![]() |
Nước mưa có thể chứa vi khuẩn gây tiêu chảy. |
Thực chất, nước mưa có dạng gần như nước cất vì đó là nguồn ngưng tụ của hơi nước bốc lên từ các sông hồ. Sự tinh khiết đáng lẽ hoàn hảo nếu như chúng không phải vượt qua tầng tầng lớp lớp không khí và sau cùng là các mái nhà trước khi đến người dùng. Đầu tiên phải kể đến sự có mặt của các vi khuẩn E. Coli, một trong những tác nhân gây bệnh đường ruột. Chúng có nguồn gốc từ phân người và súc vật, bốc lên lơ lửng trong không khí.
Chưa hết, trong giọt nước mưa người ta còn tìm thấy hàng loạt những vị khách vô cơ và hữu cơ đáng ngại khác. Chẳng hạn chất NO2, NH3, H2S do các quá trình phân hủy tự nhiên dưới mặt đất; Cl2, CO2, CH4, SO2... từ các ống khói nhà máy, lò đốt và hàng triệu chiếc ống xả xe máy, ôtô.
Dưới sự kích hoạt của các tia sét, nitơ và ôxy sẽ kết hợp thành axit nitric, khiến pH nước mưa tụt xuống mức axit nhẹ (khoảng 6,2-6,4). Những trận mưa axit này là có thể hòa tan chì trong các dụng cụ chứa nước có chì, gây nhiễm độc chì mà người sử dụng không hề hay biết.
Chuyến tàu cuối cùng của những giọt nước mưa là các mái nhà với 6 tháng trời mùa nắng dãi dầu bụi bặm, xác lá, phân chim... Dân gian có một kinh nghiệm khá tốt: chỉ hứng nước mưa sau vài trận mưa đầu mùa. Tuy lúc này các mái nhà chưa sạch hoàn toàn nhưng nước hứng được vẫn sạch hơn nước hứng từ những trận mưa đầu.
Dân cư sống gần các nhà máy, khu công nghiệp nên hạn chế hứng nước mưa vì sự đậm đặc khói bụi công nghiệp ở những nơi này là điều khó tránh khỏi. Không nên chứa nước mưa vào các dụng cụ kim loại có chứa chì hoặc bằng tôn. Lu, vại, hồ... nên có nắp đậy cẩn thận. Có thể lọc nước mưa qua một lớp vải mỏng để loại bớt bụi bặm. Sau cùng là phải đun sôi nước mưa trước khi dùng như mọi nguồn nước khác.
Sài Gòn Giải Phóng, 8/6