Đó là những lần tôi trở về nhà, quăng vội chiếc vali đâu đó, tôi lại chạy nhanh lên căn gác xép. Tôi lôi ra chiếc cassette từng là vật bất ly thân của mình và lục tìm chiếc băng hát. Tôi nằm dài trên ghế, chân gác lên thành tủ, tay đặt sau gáy. Édith Piaf hát rằng “Cuộc sống này thật tươi đẹp”. Chiếc quạt trần nhè nhẹ quay trên đầu. Tôi vẫn còn nhiều điều chưa nói hết với em.
Nước Pháp tôi yêu nhẹ nhàng và trong trẻo như giọng nói thủ thỉ của em hàng đêm, nhưng thỉnh thoảng em lại có phần khó hiểu đến nỗi bố tôi thường gõ đầu tôi và nói “Con bé này dốt, có vài từ mà học mãi không nhớ”.
Nước Pháp tôi yêu lại luôn đầy ắp tiếng cười và kỷ niệm vì mỗi lần được nghe tiếng em tôi lại không khỏi nhớ về cậu bạn. Mỗi khi bạn ấy phát âm một từ nào bằng tiếng Pháp thì nghe buồn cười không chịu được. Cô giáo chúng tôi cứ mỗi lần như thế lại nói: “Ô hay, lũ chúng mày. Nghe hay thế mà cứ cười ầm lên là sao?”
Nước Pháp tôi yêu lại đầy lòng tự hào dân tộc. Thầy giáo dạy chúng tôi đã nói rằng tiếng Pháp là ngôn ngữ Latin “chính hiệu”, không vay mượn từ bất kỳ ngôn ngữ của nước nào trên thế giới. Đó là bài học đầu tiên thầy dạy chúng tôi về tiếng Pháp
Nước Pháp tôi yêu lại sóng sánh như ly rượu vang trước mặt, chỉ nhấp một ngụm rồi lại tự nhủ lòng mình “Sao người ngồi đối diện lại đáng yêu đến thế?".
Nước Pháp tôi yêu luôn hừng hực khí thế như màu đỏ của mặt sân đất nện ở giải đấu Roland Garros để rồi lại tự hỏi cho đến bao giờ “người khổng lồ” Jo-Wilfried Tsonga hay Gael Monfils có thể làm người Pháp tự hào?
Nước Pháp tôi yêu lại rất công bằng và chân thực đối với bất kỳ ai. Tour de France có thể tạo nên một thần tượng, nhưng cũng có thể tước đi danh hiệu này của bất kỳ ai, khi người đó không xứng đáng với nó và thực sự có phải lịch sử được tạo nên từ những huyền thoại, còn huyền thoại thì được tạo ra từ cái gì?
Nước Pháp tôi yêu cũng tài năng và đầy bản lĩnh khi Zinédine Zidane sút tung lưới Brazil đến ba lần, giúp đội tuyển Pháp lần đầu tiên đoạt cúp vô địch bóng đá thế giới khiến cho người ta hỏi nhau rằng: “Anh chàng này từ đâu mà ra?”
Nước Pháp tôi yêu lại rất nồng nàn và quyến rũ như Coco Chanel trong chiếc đầm ngắn màu đen và thoang thoảng mùi hương của Chanel No.5, hay chỉ cần Chanel No.5 trước khi ngủ là đủ để trở thành bất tử.
Nước Pháp tôi yêu luôn đáng yêu và tinh nghịch như nhóc Nicolas của René Goscinny và Jean-Jacques Sempé. Nói gì thì nói chứ anh chàng này nói được là làm được chứ đừng có mà đùa.
Nước Pháp tôi yêu luôn nung nấu những khao khát mãnh liệt như một cậu bé từng mong muốn có thể tung hứng một lần chín quả bóng, và đã ra sức tập luyện không ngừng để đạt trình độ đó, để rồi sau đó cậu nhận ra rằng sức mình cũng chỉ có hạn. Hay như niềm tin vô bờ của người mẹ khi muốn cậu con trai của mình sau này có thể trở thành những con người nổi tiếng đó là: “Goethe là người vinh dự đầy mình, Tolstoi là một bá tước, Victor Hugo là Tổng thống cộng hòa” đến nỗi cậu con trai bà đã đấu tranh không ngừng nghỉ cho những kỳ vọng đó. Cho đến một ngày khi cậu có thể trở thành một người nổi tiếng như người mẹ cậu hằng ao ước thì mẹ cậu đã qua đời từ lâu, giờ chỉ còn cậu và cuộc đời trước mặt. Thật khó để có thể sống một cuộc sống với quá nhiều kỳ vọng của người khác
Nước Pháp tôi yêu đã thể hiện sự thân thiện và hữu nghị, khi có thể dựng nên một tượng đài, một biểu tượng cho một đất nước khác, đất nước của tự do
Nước Pháp tôi yêu thỉnh thoảng lại rất kỳ lạ, nhất là đối với người có thể ngắm cảnh hoàng hôn bốn mươi ba lần trong một ngày. Cảnh hoàng hôn ở nước Pháp có phải cũng giống như trăm nghìn cảnh hoàng hôn ở bất kỳ nước nào khác?
“Đối với tớ, hiện giờ cậu chỉ là một cậu bé hoàn toàn giống trăm nghìn cậu bé khác. Và tớ chẳng cần gì ở cậu. Và cậu cũng chẳng cần gì ở tớ. Tớ đối với cậu chỉ là một con cáo giống như trăm nghìn con cáo khác. Nhưng nếu cậu thuần dưỡng tớ, chúng ta sẽ thấy cần nhau. Đối với tớ, cậu sẽ là duy nhất trên đời. Tớ đối với cậu cũng sẽ là duy nhất trên đời…”
Nguyễn Phan Bích Thảo