Theo World Atlas, Lesotho đã thông qua quốc kỳ hiện tại vào ngày 4/10/2006, trùng với lễ kỷ niệm 40 năm trở thành quốc gia độc lập.
Trên thiết kế hình chữ nhật với tỷ lệ chiều rộng và chiều dài tương ứng 2:3, ba sọc ngang được sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống là xanh lam - trắng - xanh lục. Hai sọc xanh có chiều rộng bằng nhau nhưng hẹp hơn một chút so với sọc trắng ở giữa (tỷ lệ chính thức là 3:4:3). Ngay trung tâm sọc trắng là chiếc mũ rơm mokorotlo màu đen, đại diện của di sản văn hóa đất nước.

Quốc kỳ Lesotho. Ảnh: African Independent
Lá cờ cũ với biểu tượng chiến tranh truyền thống (giáo và khiên) được sử dụng trong gần hai thập niên kể từ năm 1987. Quốc kỳ hiện tại phản ánh sự hòa bình và ổn định. Màu xanh lam tượng trưng cho mưa hoặc bầu trời trong xanh. Màu trắng thể hiện cho hòa bình, cả về nội bộ lẫn trong mối quan hệ với nước láng giềng duy nhất là Cộng hòa Nam Phi. Màu xanh lục đại diện cho sự thịnh vượng và vùng đất màu mỡ của đất nước.
Mũ mokorotlo được làm bằng rơm, ban đầu là trang phục truyền thống của người dân, sau đó dần trở thành biểu tượng quốc gia. Hình ảnh chiếc mũ xuất hiện trên cả biển số xe và là nguồn cảm hứng cho kiến trúc của trung tâm đồ thủ công tại thủ đô Maseru.

Mũ mokorotlo trong đời thường. Ảnh: Help Lesotho
Theo truyền thống, người Lesotho đội mũ trong các nghi lễ quan trọng nhằm phản ánh bản sắc dân tộc. Thiết kế ban đầu của quốc kỳ có hình ảnh mokorotlo màu nâu, nhưng sau này đã được đổi thành màu đen như hiện tại.
Câu 4: Ngoài chiếc nón rơm mokorotlo, trang phục truyền thống của Lesotho còn bao gồm thứ gì sau đây?