Hôm ấy, trông nữ sinh này rất lạ. Em có vẻ ngoài hiền lành nhưng vẻ mặt lại lấm lét từ khi xếp hàng vào phòng thi. Đồng nghiệp của tôi, giám thị số 2, đã để ý em vì thái độ khác các bạn. Cô kiểm tra và phát hiện những mẩu giấy photocopy bé xíu in những bài văn mẫu trong hộc bàn, có lẽ em còn chưa kịp xem. Theo quy chế, mang tài liệu vào phòng thi dù xem hay chưa xem cũng phải lập biên bản và đình chỉ thi.
Khi chúng tôi lập biên bản, mặt cô bé tái xanh, run lập cập, nước mắt lã chã: "Xin thầy cô tha cho em. Em chỉ mới đem, em chưa xem gì cả, em sợ không tốt nghiệp loại giỏi thì bố mẹ từ em".
Lát sau, mẹ và bà ngoại em vội vã đến trường. Mẹ em mặc trang phục công sở rất trí thức và lịch sự, chị cũng thổn thức trong nước mắt: "Xin thầy cô tha cho cháu, cho cháu một cơ hội. Cháu lỡ dại, cháu là học sinh giỏi 12 năm liền, nay bị cấm thi chắc chị chết mất không dám nhìn ai". Bà ngoại thì cứ đứng ôm, vỗ về trong khi cô bé thất thần, cúi gằm không dám nhìn bạn bè xung quanh. Hết giờ thi môn Văn, đến tận giờ nghỉ giải lao buổi trưa, gia đình em vẫn nán lại cổng trường để trông mong một cơ hội. Nước mắt của họ vẫn không ngừng rơi. Cả Hội đồng thi áy náy, không nuốt nổi bữa ăn trưa.
Tôi thấy cay đắng nhất là tài liệu thu được không liên quan đến đề bài, nhưng quy chế là quy chế, không thể làm sai được. Nữ sinh đó là học sinh giỏi 12 năm liền, đạt giải hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh, gia đình và nhà trường đặt rất nhiều kỳ vọng vào em. Bố mẹ em đã yêu cầu con phải đạt thứ hạng cao, mục tiêu đặt ra là bắt buộc tốt nghiệp loại giỏi - như mọi cột mốc từ bé đến giờ phụ huynh đặt ra cho em. Nhưng lần này, em đã không vượt qua được.
Em sẽ vẫn được thi lại năm sau, nhưng một năm tuổi xuân bị bỏ lỡ, cũng như nước mắt và sự ân hận, danh dự và lòng tự trọng của em trước bạn bè thì có lẽ rất lâu mới bớt tổn thương. Giá như phụ huynh không quá áp lực với em, giá như họ tạo cho em một tâm lý thoải mái...
Trách phụ huynh tạo áp lực quá lớn cho con em, nhưng tôi cũng chia sẻ với các bậc cha mẹ bởi hiện nay ở Việt Nam, những kỳ thi vẫn là thước đo duy nhất để đánh giá năng lực, quyết định cho tương lai số đông. Từ bé tí, trẻ em đã phải vượt qua kỳ thi tuyển vào lớp Một, lớp chọn, rồi thi vào lớp 6, thi tuyển sinh lớp 10, và đến lớp 12 thì được ví von là kỳ thi quyết định cả một đời người. Không nhiều người có thể nghĩ thoáng về các kỳ thi, sẵn sàng vui vẻ nếu con em mình đi những lối khác với số đông, miễn là phù hợp với khả năng của em.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kết hợp với kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, trở thành kỳ thi THPT quốc gia, tính chất quan trọng của nó lại tăng lên gấp bội. Nó được xem là kỳ thi quốc dân. Không chỉ thí sinh, phụ huynh lo lắng mà gần như cả xã hội bị cuốn theo nó. Các trang báo, mạng xã hội ngập tràn những lời chúc, lo toan thi cử, cứ như các thí sinh không phải đi thi mà là đi ra chiến trường. Những kỳ thi ở Việt Nam chưa bao giờ là nhẹ nhàng, áp lực học hành và thi cử là có thật.
Trong cuộc đời dạy học của mình, tôi đã trải qua nhiều kỳ thi, chứng kiến nhiều nụ cười và nước mắt, cũng như những may rủi và sai lầm có thể thay đổi cả một số phận. Chúng đều là những kỳ thi mà cả học sinh, gia đình cũng như thầy cô đều căng thẳng, xã hội phải dốc toàn lực. Liệu rằng sẽ còn bao nhiêu gia đình vì một kỳ thi mà mất đi tiếng cười? Liệu rằng có cô bé cậu bé nào vì một kỳ thi mà phạm phải sai lầm, hay thậm chí hành động tiêu cực với bản thân khi kết quả không như ý?
Ở Mỹ, để tốt nghiệp phổ thông, học sinh chỉ phải làm một bài kiểm tra kiến thức tổng quát về Văn, Toán, Khoa học xã hội và tự nhiên. Bài kiểm tra khá nhẹ nhàng, em chỉ cần chịu để ý một chút trong lớp là có thể trả lời được. Điểm thi này cũng không phân loại giỏi, khá hay trung bình mà chỉ có hai khả năng "qua" hoặc "không qua". Và nếu rớt, em có thể thi lại. Áp lực thi cử gần như không đáng kể, và tất nhiên không gây ồn ào với nhịp sống của cộng đồng.
Kỳ thi SAT để xét tuyển vào đại học ở Mỹ chủ yếu để kiểm tra kỹ năng học tập, xem học sinh sẵn sàng vào đại học chưa, bởi kỹ năng mới là cái các em thật sự cần, phải có kỹ năng mới thu thập được kiến thức một cách hiệu quả nhất. Việc xét tuyển này cũng hoàn toàn không gây áp lực với học sinh vì các em có nhiều lựa chọn cho mình ngoài đại học, hoàn toàn không có khái niệm "rớt đại học" hay "bôi tro trát trấu" vào mặt phụ huynh nào.
Đương nhiên, nền giáo dục của mỗi nước vốn khác biệt, không thể so sánh cứng nhắc, nhưng nếu hệ thống giáo dục của chúng ta có thể thay đổi hệ giá trị, cách tổ chức, cách nhìn nhận về thực lực con người thì tôi tin sẽ giảm tải được rất nhiều áp lực mà những kỳ thi đang tạo ra với xã hội. Việc đánh giá năng lực một người chuẩn bị bước vào đời cũng có thể thực chất và chính xác hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà Đại học Bách khoa Hà Nội mỗi năm cho thôi học cả trăm sinh viên vì đậu kỳ thi đầu vào nhưng không đủ khả năng theo học. Năng lực của một con người thể hiện qua quá trình tiếp thu và vận dụng kiến thức, nỗ lực tự học chứ không chỉ qua một kỳ thi. Thi cử là thước đo khảo sát không thể thiếu trong giáo dục, nhưng thành công của một con người chưa chắc quyết định bởi một kỳ thi mà là cả quá trình rèn luyện, nhận thức và thực hành lâu dài.
Đến khi nào chúng ta mới có những kỳ thi trong nụ cười thay vì vẫn còn nước mắt? Đến khi nào ta có thể nhìn nhận, đối xử với chuyện thi cử bình thản hơn, để cuộc sống của nhiều gia đình không bị xáo trộn vào những ngày thi cử, để phụ huynh và học sinh không quá áp lực. Và khi nào những kỳ thi trở nên nhẹ nhõm với toàn xã hội?
Phạm Minh Phương Hằng