Đã hơn 22 năm kể từ ngày tôi bước chân đến nước Pháp, nhưng ký ức về đất nước xinh đẹp và hào phóng ấy vẫn nguyên vẹn trong tôi, vẫn ấm áp và sống động như thuở nào. Lần giở những tấm ảnh ố vàng theo thời gian, tôi bồi hồi nhớ lại những ngày sơ khai của dự án “Lúa cạn Việt-Pháp”.
Mang trong mình trọng trách lớn lao của quê hương giao phó, đoàn cán bộ khoa học của Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Nghiệp Miền Nam chúng tôi đến Pháp để học tập phương thức trồng lúa cạn (cách thức trồng lúa trên những vùng đồi núi khô cằn), cũng như về thổ nhưỡng để duy trì các giống lúa cạn này. Nói là “đoàn” cho oai chứ thực tế chỉ có hai cán bộ mà thôi, do đó trách nhiệm của chúng tôi đối với dự án càng lớn. Chúng tôi tự nhủ phải giành hết mọi thời gian, sức lực, thu thập càng nhiều kiến thức càng tốt để khi trở về Việt Nam có thể triển khai việc trồng lúa cạn nhanh và mạnh trong các khu vực đồng bào dân tộc phía Nam và Miền Trung nhằm giúp họ thoát khỏi đói nghèo.
Đã đặt chân đến Pháp nhưng ký ức về nước Pháp của tôi không phải là Paris xa hoa tráng lệ, không phải là Bordeaux nồng say, cũng không phải là Lyon cổ kính.
Ký ức về nước Pháp của tôi là miền đất Montpellier hiền hòa, ngọt ngào tràn đầy ánh nắng, là viện nghiên cứu của Trung Tâm Hợp Tác Quốc Tế Nghiên Cứu Phát Triển Nông Nghiệp (CIRAD, Centre de Coopération Internationale en Recherche Agronomique pour le Développement), đây là phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất thời bấy giờ mà những người làm khoa học như chúng tôi đều trầm trồ và thầm ao ước có được một cái như thế ở Việt Nam để phục vụ cho việc nghiên cứu.
Nhưng lớn hơn hết, ký ức của tôi về nước Pháp là về những nhà khoa học, chuyên gia (cả người Pháp bản xứ lẫn Việt Kiều Pháp) của viện nghiên cứu CIRAD – những người đã làm hết sức truyền thụ kiến thức cho chúng tôi, đồng thời hỗ trợ chúng tôi máy móc, dụng cụ thí nghiệm và cả những đồng franc (đồng tiền Pháp thời bấy giờ) cho dự án “Lúa cạn Việt-Pháp” được thành công.
Cũng từ nước Pháp, chúng tôi đã học được cách sử dụng máy vi tính cho mục đích khoa học (cũng nên nhắc lại một chút là những năm chín mươi, chín mươi mốt của thế kỷ hai mươi, máy vi tính còn là thứ xa xỉ đối với nhà khoa học Việt Nam).
Đến với các thôn bản xa, những vùng đồi núi hẻo lánh và khó nghèo đất cằn khô sỏi đá, những chuyên gia như Philippe Godon, Alain Leplaideur, Trương Bình, Jacques Arrivets, Anne Guillonneau, Vương Hữu Hải… thay phiên nhau đến Việt Nam, đem những thực nghiệm đã thành công tại các nước khác đến để hướng dẫn cho đồng bào dân tộc mình.
Cũng có những chuyên gia “nằm vùng” như Aymeric Roussel, Vianney Briand không ngại khó khăn gian khổ, thay mặt cho cả chuyên gia Việt Nam, đến tận địa phương ăn ở cùng với đồng bào dân tộc trong nhiều năm liền, cầm tay chỉ vẽ cách trồng lúa cạn như thế nào cho có hiệu quả. Ngoài ra còn rất nhiều các sinh viên thực tập đến từ nước Pháp tham gia dự án theo từng thời điểm với tính cách thiện nguyện.
Chúng tôi đã làm thí nghiệm trồng lúa xen trong cây cao su tại nông trường Dầu Giây, nơi đây có những cây cao su trên 100 tuổi cũng do người Pháp đưa sang trồng; tại huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước trong đồng bào S’tiêng; trên triền dốc các đồi ở Khánh Vĩnh, Khánh Hòa với đồng bào Rak’lây, và rất nhiều thí nghiệm ở các tỉnh khác nhằm nâng cao đời sống để hạn chế nạn du canh, du cư, phá rừng làm rẫy… là tập tục canh tác lâu đời của những đồng bào nơi đây.
Hơn hai mươi năm đã trôi qua, những thành viên trong dự án “Lúa cạn Việt-Pháp” ngày xưa không còn đầy đủ. Người thì vĩnh viễn đi xa, người ở lại thì lên hàng lão, không còn bám đất bám đồi hay miệt mài trong phòng thí nghiệm từ nhiều năm. Nhưng mỗi khi có dịp gặp lại nhau hoặc nhận được email của nhau, chúng tôi vẫn nhắc đến những ký ức xưa, nhắc cả những cái tên của những người bạn Pháp, những chuyên gia đã không ngại khó ngại khổ, mang cây lúa đến với đồng bào dân tộc nghèo ở Việt Nam.
Nước Pháp lúc nào cũng đẹp lung linh trong mắt mọi người trên thế giới, nhưng hơn thế, đây là nơi sản sinh ra những con người hết lòng vì Việt Nam như những chuyên gia trong dự án “Lúa cạn Việt-Pháp” ngày nào – và vì thế nước Pháp đã trở thành hoàn hảo trong lòng chúng tôi, và đặc biệt là trong lòng tôi.
Quách Ngọc