Có ít nhất ba lý do khiến tôi yêu nước Pháp. Lý do thứ nhất, đó là vào năm 1966, khi đó tôi mới 4 tuổi, tuy bé vậy nhưng tôi vẫn nhớ đến tận bây giờ những ngày tháng gian khổ tại nông trường Đồng Giao, huyện Yên Mô, Ninh Bình, nơi ba tôi được phân công vào làm Trưởng phòng Kế toán. Vì khi đó gia đình tôi rất nghèo, như mọi gia đình cán bộ, công nhân thời bấy giờ, nên tôi mới phải theo ba để mẹ tôi có điều kiện nuôi anh và hai chị ở Hà Nội. Gia đình tôi phải phân tán như vậy chắc là do ý nghĩ hai cha con cùng ăn một xuất cơm tập thể của ba và tối đến ngủ chung trên một chiếc giường cá nhân rộng 90 cm là đỡ tốn kém nhất.
Hàng ngày khi tôi ngủ dậy thì ba tôi đã sang khu cơ quan từ lúc nào. Không có khái niệm đánh răng hay vệ sinh cá nhân, tôi tha thẩn chỗ này chỗ nọ, hy vọng ai đó cho cái gì để ăn, thường thì mẩu bánh hay củ khoai, củ từ, nếu không thì nhảy xuống giao thông hào, ngắt rễ cỏ tranh nhai cho đỡ đói. May mắn đối với tôi là nông trường khi đó có nhiệm vụ trồng cây cà phê nên quả cà phê cũng là món điểm tâm thường xuyên của tôi. Đất Đồng Giao rất hợp với cây dứa, nhưng vì thời bao cấp cần sản xuất tập trung nên chính phủ quy hoạch nơi đó chuyên trồng cà phê. Cây cà phê trồng ở Việt Nam đâu đâu cũng mọc được và ra quả, nhưng tôi thấy nói là cà phê của nông trường Đồng Giao không ra gì. Thế nhưng, nông trường vẫn trồng rất nhiều và nhờ đó tôi không bị đói.
Hồi đó, khi chò truyện với mấy bác đứng tuổi, thỉnh thoảng tôi thấy ba chêm vào một vài từ tiếng Pháp. Tôi cho là tiếng Pháp vì trong tiềm thức của tôi khi đó chỉ biết không phải tiếng Việt thì là tiếng tây, và tây ở đây chính là Pháp. Tuy không hiểu gì câu chuyện của họ nhưng tôi tự hào thấy ba mình biết tiếng tây, tiếng mà hầu hết mọi người đều không biết và có phần căm ghét nó.
Năm tháng qua đi, tôi lớn lên, đi học và câu nói "lịch sự như người Pháp" được chúng tôi sử dụng khá nhiều để chỉ những hành động đẹp đẽ. Sang cấp hai, tức lớp 6 bây giờ, tôi được chuyển về Hà Nôi và có dịp tiếp cận nhiều hơn với những gì thuộc về Pháp. Gia đình tôi dược chia một phòng nhỏ trong một tòa nhà kiểu Pháp để làm chỗ ở. Sống trong tòa nhà đó hầu hết các chú bác đều được đi học thời Pháp thuộc nên tôi thường được giải thích tại sao gọi là củ su hào, cây súp lơ, gác ba ga, gác đờ bu, la va bô hay ru bin nê… Nhiều người ca ngợi đồ dùng made in France vì chúng rất tốt và đẹp. Thế nhưng, khi ấy tôi chưa yêu nước Pháp, có thể do đất nước đang nghèo đói bởi chiến tranh, mà nguyên nhân chính tôi được dạy là do người Pháp gây ra.
Khi tôi cũng đã khá lớn và mẹ tôi thì đã bước sang tuổi già, mà người già hay kể chuyện quá khứ, nhất là trong tình cảnh đang khó khăn, thiếu thốn, và chắc chắn là không cảm thấy hạnh phúc. Bà kể rằng ba tôi mồ côi mẹ từ khi mới 5 tuổi nhưng lại được nuôi dạy, học hành tử tế là nhờ tiền trợ cấp của quân đội Pháp. Theo bà kể thì khi đó ông nội tôi đang phục vụ trong quân đội Pháp tại Việt Nam, ông chỉ là anh lính quèn chuyên nấu ăn phục vụ cho một đơn vị, kiểu như anh nuôi bây giờ. Không may ông bị bệnh hiểm nghèo và qua đời. Theo luật bấy giờ, bà nội tôi được hưởng tiền tuất. Bố và chú tôi cũng được tiền trợ cấp cho ăn học đến khi trưởng thành.
Mọi người hãy thử hình dung đất nước ta trong thời kỳ đó như thế nào và số tiền trên có ý nghĩa ra sao đối với một gia đình thường dân như ông bà nội của tôi. Ba tôi là người ham học nên ông đã tốt nghiệp trường Bưởi. Khi lấy mẹ tôi, ba tôi đang làm việc cho ngành tàu hỏa và khi anh trai cả được 5 tuổi thì ba được chỉ định làm trưởng ga Yên Bái. Mẹ kể rằng đó là thời gian đẹp đẽ nhất trong cuộc đời của bà. Gia đình tôi được sống trong một biệt thự sát nhà ga, với lương trưởng ga của ba tôi, không cần buôn bán gì thêm, cả nhà tôi sống khá sung túc. Kể đến đây mẹ tôi bao giờ cũng mơ màng một chút rồi mới kể tiếp rằng bà rất được dân quanh vùng kính trọng, gọi là mợ và lúc nào cùng thướt tha áo dài trắng bằng loại vải khá đắt tiền, các anh tôi luốn được mặc những bộ quần áo chính hiệu của Pháp hoặc Hong Kong, Thượng Hải. Đó là thời gian 1943-1945, thời kỳ trước cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Thế rồi đất nước giành được độc lập, ba tôi đi bộ đội và dĩ nhiên là gia đình tôi không được tiếp tục ở trong biệt thự nhà ga đó nữa. Mẹ tôi cùng mẹ chồng già và ba đứa con gói ghém những vật dụng cần thiết nhất gánh gồng theo kháng chiến. Sau này tôi được biết, do thạo tiếng Pháp, ba tôi trong thời kháng chiến 9 năm là cán bộ tuyên huấn. Nhiệm vụ của ông là hằng ngày hỏi cung tù binh nói tiếng Pháp. Hòa bình lập lại, ba tôi trở về Hà Nội, quyết định chuyển ngành, học Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau khi tốt nghiệp, người ta được bổ nhiệm chức vụ này kia tại các cơ quan trung ương thì ba tôi, vì có thời chót "xỏ nhầm giày tây" nên phải vào nông trường Đồng Giao làm viên chức quèn để phấn đấu tiếp.Sau khi nghe được câu chuyện mẹ tôi kể, tôi bắt đầu có thiện cảm với nước Pháp.
Mặc dù cũng đã biết đến những kiệt tác văn học Pháp như Tấn trò đời của Honoré de Balzac, Những người khốn khổ của Victor Hugo, Thằng gù nhà thờ Đức bà, tiểu thuyết Ivanhoe, Ba chàng lính Ngự lâm, Công xã Paris, tháp Eiffel…, ngắm không chán mắt những biệt thự kiểu Pháp trên các con phố Hà Nội nhưng tôi vẫn chưa thấy nước Pháp đáng yêu đến thế. Trái với những điều tôi được nghe thấy, người Pháp nhân văn biết bao, thật xứng đáng với phương ngôn: tự do, bình đẳng, bác ái.
Lý do thứ hai khiến tình yêu nước Pháp trong tôi trở nên mãnh liệt đó là vào đầu năm 2000, tôi được Hiệp hội Hàng không Vũ trụ Pháp tặng một phần thưởng là xuất học bổng toàn phần đào tạo cao học tại trường đại học danh tiếng "SUPAERO" ở thành phố Toulouse. Không thể nói hết bằng lời tình yêu của tôi đối với đất nước hình lục lăng kể từ khi xuống sân bay Charles De Gaulle. Trong suốt thời gian học, tôi được đi tham quan các cơ sở liên quan đến ngành hàng không - vũ trụ trên khắp nước Pháp, rồi đến thăm quan vùng Normadie, Bretagne, Langue Doc, Côte d’Azur, Midi Pyrenees với phong cảnh mỗi nơi tuyệt đẹp mà trong khuôn khổ bài viết không thể tả được. Từ Pháp tôi có thể đi Andora, Barcelona, Monaco, Hà Lan, Đức và nhiều nước khác một cách tự do như đi chơi trong một nước. Ôi, cảm giác đó thật tuyệt với biết bao.
Có một lý do nữa khiến tôi yêu nước Pháp là vì đã thực hiện được ước mơ mà có ngủ mơ cùng không dám mơ tới, đó là được trực tiếp khám phá nước Pháp - thủ đô của ánh sáng, của tư tưởng tự do, của tình yêu và nghệ thuật, phần nào giống như một anh chàng tiều phu bỗng được nằm chung giường với một cô công chúa vậy. Thế hệ của tôi, cho đến tận bây giờ, được đến xem các nước tư bản già cỗi, cổ kính như nước Pháp là điều rất đáng tự hào.
Dù đã chục năm trôi qua, dù có muốn quên đi những kỷ niệm một thời trên đất Pháp để tập trung vào công việc, nhưng đúng là khi cố quên là khi ta càng nhớ thêm. Cứ mỗi lần nhìn thấy người hát rong trên phố, tôi lại nhớ đến người kéo đàn phong cầm dưới ga tàu điện ngầm với bản nhạc Sông Danube Xanh, hay chàng nghệ sĩ chơi ghi ta điêu luyện trên bờ biển thành phố Canes lúc hoàng hôn, khi đi dọc sông Tô Lịch, tôi lại nhớ hình ảnh các femmes nằm tắm nằng dọc hai bên bờ sông Seine, bên cạnh các lâu đài cổ.
Tự nhiên, tôi có cảm nghĩ mình mắc nợ nước Pháp, không chỉ tiền mà cả tình – thứ nợ khó trả nhất. Tôi nghĩ, nếu như nước Pháp cần tôi chiến đấu hy sinh vì nước Pháp, chắc chắn tôi sẽ không từ chối. Với tôi, Việt nam và Pháp đều đáng yêu và đáng để hy sinh, dù là mạng sống của mình.
Lê Văn