Thứ tư, 1/1/2025
Thứ hai, 22/11/2021, 10:05 (GMT+7)

Nước mắt và hy vọng của trẻ em yếu thế

Nguyễn Phương Linh vẽ bức Việt Nam cố lên động viên tuyến đầu khi đang truyền máu và tiểu cầu. Sau vài ngày gửi tranh dự thi, cô bé qua đời vì ung thư máu.

Những gương mặt trẻ thơ xuất hiện trong Gala Vì một Việt Nam tất thắng đêm 21/11 tại Hà Nội mang đến nhiều câu chuyện. Có em là bệnh nhi ung thư, em là trẻ mồ côi, nhưng đã luôn chọn lựa vượt lên nghịch cảnh để nuôi dưỡng ước mơ. Xúc động khi nghe các em chia sẻ, ca sĩ Hà Anh Tuấn - đại sứ chương trình, đã xin phép ôm từng em trên sân khấu giao lưu.

Gala khép lại hành trình gần ba tháng cuộc thi vẽ tranh, sáng tác văn học dành cho trẻ em đặc biệt, yếu thế khắp cả nước, bắt đầu từ ngày 8/8.

Chu Ánh Tuyết, bệnh nhi ung thư đang điều trị tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương, vẽ tặng nam ca sĩ bức chân dung. Biết được gặp Hà Anh Tuấn, em đã tìm nghe một số bài hát của anh và vẽ tặng tranh.

Ánh Tuyết đoạt giải nhì cuộc thi, định dùng tiền thưởng để chữa bệnh và mua chiếc điện thoại học online. Tham gia cuộc thi cũng là lần đầu tiên em vẽ tranh. Em ngồi trên nền nhà trọ, phòng bệnh, bất cứ nơi nào có thể vẽ dù chân tay nhức mỏi.

Hà Anh Tuấn xúc động, tặng em chiếc điện thoại để học online.

Y Byen - nữ ca sĩ người Ba Na chống lại hủ tục, cứu sống hai đứa trẻ và nhận làm con nuôi. Y Song, 17 tuổi, nghĩa là "món quà chúa trời ban cho" và Y Sơn 5 tuổi, nghĩa là "núi rừng Tây Nguyên".

Y Sơn sinh ra bị vứt ngoài nghĩa địa, không biết bố mẹ là ai. Y Song từng suýt bị chôn sống theo người mẹ ruột đã qua đời. Cậu bé sinh lúc 5h sáng, 12h trưa thì người ta định chôn sống.

Y Byen đã xin các em về nuôi. Năm ấy Y Byen mới 16 tuổi, "không biết làm thế nào để nuôi con, nhưng mà cũng không thể bỏ con lại được". "Ngay cả bây giờ tôi cũng không biết vì sao lại thế, chỉ biết các con đến là món quà", Y Byen nói hai đứa trẻ đã cho cô biết thế nào là làm mẹ dù vẫn chưa lấy chồng sinh con.

Nguyễn Thị Hoàng Oanh, đến từ TP HCM mồ côi mẹ, mất một chân vì tai nạn giao thông. Oanh phụ họ hàng bán vé số. Ba năm trước, ông Nguyễn Xuân Phúc khi ấy là Thủ tướng đã gửi thư động viên, hẹn "chắc chắn bác cháu ta sẽ gặp gỡ".

Lá thư và sự động viên trở thành động lực cho em mỗi lúc vui, buồn, mất phương hướng. Tham gia cuộc thi, Oanh lần đầu được ra Hà Nội và hội ngộ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chiều 19/11. Oanh định hướng trở thành bác sĩ, chữa bệnh người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Nguyễn Huyền Trang, bệnh nhi ung thư máu, đã khóc bởi nhìn thấy mình trong câu chuyện của bạn bè.

Trang là bệnh nhân của bác sĩ Trần Thanh Tùng, Khoa Bệnh máu trẻ em (H6), Viện Huyết học truyền máu Trung ương. Biết bác sĩ Tùng cùng đồng nghiệp vào hỗ trợ TP HCM chống dịch, tăng cường tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức), em viết thư động viên anh, dặn dò "bảo vệ bản thân tốt để sớm hoàn thành nhiệm vụ, về với gia đình và chữa trị cho bệnh nhân ở Viện Huyết học".

Chương trình đã kết nối trực tuyến với bác sĩ Tùng vừa trở về từ TP HCM, đang trong thời gian cách ly. Nghe thư, anh bất ngờ vì quá trình điều trị Trang ít bộc lộ cảm xúc hay nói chuyện. Anh hỏi thăm sức khỏe bệnh nhi, dặn dò ăn ngủ điều độ. Huyền Trang cho biết đã ăn uống được và sức khỏe đang tốt dần lên.

Nguyễn Phương Linh vẽ bức Việt Nam cố lên (tranh trái) lúc vẫn đang truyền máu và tiểu cầu. Tranh chưa hoàn thành, cô bé 9 tuổi đã phải tháo khớp hai đốt ngón giữa bàn tay trái. Cô bé nói với mẹ "Không có tay trái thì con vẽ bằng tay phải".

Cậu bé mồ côi bố bị ung thư máu Đặng Nguyễn Hoàng Anh, 13 tuổi, vẽ Thiên thần áo trắng (tranh phải) là y bác sĩ tuyến đầu với đôi cánh bay lên. Phía trên là bản đồ đất nước cùng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Em nhớ ba bạn cũ/Và bóng dáng cô thầy/Bài văn trên trang giấy/Chị nắng ghé vào xem… Nguyễn Vũ Duy đã đọc thơ, gửi gắm nỗi niềm nhớ thương thầy cô, bạn bè, khát khao trở lại trường học qua bài thơ Nắng sân trường.

Bài thơ Duy viết trong những ngày ở bệnh viện truyền hóa chất đã giành giải ba hạng mục sáng tác văn học. Cậu bé cũng có nhiều tác phẩm tham gia triển lãm nhất.

Đỗ Thị Phương Anh từng bị bỏ rơi trong bụi tre với chiếc tã lót ướt đầm nước cống vào một ngày mùa đông. 18 năm sau, cô bé ấy trở thành quán quân học bổng Trái tim Sư tử của Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV), giá trị một tỷ đồng.

Phương Anh sống tại làng trẻ SOS Hải Phòng, được các mẹ nuôi dưỡng từ bé và nhận ra "khi mình đã lớn thì các mẹ cũng già" mà vẫn chưa được nghỉ ngơi. Cô gái viết thư "Gửi những người mẹ tương lai", mong muốn những người mẹ mới sớm đến để các mẹ có tuổi được nghỉ ngơi.

Tham dự đêm Gala, Nghệ sĩ ưu tú Chiều Xuân không cầm được nước mắt khi lắng nghe câu chuyện về hoàn cảnh của các em nhỏ. Cô cũng là người tích cực hoạt động từ thiện và đồng hành ủng hộ chương trình Ánh sáng học đường của quỹ Hy Vọng từ năm 2018.

Đặng Trần Thủy Tiên, nữ sinh Ngoại thương chiến thắng ung thư, biết ơn vì đã được đồng hành cùng các em nhỏ. Biết nhau mới ba ngày nhưng cả nhóm đã có nhiều kỷ niệm khi cùng nhau dạo quanh Hồ Gươm, ăn kem và có những bí mật nho nhỏ. Cô mong các em luôn mạnh mẽ trong những chặng đường sau này, bởi các em sẽ không bao giờ cô độc, giống như cô trong hảnh trình đối mặt với ung thư.

Ông Minh Nhân, đại diện Ban tổ chức Vì một Việt Nam tất thắng gửi lời tưởng nhớ tới những bệnh nhi đã qua đời, không kịp chứng kiến chặng đường này. Đó là Thùy Linh, bệnh nhi đầu tiên của chương trình Ông Mặt Trời; Hoàng Anh với bức tranh về chủ quyền biển đảo Việt Nam; Anh Thư chưa kịp gửi tranh về đã ra đi mãi mãi...

Hơn 2.300 tác phẩm dự thi cho thấy nhiều tài năng, sự bền bỉ nội tâm của các bé. Ông mong rằng người lớn sẽ luôn lắng nghe trẻ thơ, xã hội xóa bỏ sự kỳ thị với các em, mà coi là nguồn nhân lực của đất nước.

Ban tổ chức trao 24 giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt, 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 10 giải khuyến khích cho các tác giả tham gia cuộc thi.

Vì một Việt Nam tất thắng là cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học dành cho các bệnh nhi ung thư, bệnh hiểm nghèo, trẻ em da cam, tàn tật, khuyết tật, tự kỷ và trẻ mồ côi. Cuộc thi do Chương trình Mặt trời Hy Vọng (tiền thân là Ông Mặt Trời), Quỹ Hy vọng báo VnExpress, Đại học Ngoại thương đồng tổ chức, VTV Digital bảo trợ truyền thông.

Cuộc thi còn có sự đồng hành của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) - doanh nghiệp bưu chính duy nhất được Nhà nước giao nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ bưu chính công ích trên toàn quốc. Từ đầu làn sóng Covid-19 lần thứ 4, Vietnam Post đã ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ khoảng 300.000 nông dân đưa các loại nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn để tiêu thụ theo phương thức hoàn toàn mới.

Độc giả quan tâm có thể truy cập landing page https://vnexpress.net/doi-song/viet-nam-tat-thang và lựa chọn ủng hộ bằng cách truy cập vào ứng dụng Mobile banking của các ngân hàng và quét mã VietQR của chương trình. Cú pháp chuyển khoản: Tên người ủng hộ_Mặt trời hy vọng. Mỗi sự đóng góp của quý độc giả đều được Quỹ Hy vọng dùng hỗ trợ bệnh nhi, trẻ vùng cao, trẻ yếu thế có hoàn cảnh khó khăn.

Tùng Đinh