Rabindranath Tagore (1861-1941) là nhà thơ Bengal, triết gia Bà La Môn và nhà dân tộc học chủ nghĩa người Ấn Độ. Ông là con út trong gia đình danh gia vọng tộc bậc nhất ở Calcutta (thủ phủ xứ Ấn thời thuộc Anh, vùng Bengal, Đông Bắc Ấn).
Tên Rabindranath theo nghĩa gốc ngôn ngữ Bengali là Thần Thái Dương (Lord of the Sun), tên tắt thân mật là Rubi. Từ Tagore là Anh ngữ hóa từ Thàkur tiếng Bengal.
Cha ông là Debendranath Tagore, nhà triết học và hoạt động xã hội nổi tiếng, từ lâu muốn con mình trở thành luật sư, nhưng Tagore không thích. Từ nhỏ, Tagore được hun đúc trong môi trường văn hóa ưu việt. Khi đi học, ông được lĩnh hội nhiều lĩnh vực nhưng thích nhất thơ ca, tiểu thuyết và kịch.
Năm 1913, ông đoạt giải Nobel Văn học và trở thành người châu Á đầu tiên nhận giải này. Tiếp nối ông, nhiều nhà văn châu Á khác đoạt giải Nobel như: Shmuel Yosef Agnon (Israel); Yasunari Kawabata, Oe Kenzaburo (Nhật Bản); Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ); Mạc Ngôn (Trung Quốc).
Năm 49 tuổi, Tagore xuất bản bằng tiếng Anh tập thơ Gitanjali (theo tiếng Bengal có nghĩa là Thơ dâng). Thơ dâng gồm 103 bài thơ nhỏ không đề, được chọn ra từ những bài được viết từ năm 1900 bằng tiếng Bengal rồi dịch sang tiếng Anh.
Thơ dâng là món quà ông thành kính dâng lên cha mình, mà cũng có thể hiểu đó là món quà ông muốn dâng tặng cho đời. Thi phẩm này là lý do cho việc đề cử trao giải Nobel Văn học năm 1913, được đánh giá là những vần thơ tuyệt diệu, mang cảm nhận sâu sắc, độc đáo, thể hiện tài năng thơ ca đặc biệt khác thường.
Thơ dâng được công nhận là kỳ công thứ hai của văn học Ấn Độ (sau Sakuntala của Kalidasa - nhà thơ lớn Ấn Độ thế kỷ thứ 5).
Năm 1924, nhà thơ Tagore thăm Sài Gòn trong sự chào đón của giới trí thức và người dân.