, 30 tuổi, Trường Chinh, Hà Nội)
- BS Yến Phi: Nước sắc nấm Linh Chi có một số chất chức năng có tác dụng hoạt hóa tế bào và làm gia tăng chuyển hóa cho toàn cơ thể. Như thế ở những người suy nhược mệt mỏi thì nước sắc Linh Chi sẽ có tác dụng làm tăng sự linh hoạt và minh mẫn nên có cảm giác khỏe hơn. Riêng đối với bà bầu, giai đoạn thai kỳ đã có sự gia tăng chuyển hóa sinh lý do sự tăng tiết các nội tiết tố từ buồng trứng, tuyến vú, nhau thai..., nên nếu tăng thêm quá trình chuyển hóa này chỉ làm cho thai phụ cảm thấy mệt mỏi, bứt rứt, cảm giác nóng nực hơn. Ngoài Linh Chi thì còn có một số các thực phẩm chức năng làm tăng chuyển hóa cũng không nên dùng cho thai phụ như nhân sâm, cao hổ cốt, nhung hươu...
- Tôi đã lớn tuổi, nhưng giờ muốn xin thêm 1 đứa bé nữa được không chị? Và cách chăm sóc bé từ trong bụng như thế nào? Tôi nghe nói khi mang thai nghe nhạc đồng quê thì trẻ sẽ thông minh, điều đó đúng hay sai vậy ? Cám ơn (Lương Thị Ngọc, 46 tuổi, Phú Định, Quận 8, TP HCM)
- BS Thu Hà: Theo nhiều nghiên cứu thấy rằng: mẹ càng lớn tuổi càng khó thụ thai và nguy cơ thai bị bất thường (hội chứng Down, trisomy 13, trismy 18...) càng cao. Mẹ trên 35 tuổi nguy cơ hội chứng Down là 1/270 trường hợp, mẹ 40 tuổi nguy cơ hội chứng Down 1/80 và mẹ trên 45 tuổi nguy cơ còn cao hơn nữa. Vì vậy các bác sĩ thường khuyên các chị lớn tuổi không nên để mang thai.
Chăm sóc bé từ trong bụng mẹ là hết sức quan trọng. Bên cạnh việc dinh dưỡng tốt, yếu tố di truyền, thì việc giáo dục bé từ trong bụng mẹ là cần thiết. Kích thích các giác quan cho bé, đặc biệt là thính giác là một trong các phương pháp thai giáo được khuyến khích hiện nay. Nhạc đồng quê, những bài hát ru, những câu chuyện kể với âm thanh êm dịu có tác động tích cực đến nhân cách và trí não bé sau này.
- Cháu đang mang thai được 20 tuần. Hai tuần nay, cháu bị chứng đau nửa đầu bên phải. Thi thoảng lên cơn đau dữ dội, nhức ở gần thái dương...Cháu không bị đau tai, đau da mặt hay đau mắt. Mọi giác quan bình thường, chỉ đau mỗi nửa đầu thôi ạ. Bác sĩ cho cháu hỏi liệu có ảnh hưởng gì đến thai nhi trong bụng không ạ? Và có cách nào để khắc phục không ạ? Xin cảm ơn bác sĩ. (Phạm Ngọc Anh, 24 tuổi, Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội)
- BS Yến Phi: Bệnh đau nửa đầu là bệnh lý thuộc chuyên khoa thần kinh, có liên quan đến rất nhiều yếu tố như mạch máu, thần kinh thực vật... Đau nửa đầu trong thai kỳ còn có thể liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố và các phản ứng miễn dịch. Tốt nhất em nên đi khám ngay ở các chuyên khoa thần kinh để xác định tính chính xác tình trạng bệnh và điều trị sớm. Các cơn đau của em ảnh hưởng đến thai nhi thì ít, nhưng nếu có sự thay đổi nội tiết tố và miễn dịch dẫn đến co mạch trong đau nửa đầu, thì chính hiện tượng co mạch này sẽ làm ảnh hưởng đến lượng máu nuôi thai và gây hậu quả cho sự phát triển của thai.
- Hiện em mang thai được hơn 13 tuần rồi. Đã vào giai đoạn thứ 2 của quá trình bầu bí. Vậy bác sĩ cho em hỏi chế độ dinh duỡng trong thời kỳ này như thế nào là cần thiết và hiệu quả nhất ạ? Em muốn nhận đuợc lời khuyên từ bác sĩ để có chế độ dinh duỡng tốt cho con. Và em nên uống loại sữa gì thì tốt nhất? Và em nên đi tiêm vacxin phòng uốn ván vào tuần thứ bao nhiêu? (Đặng Thị Dịu, 29 tuổi)
- BS Thu Hà: Chúc mừng bạn đã qua giai đoạn thai hành. Lúc này là giai đoạn tăng cường dinh dưỡng nhằm bù lại giai đoạn ốm nghén vừa qua. Bạn cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn, gồm chất đạm, chất đường, chất béo, vitamin và chất khoáng. Bạn nên uống từ 1 đến 2 ly sữa dành cho bà bầu mỗi ngày.
Với người mang thai lần đầu được tiêm phòng uốn ván (VAT) 2 lần trong thai kỳ. Lần đầu (VAT 1) tiêm càng sớm càng tốt, tuy nhiên trong 3 tháng đầu là giai đoạn thai kỳ không ổn định, thai dễ bị sẩy nên có khi thai sẩy trùng với giai đoạn sau tiêm ngừa gây ra hiểu nhầm. Các trung tâm sản khoa thường tiêm ngừa mũi đầu (VAT 1) vào tuần lễ 15-16 thai kỳ. VAT 2 tiêm sau mũi VAT 1 tối thiểu 30 ngày và trước ngày dự sinh tối thiểu 30 ngày.
Với người mang thai lần thứ 2, nếu lần mang thai đầu đã tiêm đủ 2 mũi VAT, thì chỉ cần tiêm một mũi VAT 3, mũi này cách mũi VAT 2 tối thiểu 6 tháng (180 ngày) và trước ngày dự sanh tối thiểu 30 ngày.
Với người mang thai lần thứ 3, nếu 2 lần mang thai trước đã tiêm đủ VAT theo lịch, thì lần này chỉ cần tiêm một mũi VAT 4, mũi này cách mũi VAT 3 tối thiểu một năm.
- Chào bác sĩ, tôi đang mang thai 32 tuần. Để con thông minh, tôi cho bé nghe nhạc từ lúc 20 tuần tuổi. Ngoài ra, bác sĩ có thể tư vấn thêm cho tôi về vấn đề này được không? Hiện em bé của tôi nặng 2,1 kg có phải nhẹ cân không thưa bác sĩ? (Nguyễn Thị Thanh, 28 tuổi, Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội)
- BS Yến Phi: Bé 32 tuần tuổi thai có cân nặng 2,1 kg thì không suy dinh dưỡng tuy nhiên cũng không có gì vượt trội. Có lẽ mẹ nên chú trọng ăn thêm các thức ăn giàu năng lượng trong bữa ăn hàng ngày của mình từ giờ cho đến khi sinh. Các thức ăn tốt nhất trong giai đoạn này là các loại bột phức tạp (cơm, nui, bún, bánh mì, ...), mẹ cũng cần tăng thêm lượng sữa uống hàng ngày để cung cấp đủ lượng canxi cho sự phát triển chiều cao vượt trội trong giai đoạn cuối thai kỳ. Tối thiểu mỗi ngày mẹ cần 600 ml sữa.
Về chuyện nghe nhạc trong thai kỳ thì vẫn còn khá nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, đa số các ý kiến thì đều đồng ý khuyến khích các bà mẹ nghe những loại nhạc nhẹ, không lời, các loại nhạc yêu thích có thể tạo cảm giác thư thái, dễ chịu cho mẹ.
- Chào Bác sĩ, em mang thai được 11 tuần nhưng bị ho rất nhiều, có đờm, em thường ngậm nước muối và ăn tắc chưng đường phèn nhưng đến nay hơn 10 ngày rồi mà vẫn chưa hết ho, vậy có ảnh hưởng đến thai nhi không bác sĩ, và có cách nào trị hết ho không ạ? (Nguyễn Thúy Nga, 27 tuổi, Quận Tân Bình)
- BS Thu Hà: Em đang mang thai 11 tuần và bị ho nhiều có đàm kéo dài hơn 10 ngày vẫn chưa khỏi, như vậy có khả năng em bị viêm đường hô hấp trên. Em nên đến bác sĩ khám để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Thân ái chào em.
- Chúng con mới lập gia đình, vợ con vừa có thai được 6 tháng. Con được biết là khi có thai thì người mẹ phải ăn uống, bồi dưỡng đủ chất nhưng vợ con dường như không thèm ăn (cua, ghẹ, uống sữa). Hiện tại sức khỏe vợ con vẫn tốt (cao 1m6, nặng 58 kg), thai nặng 5 kg. Con không biết điểm này có ảnh hưởng đến phát triển em bé không? Kính mong bác tư vấn. (Le Cao Dan, 33 tuổi)
- BS Yến Phi: Tổng số lượng thực phẩm ăn vào trong ngày thật ra không hoàn toàn giống nhau giữa các bà bầu vì còn bị ảnh hưởng bởi hệ tiêu hóa hấp thu, kích thước bánh nhau, lượng máu từ mẹ truyền sang con... Thai không thể nặng 5 kg vào thời điểm 6 tháng được, nên tôi nghĩ rằng em định nói bà mẹ đã tăng 5 kg sau 6 tháng. Số tăng cân này ít hơn so với chuẩn, vì vậy trong giai đoạn còn lại của thai kỳ nên khuyến khích bà mẹ ăn thêm các bữa phụ ngoài bữa chính để đảm bảo tăng ít nhất 2 kg cho mỗi tháng. Các thức ăn trong bữa phụ có thể đa dạng và nên phù hợp với khẩu vị của bà bầu. Tránh các thức ăn dân gian có tác dụng bồi bổ như gà ác tiềm thuốc bắc, giò heo hầm đậu đen... nếu như bà bầu có cảm giác sợ mùi gia vị nặng. Nếu mẹ không uống được sữa, thì nên chế biến sữa thành các thức ăn khác như bánh, kem, rau câu... để dễ ăn hơn. Nên khuyến khích mẹ ăn vì con ngay cả khi khẩu vị kém đi vì nghén.
- Chào bác sĩ ,tôi tha thiết xin bác sĩ tư vấn cho tôi về trường hợp của mình. Tôi kết hôn đã bốn năm, đã một lần có thai nhưng bị chửa ngoài tử cung va phải cắt một bên vòi trứng. Từ đó đến nay tôi đã đi chữa nhiều nơi mà vẫn không có thai, tôi cũng đã chụp một bên vòi trung còn lại thì kết quả là bình thường. Xin bác sĩ cho tôi lời khuyên là trường hợp của tôi có nên đi làm thụ tinh ống nghiệm hay không? Vì tôi chỉ còn một biện pháp này là chưa làm. (Nguyễn Mộc Lan, 30 tuổi, Hải Phòng)
- BS Thu Hà: Bạn đã một lần bị thai ngoài tử cung và cắt một bên vòi trứng, cho đến nay sau khi chữa nhiều nơi vẫn không có thai bạn có thể đến khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ để kiểm tra về khả năng sinh sản của cả hai vợ chồng. Tùy vào kết quả kiểm tra, các bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về phương pháp điều trị kế tiếp. Nếu cần có thể làm thụ tinh trong ống nghiệm. Chúc kết quả tốt đẹp đến với vợ chồng bạn.
- Em thấy mấy chị ở cùng công ty nói có bầu phải kiêng không được ăn nhãn, đào, uống nước bột sắn. Nếu ăn vào sẽ không tốt cho con và có thể bị đẻ non. Bác sĩ có thể tư vấn cho em xem như vậy có đúng không, tại vì em ăn rất nhiều nhãn ạ không biết có ảnh hưởng đến con không ạ. Em xin cảm ơn! (Nhữ Thị Hương, 23 tuổi, Kim Ngưu, HBT, HN)
- BS Yến Phi: Không có bất kỳ loại thực phẩm tự nhiên nào bị cấm tuyệt đối trong thai kỳ nếu như bạn đã có thể ăn nó vào giai đoạn trước mang thai. Tuy nhiên bạn cần lưu ý, các thực phẩm bạn hỏi đều giàu đường đơn giản, khi ăn vào sẽ làm tăng đường huyết nhanh, làm tăng nguy cơ rối loạn đường huyết trong thai kỳ đồng thời làm ức chế trung tâm ăn uống khiến bạn biếng ăn hơn và sẽ không ăn đủ các thực phẩm cần thiết khác. Ngoài ra thì mỗi loại thực phẩm đều có những ưu điểm khác nhau, ví dụ cam thì nhiều vitamin C, bơ nhiều axit béo không no, axit Folic..., nên nếu bạn chỉ ăn nhãn mà không ăn loại trái cây khác thì chắc chắn khẩu phần ăn uống sẽ không cân đối và hợp lý được.
- Tôi có 2 vấn đề nhờ bác sĩ hỗ trợ: 1. Bà xã tôi đã mang thai con đầu lòng đưa 16 tuần, vợ tôi cũng hay đi trực (vì vợ tôi cũng là BS), nên sức khỏe cũng ảnh hưởng phần nào, vậy xin BS tư vấn nên dùng những dinh dưỡng nào để đảm bảo sức khỏe? 2. Tôi cần trang bị cho bà xã những dinh dưỡng nào để giúp con tôi thông minh hơn, bà xã tôi rất dễ ăn, chỉ không thích món nào có nhiều gia vị quá (thay đổi này khi mang thai). (Mr Hưng, 32 tuổi, Q.12, HCM)
- BS Yến Phi: Giai đoạn này của thai kỳ hầu như các cơ quan của bé đã được định hình nên khẩu phần dinh dưỡng chủ yếu là để cung cấp các chất giúp cơ quan phát triển. Có thể cho bà mẹ ăn đa dạng các thực phẩm như bữa ăn hàng ngày cùng với gia đình, chỉ cần gia tăng thêm khoảng 3 bữa phụ mỗi ngày với các thức ăn giàu bột đường hỗn hợp như bún riêu, phở, hủ tiếu... Cũng có thể gia tăng thêm lượng sữa hàng ngày nếu mẹ không thời gian ăn. Những buổi đi trực nếu không trùng vào bữa ăn chính thì nên có thêm bữa phụ bằng một ly sữa và cộng thêm nửa chén chất bột nhỏ. Anh có thể tham khảo các câu trả lời trên để biết các thực phẩm tăng trí thông minh cho trẻ.
- Vợ tôi đang có bầu bé thứ hai. Mọi người đều nói là ăn hải sản rất tốt cho trí não của bé. Tuy nhiên, có lo ngại rằng một số khoáng chất có trong hải sản như thủy ngân lại có hại. Vậy nên làm thế nào? Xin cám ơn! (Gia Trình, 38 tuổi, Hà Nội)
- BS Thu Hà: Hải sản có rất nhiều thành phần như đạm, chất béo, các vitamin và đặc biệt là khoáng chất rất tốt cho sức khỏe của cả mẹ và thai. Tuy nhiên đúng như bạn lo ngại một số hải sản như cá ngừ, cá thu, cá kiếm có hàm lượng thủy ngân cao. Nếu thai phụ ăn nhiều những loại cá này có thể gây ngộ độc thủy ngân. Bạn nên chọn những loại cá nhỏ, các loại tôm, cua, ốc... để hạn chế tình trạnh ngộ độc thủy ngân. Bên cạnh đó bạn không nên dùng hải sản sống mà nên chế biến chín trước khi dùng để tránh nhiễm một số ký sinh trùng gây nguy hại cho sức khỏe.
- Xin bác sĩ tư vấn: em mang thai được 12 tuần, em nên ăn những thưc phẩm gì sẽ giúp bé thông minh? E có nghe nói, cho bé nghe nhạc trong quá trình mang thai rất tốt cho sự phát triển trí não của bé, nhưng nên nghe loại nhạc gì và nghe như thế nào là đúng? Cảm ơn bác sĩ! (Đinh Thị Hồng Thúy, 26 tuổi, Yên Bái, Vũng Tàu)
- BS Thu Hà: Em Hồng Thúy thân mến. Rất hoan nghênh sự quan tâm đến việc chăm sóc thai nhi của em. Để cho bé khỏe mạnh thông minh, các bà mẹ cần giữ gìn sức khỏe bản thân tốt, nên khám thai định kỳ và làm các xét nghiệm cần thiết. Em nên ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng : chất đạm ( thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu,..) , chất đường ( gạo, nếp, bắp, bột...), chất béo (ưu tiên chọn lựa chất béo từ thực vật), vitamin và chất khoáng, nên uống sữa dành cho các bà bầu, bổ sung thêm các dưỡng chất như : DHA, cholin, acid folic. Em tránh dùng các thực phẩm ôi, thiu, cũ, để lâu ngày... vì dễ gây nhiễm trùng nhiễm độc. Hạn chế dùng thường xuyên các thực phẩm quá mặn hoặc quá ngọt vì dễ gây cao huyết áp hoặc tiểu đường thai kỳ. Không nên dùng các chất kích thích như rượu, bia, trà đậm đặc, cafe vì ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí não thai nhi.
Cho bé nghe nhạc từ sau tuần lễ thứ 18 sẽ kích thích phát triển trí não của trẻ. Em nên chọn những loại nhạc có âm hưởng êm dịu du dương, những bài hát ru, những câu hò, dòng nhạc đồng quê. Ngay cả những tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim hót, những câu chuyện kể cũng có tác động tích cực đến nhân cách bé sau này. Em có thể cho bé nghe nhạc từ đĩa hát để cả gia đình cùng nghe với âm lượng vừa phải. Nếu ở phòng làm việc, để tránh ảnh hưởng đến mọi người em có thể mang đai chuyên dụng nghe nhạc dành cho bà bầu.
Bố mẹ thường xuyên âu yếm vuốt ve và nói chuyện với bé cũng giúp bé phát triển về chỉ số thông minh cũng như chỉ số cảm xúc về sau.
Tinh thần người mẹ thoải mái, gia đình hạnh phúc và tràn đầy niềm vui và tiếng cười góp phần không nhỏ đến phát triển trí não của trẻ.
Chúc gia đình em có được bé yêu thông minh, khỏe mạnh.
- Xin bác sĩ cho biết những cách để làm bé phát triển linh hoạt trong bụng mẹ (như tập thể dục, dinh dưỡng, thực phẩm, nghe nhạc, cách cải thiện tinh thần...) để giúp mẹ và bé khỏe ạ. Em cảm ơn ạ! (Nguyễn Uyển Chi, 28 tuổi, Hà Nội)
- BS Yến Phi: Đúng là có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé trong suốt thai kỳ. Có thể tóm tắt một số yếu tố chính yếu sau đây:
Dinh dưỡng: Chú trọng đầy đủ chất béo để phát triển hệ thần kinh để chuẩn bị cho trí thông minh của trẻ sau này, canxi để phát triển chiều cao, vitamin và chất khoáng để phát triển các cơ quan. Một số các chất dinh dưỡng được khuyến cáo cụ thể trong thai kỳ là: thực phẩm giàu đạm = 150-200g/ngày, rau xanh = 300g/ngày, trái cây tươi = 250g/ngày, sữa = 2-3 ly/ngày, canxi = 1000mg/ngày, DHA = 200mg/ngày, axit Folic = 600mcg/ngày, cholin = 450mg/ngày, sắt = 60mg/ngày, vitamin D = 400mg/ngày...
Các thực phẩm cần hạn chế trong thai kỳ: cà phê, trà đặc, nước tăng lực, thuốc lá (kể cả hút thuốc thụ động, tức là chỉ hít khói thuốc do người khác hút). Tuyệt đối không sử dụng bất cứ thức uống có cồn trong thai kỳ.
Duy trì cuộc sống tinh thần lạc quan, vui vẻ, ít các kích xúc về tinh thần như giận dữ, cáu bẳn, lo lắng... tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày, đi bộ nhiều, tránh ngồi một chỗ lâu.
Cẩn thận trong sinh hoạt: mang giày thấp, quần áo rộng rãi thoáng mát, hạn chế đi xa trong thai kỳ.
Đi khám thai định kỳ và theo dõi thật sát sự phát triển của thai.
Chúc các bà mẹ thật khỏe trong thai kỳ để sinh được những em bé khỏe mạnh và thông minh!
Đời Sống