Thứ tư, 9/10/2024
Chủ nhật, 18/10/2020, 18:01 (GMT+7)

Nước mắt rơi trong lễ tang liệt sĩ thời bình

Thừa Thiên - HuếHàng nghìn người rơi nước mắt tiễn biệt 13 quân nhân, cán bộ gặp nạn ở Trạm 67, trong lễ truy điệu ngày 18/10.

Sáu ngày sau vụ sạt lở núi khiến 13 cán bộ gặp nạn tại trạm kiểm lâm 67 (huyện Phong Điền), Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tang lễ trang trọng cho những người hy sinh, sáng 18/10.

13 người trong đoàn công tác gặp nạn rạng sáng 13/10 khi đang nghỉ tại Trạm kiểm lâm 67, trên đường vào cứu nạn các công nhân mất tích tại thuỷ điện Rào Trăng 3. Sau ba ngày tổng lực tìm kiếm, tối 15/10, toàn bộ 13 nạn nhân được tìm thấy, thi thể đưa về Bệnh viện Quân y 268 và tổ chức tang lễ ở đây.

Dự xong tang lễ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đi thẳng vào Quảng Trị chỉ đạo hiện trường tìm kiếm 22 quân nhân mất tích trong vụ sạt lở núi rạng sáng nay tại tỉnh này.

Trong cùng một ngày, Quân khu 4 đồng thời làm lễ viếng, lễ truy điệu cho 13 liệt sĩ ở Trạm kiểm lâm 67, cùng tỉnh Thừa Thiên Huế tìm kiếm các công nhân mất tích tại nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3, và khắc phục hậu quả vụ sạt lở núi khiến 22 quân nhân bị vùi lấp ở Quảng Trị.

Đồng đội và đại diện các cơ quan, đơn vị đến viếng những liệt sĩ thời bình. Ban tổ chức dành bốn tiếng, từ 7h đến 11h để các đoàn thể, người dân vào tiễn biệt người đã khuất, trước khi đưa linh cữu về an táng tại quê nhà.

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, mẹ thượng tá Trần Minh Hải, Phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế ôm mặt khóc suốt lễ viếng. Sáu ngày qua, bà đau lòng đến kiệt sức khi rơi vào cảnh "người đầu bạc tiễn người đầu xanh".

Người mẹ 70 tuổi không chịu nổi không khí đám tang, được đồng đội của con cõng ra ngoài.

Ông Hoàng Anh Đề, bố vợ liệt sĩ Trần Minh Hải đã 90 tuổi. Phát biểu trong buổi lễ gặp mặt thân nhân liệt sĩ trước lễ viếng, ông nói "Chúng tôi là cựu chiến binh, con chúng tôi là liệt sĩ, cháu chắt chúng tôi sẽ cả đời vì sự nghiệp của nhân dân, Tổ quốc".

Sau lễ viếng và đọc điếu văn, hơn 11h, chiến sĩ đoàn nghi lễ kéo cờ Tổ quốc phủ linh cữu chuẩn bị cho lễ di quan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 13 cán bộ vào ngày 16/10. Một ngày sau, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho 11 sĩ quan.

Theo kế hoạch, các liệt sĩ sẽ được đưa về quê nhà an táng theo nguyện vọng của gia đình. Hai ngày qua, trời Huế đổ mưa lớn, nhưng tạnh ráo suốt thời gian diễn ra lễ tang.

Nhiều đồng đội bật khóc khi đến giờ truy điệu các liệt sĩ. Sáu ngày trước, họ đau đớn nhận tin đồng đội mất tích khi đi cứu nạn.

Sáng nay, các quân nhân Quân khu 4 tiếp tục nhận thêm tin dữ, 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế 337 đóng tại xã Hướng Phùng (Hướng Hoá, Quảng Trị) bị vùi lấp khi quả núi đổ sạt lúc 1h sáng 18/10.

Xe đưa các sĩ quan, cán bộ đi qua cửa Hậu của kinh thành Huế để về nhà. Hai bên đường, người dân cố đô đứng tiễn đưa họ một chặng đường cuối.

Chiến sĩ làm nhiệm vụ ổn định trật tự giơ tay chào tiễn biệt khi xe chở linh cữu đi qua.

Cơn mưa tầm tã từ chiều đến tối qua khiến đoạn đường dẫn về nhà liệt sĩ Trần Minh Hải trên đường Mang Cá, TP Huế ngập nước. Nhiều người dân không quản ngập, lội nước đón anh về.

Các xe quân đội nối đuôi nhau đưa liệt sĩ toả đi nhiều hướng, trong thành phố Huế, về Quảng Bình, Thanh Hoá, Nghệ An.

Đoàn xe chở linh cữu thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Cục phó Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng), về Sài Sơn (Hà Nội). Đây là linh cữu cuối cùng rời đi.

Giang Huy - Nguyễn Đông - Võ Thạnh - Hoàng Phương