Trưa giữa tháng 2, bà Đặng Thị Hồng Lạc, 59 tuổi, ngụ ấp 2 (xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm) xả nước máy vào hồ chứa, rồi đo độ mặn. Chỉ số hiển thị trên máy là 2,2 phần nghìn, vượt ngưỡng cho phép dưới 0,5 phần nghìn.
"Nước này không nấu ăn được nhưng vẫn có thể tắm gội, giặt đồ, khi nào mặn 3-4 phần nghìn tôi sẽ bơm nước trữ sẵn dưới mương lên dùng vì lo mặn làm hỏng máy giặt, máy nước nóng", bà Lạc nói, cho biết sau đợt hạn mặn lịch sử 5 năm trước, bà xây 7 hồ chứa gần 10 khối nước ngọt, đủ cho cả nhà nấu ăn trong mùa khô.
Cách đó hơn một km, do nguồn nước máy nhiễm mặn gia đình anh Nguyễn Thanh Mộng, chỉ còn trông cậy việc nấu nướng vào 3 khối nước ngọt trữ trong bể chứa bên hiên nhà. Vợ chồng anh Mộng có 3 con và thuộc hộ cận nghèo, chỉ có một hồ xi măng 1,5 m3. Năm ngoái, nhờ các mạnh thường quân hỗ trợ, họ có thêm hai bồn chứa bằng nhựa trữ được 1,5 m3 nước.
"Số nước ngọt trữ có thể cầm cự được khoảng 3 tháng, nếu mặn kéo dài hơn chắc phải đi xin nước từ các điểm cấp của xã", anh Mộng, 42 tuổi nói, cho biết tại khu vực ấp 2 hiện có dịch vụ bơm nước ngọt đến tận nhà với giá 100.000 đồng một khối. Trong khi mỗi khối nước máy nhiễm mặn có giá chỉ hơn 8.000 đồng.
Ông Nguyễn Hữu Hiểu, Chủ tịch UBND xã Lương Phú, cho biết địa bàn có hơn 1.400 hộ sử dụng nước máy, chiếm gần 80% số hộ trên địa bàn. Trong đó, khoảng 500 hộ sống gần khu vực sông lớn bị ảnh hưởng mặn nhiều hơn các nơi khác.
Tại xã có nhà máy nước công suất 90 m3 một giờ, nhưng do lấy nước từ sông rạch nên vẫn bị nhiễm mặn, dao động 1,1-2,2 phần nghìn. Để phục vụ nhu cầu nước ngọt của người dân, nhà máy đã đầu tư hệ thống máy lọc nước mặn công suất 2,5 m3 mỗi giờ.
Khi độ mặn nước trên 0,5 phần nghìn, nhà máy sẽ vận hành máy lọc cấp nước ngọt cho người dân mỗi tuần ba lần, định mức 60 lít một hộ và bằng với giá nước máy. Xã cũng bố trí 6 điểm cấp nước mưa tập trung, mỗi điểm có bể chứa 15 m3 ưu tiên cho các hộ khó khăn sử dụng trong mùa khô.
Bến Tre hiện có 60 nhà máy nước do Sở Xây dựng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Ngoài nhà máy lấy nước trong hệ thống thủy lợi khép kín, còn có nhà máy của tư nhân đầu tư. Hiện các nhà máy lấy nước trực tiếp từ sông rạch nước bị nhiễm mặn 0,1-3,1 phần nghìn.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre, cho biết đơn vị này hiện quản lý 32 nhà máy nước, phục vụ khoảng 98.000 hộ dân. Sau Tết, độ mặn tại các nhà máy nước ở huyện Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam có xu hướng tăng, nhất là thời điểm triều cường cao.
"Hiện, ngoài 15.000 hộ dùng nước đạt tiêu chuẩn, còn khoảng 13.000 hộ sử dụng nước có độ mặn trên một phần nghìn, các hộ còn lại đều sử dụng nước máy mặn dưới một phần nghìn", ông Hòa nói.
Trung tâm này đã trang bị 29 hệ thống máy lọc nước mặn tại các nhà máy, chuyển nước từ các nhà máy có độ mặn thấp đến nơi cao hơn để khắc phục tình trạng nhiễm mặn. Ngoài ra, đơn vị này dự kiến sẽ dùng sà lan chở nước thô từ hệ thống sông lớn chưa bị nhiễm mặn về nhà máy để phục vụ cho người dân.
Đài khí tượng Thủy văn Bến Tre cho hay từ đầu mùa khô đến nay xuất hiện đợt xâm nhập mặn sâu nhất hồi giữa tháng 2, kéo dài khoảng một tuần với độ mặn 4 phần nghìn, cách cửa sông lớn từ 44 đến 53 km. Theo dự báo, ranh mặn sâu nhất sẽ xuất hiện vào tháng 3, độ mặn 4 phần nghìn cách sông Cửa Đại, Hàm Luông và Cổ Chiên 50-69 km, sâu và kéo dài hơn trung bình nhiều năm.
Hoàng Nam