Sáng 14/3, mẹ Lê Thị Lan, 82 tuổi, ngồi xe lăn đến dự lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma do đồng đội Ban liên lạc Hội cựu chiến binh công binh Hải quân TP Đà Nẵng tổ chức. Cơn tai biến một năm trước khiến đôi chân mẹ bị liệt, nhưng trí nhớ còn minh mẫn.
Nghe các cựu chiến binh đọc lời tri ân con trai Nguyễn Hữu Lộc và đồng đội đã hy sinh ngày 14/3/1988 ở bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền Việt Nam, mắt mẹ Lan đỏ hoe. Ngồi xe lăn lên thắp hương cho con và các liệt sĩ, mẹ chắp tay, nhìn thật lâu tấm bảng ghi danh như cố tìm tên con trai. "Mỗi ngày tôi đều tụng kinh, cầu nguyện cho con và đồng đội siêu thoát", mẹ nói.
Liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc là con trai duy nhất trong gia đình có ba chị em. Hồi còn đi học, anh thường đi bán kem, mò cua, bắt ốc phụ giúp gia đình. Thương mẹ làm công nhân môi trường vất vả, nhiều lần anh đi theo đẩy xe, mẹ Lan đuổi cũng không về. 19 tuổi, anh xin mẹ đi lính hải quân.
"Tôi đồng ý cho Lộc đi liền. Chồng tôi mất sớm, nên muốn Lộc đi lính để trưởng thành và vững vàng hơn. Cứ nghĩ đi làm lính công binh, chỉ xây dựng đảo rồi về, nào ngờ con đi mãi, xương cốt không biết còn hay mất", mẹ Lan bật khóc.
Cùng đến thắp hương tại lễ tưởng niệm, mẹ Trần Thị Huệ, 82 tuổi, chậm rãi tâm sự với đồng đội của con trai - liệt sĩ Lê Thế. "Gặp được đồng đội, tôi đỡ nhớ con hơn. Giá như lúc con tôi và đồng đội hy sinh được đưa xác về, thì tuổi già của các cha mẹ cũng yên lòng hơn", mẹ Huệ nói.
Lê Thế là con trai cả trong gia đình ba anh em. Dù thích đi lính, nhưng mắc tật nhỏ ở mắt trái, anh khám nghĩa vụ mấy lần đều không đậu. Thương con, mẹ Huệ đưa anh đi làm phẫu thuật và trúng lính khi 20 tuổi. Ngày lên đường đi Trường Sa, anh ôm vai mẹ bảo "nhất định con sẽ về".
Nguyễn Hữu Lộc và Lê Thế nằm trong số cán bộ, chiến sĩ hải quân ra quần đảo Trường Sa năm 1988 trong bối cảnh Trung Quốc liên tục chiếm đóng trái phép các bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam. Rạng sáng 14/3/1988, khi bộ đội Việt Nam đang chuyển vật liệu lên bãi Gạc Ma, phía Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến cùng binh lính đến cướp cờ, giết hại chiến sĩ.
64 chiến sĩ Việt Nam hy sinh, 9 người bị bắt. Tàu HQ-604 và HQ-605 bị bắn chìm. Tàu HQ 505 bị bắn cháy đã lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm trái phép đến nay.
Đại tá Hoàng Duy Lập, nguyên trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 (nay là Lữ đoàn 83), Trưởng ban liên lạc Hội cựu chiến binh Công binh Hải quân TP Đà Nẵng, cho biết trong số liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma, đơn vị của ông có 26 cán bộ, chiến sĩ.
Ông Lập nhắc lại những người lính công binh khi đó nhận nhiệm vụ đi xây dựng các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc cụm đảo Sinh Tồn, không mang theo vũ khí hạng nặng, mỗi tàu chỉ trang bị vài khẩu AK. Nhưng lính Trung Quốc đã bắn chìm hai tàu, cháy một tàu và sát hại 64 cán bộ, chiến sĩ.
"Chúng tôi mong 14/3 hàng năm là ngày tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh khi bảo vệ chủ quyền Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc", đại tá Lập nói.
Cùng ngày, tại Khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa, cũng diễn ra lễ tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh khi bảo vệ chủ quyền biển đào cách đây 36 năm.
Trong đoàn người đến tưởng nhớ, thiếu tá Trần Thị Thủy, công tác Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải Quân (Cam Ranh), con gái liệt sĩ Trần Văn Phương (đảo phó Gạc Ma), cho biết ngày này mỗi năm đều sắp xếp công việc, đến mộ gió thắp hương cho cha. "Tới nơi đây tôi như gần với cha của mình, xúc động khó tả", chị Thủy nói, cho hay bản thân luôn cố gắng công tác tốt để tiếp nối truyền thống gia đình.
Cựu binh Lê Văn Thoa, 57 tuổi, là một trong 9 chiến sĩ hải quân sống sót sau trận chiến bảo vệ Gạc Ma - Trường Sa năm 1988, nói vào ngày này trong ông cảm giác bồi hồi. Mỗi năm ông đều đi xe máy từ quê nhà Bình Định vào khu tưởng niệm ở huyện Cam Lâm để thắp nén nhang cho đồng đội.
"Dịp này chân đau nên tôi bắt xe khách đi vào. Đã 36 năm, nhưng nỗi nhớ đồng đội của tôi chưa bao giờ nguôi ngoai. Điều quý giá nhất đối với tôi là mỗi năm được tự tay thắp nén nhang cho những đồng đội từng vào sinh ra tử với mình", ông Thoa nói.
Hôm nay, liệt sĩ Trần Văn Phương, người cầm lá cờ Tổ quốc trong trận hải chiến Gạc Ma được đặt tên cho đường dài một km, rộng 5 m, ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình. Ở trận chiến 36 năm trước, thiếu úy Phương đã ngã xuống trong tư thế quyết giữ lá cờ Tổ quốc. Thi thể anh được đưa vào đảo Sinh Tồn, năm 1992 hài cốt được đưa về an nghỉ tại quê nhà.
Đại diện phường Quảng Phúc cho biết việc gắn tên đường mang tên liệt sĩ Trần Văn Phương nhằm cho thế hệ trẻ ghi nhớ về lịch sử, biết đến công lao của cha anh trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đây là lần đầu tiên có con đường mang tên liệt sĩ hy sinh ở trận hải chiến Gạc Ma.
Nguyễn Đông - Bùi Toàn - Võ Thạnh