Người dân miền đồng bằng sông Cửu Long có thói quen tận dụng nguồn thức ăn cây nhà lá vườn để nuôi cá, bằng cách xây nhà vệ sinh, còn gọi nôm na là cầu tõm trên ao. Có nhà nuôi cá theo mô hình "trên lợn dưới cá".
Mấy chục năm nay xứ Đồng Chó Ngáp chạy dài từ huyện Hồng Dân sang huyện Phước Long của tỉnh Bạc Liêu, vẫn tồn tại nét đặc trưng vùng quê là nhiều gia đình dựng cầu tõm trên ao quanh nhà để nuôi cá.
Nhà vệ sinh trên mặt ao, phía dưới là bầy cá nuôi, là hình ảnh thường thấy ở nhiều gia đình vùng sông nước miền Tây. Ảnh: Thiên Phước |
Nhà ông Nguyễn Hoàng Tân ở xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân) nằm giữa cánh đồng tôm quảng canh, nhưng không quên nuôi thêm ao cá trê cạnh nhà, trên ao xây nhà vệ sinh để có nơi "giải quyết nỗi buồn". Theo ông Tân, ở nông thôn nếu xây nhà vệ sinh tự hoại rất tốn kém, khi hầm chứa bị đầy rất khó tìm người hút hầm cầu. Do đó đa số người dân đều dựng cầu tõm trên ao, đìa, kết hợp với việc nuôi cá.
Với mô hình nuôi cá bằng thức ăn "vàng", sau hai năm ông Tân kéo hết cá mang ra chợ bán chứ không dám ăn con nào, vì cả nhà đều sợ khi chứng kiến cảnh bầy cá tranh nhau ăn mồi giữa dòng nước bẩn.
Còn ở Sóc Trăng, dọc theo tỉnh lộ từ huyện Trần Đề về huyện Vĩnh Châu cũng xuất hiện nhiều cầu tõm trên ao cá nuôi. Ở thành phố Cà Mau cũng tương tự. Nhiều cái ao bên trên là nhà vệ sinh, phía dưới đáy ao từng bầy cá rô bơi ngược xuôi. Chủ nhân một cái ao cho biết, mùa hạn năm nào cũng tát ao bắt cá rô bán cho các chợ và quán nhậu, bởi đây là cá rô đồng béo ngậy.
Không chỉ có phân người, nhiều gia đình cũng tận dụng phân lợn để nuôi cá. Anh Nam ở thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) cho biết, đàn lợn gần 30 con của anh thải ra bao nhiêu phân đều tuồn hết xuống ao nuôi cá trê phi. Nhờ vậy cá rất mau lớn.
Cá trê phi được anh Nam đưa ra chợ bán chứ gia đình không ăn. "Bán 'khuất mặt khuất mày', ai mà biết mình nuôi cá trê bằng phân lợn nên người ta mua ăn tất tần tật", nông dân này nói.
Thiên Phước