Theo Science Alert, trước đây, không thể nuôi cấy toàn bộ chi cơ thể do kết cấu phức tạp của các mô khác nhau (cơ, xương, sụn, gân, mạch máu...). Để giải quyết vấn đề trên, các nhà khoa học đã áp dụng kỹ thuật dùng trong nuôi cấy nội tạng.
Đầu tiên, họ lấy chân một con chuột chết, loại bỏ tế bào, chỉ giữ lại mô nền cơ bản là thể mẹ (matrix) để định hình các tế bào mới, đồng thời, tiến hành nuôi tế bào mạch máu và cơ lấy từ cá thể chuột nhận.
Thể mẹ được đặt vào một bể nuôi sinh học, tiếp đó các tế bào mạch máu được bơm vào động mạch chính của chân, tế bào cơ nguyên bản được tiêm vào các bao của thể mẹ để cố định vị trí cơ. Tế bào nguyên bản có thể hình thành một hoặc nhiều loại tế bào, là mức trung gian giữa tế bào gốc và tế bào chuyên biệt.
Chân nuôi cấy được đặt trong môi trường đặc biệt và kích điện thường xuyên. Sau hai tuần, chân mới được lấy ra khỏi bể phản ứng. Nhóm nghiên cứu thấy rằng các tế bào được phân chia một cách hợp lý. Tế bào mạch máu hoạt động bình thường, trong khi các tế bào cơ mạnh bằng 80% cơ của động vật sơ sinh.
"Trong ghép chân lâm sàng, dây thần kinh phát triển trở lại ở chỗ ghép, kích hoạt cả chuyển động và cảm giác. Chúng tôi biết được rằng quá trình đó được định hình phần lớn do thể thần kinh bên trong thể mẹ," giáo sư Harald Ott, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Bước tiếp theo, thuật này sẽ được áp dụng cho tế bào cơ người và phát triển trên các nhóm tế bào khác như xương, tuỷ và mô liên kết.
Dương Bùi