Đêm tri ân Khúc tráng ca hòa bình nhân 75 năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7 được tổ chức trực tiếp tại sáu điểm cầu Hà Giang, Hà Nội, Quảng Nam, Bình Định, TP HCM và An Giang. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng cùng nhiều lãnh đạo trung ương, địa phương đã tham dự.
Chiến tranh chống Mỹ kết thúc gần nửa thế kỷ nhưng tối 27/7 vẫn có những cuộc hội ngộ giữa người thân và liệt sĩ qua kỷ vật chiến trường. Tấm ảnh đen trắng ố vàng là kỷ vật duy nhất bà Đinh Thị Minh (Hà Trung, Thanh Hóa) còn giữ được về cha, liệt sĩ Đinh Công Thảo. Ông đi chiến trường năm 1963, lúc cô bé Minh mới 2 tuổi. Bốn năm sau, gia đình nhận giấy báo ông hy sinh tại phía Nam.
"Bố mày đẹp trai, lanh lợi nhất nhà" - lời kể của hàng xóm là những ký ức còn lại của bà Minh về cha. Giấy tờ của liệt sĩ Thảo đã bị cuốn trôi theo những trận lụt miền Trung khiến gia đình không thể tìm kiếm được thông tin gì suốt 55 năm qua. Bà Minh lập mộ gió cho cha, đặt cạnh mộ mẹ.
Năm 2002, đội quy tập hài cốt liệt sĩ K53 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum tìm được 33 hài cốt liệt sĩ từ chiến trường Campuchia và đưa về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Ngọc Hồi. Các trường hợp này đều chưa xác định được thông tin. Mãi 20 năm sau, các bộ hài cốt mới ráp nối được thông tin qua phương pháp thực chứng, trong đó có liệt sĩ Thảo.
Có mặt tại điểm cầu TP HCM, ông Đỗ Thanh Tình, cháu trai liệt sĩ Đỗ Văn Bân (quê Thanh Hóa), chia sẻ 55 năm qua, gia đình chỉ biết tin chú hy sinh ở chiến trường phía Nam. Họ cậy nhờ người quen, bạn bè, nhiều lần tìm kiếm hài cốt song không có kết quả. Nhưng gia đình vẫn nỗ lực, không từ bỏ hy vọng.
Đại tá A Văn Dũng, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum, đã trao kỷ vật được chôn cùng thi hài liệt sĩ Bân cho ông Tình. Run run đỡ lấy, người đàn ông tóc muối tiêu òa lên khóc "vậy là từ hôm nay, chú đã được về với đồng đội, gia đình rồi chú ơi", rồi bỏ lửng câu nói. Chứng kiến cuộc đoàn tụ qua di vật liệt sĩ, nhiều người trong hội trường đêm tri ân không kìm được nước mắt.
Từ đầu cầu truyền hình ở Quảng Nam, mẹ Ngô Thị Lang (huyện Núi Thành) nâng niu tấm bằng Tổ quốc ghi công, hồi tưởng về cậu con trai "da trắng, mắt tròn", liệt sĩ Huỳnh Quang Thợ. Rồi mẹ nhẩm tính, nếu con còn sống thì năm nay cũng 78 tuổi. Ngày con xung phong đi bộ đội, cả nhà không ai cản được. "Giữ con lại thì mất nước. Để cho hắn đi", mẹ Lang cuối cùng đành chấp nhận.
Mẹ chỉ biết con nằm ở Nghĩa trang Núi Thành. Không biết ngày hy sinh, mẹ lấy ngày ghi trên tấm bằng Tổ quốc ghi công làm ngày giỗ.
Quảng Nam có hơn 65.00 liệt sĩ, gần 31.000 thương bệnh binh, hơn 45.500 người có công với cách mạng. Toàn tỉnh có hơn 15.300 bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều nhất cả nước.
Những câu chuyện trong đêm tri ân tiếp nối nhau như tái kiện ký ức lớp lớp thanh niên lên đường tòng quân, đi vào chiến trường miền Nam hay ngược lên biên cương phía Bắc. Đó là hình ảnh ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ) với những đoàn tàu chở lính sinh viên ra trận, nhắc người dân Thủ đô nhớ về mùa hè đỏ lửa những năm 1970-1972. Hơn 10.000 sinh viên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nhập ngũ đông nhất khi ấy là sinh viên các trường Bách khoa, Tổng hợp, Kinh tế Kế hoạch (nay là Kinh tế quốc dân), Xây dựng, Nông nghiệp. Nhiều tân binh là sinh viên năm nhất, nhưng cũng có người sắp ra trường, chuẩn bị đi tu nghiệp nước ngoài. Hơn một nửa sinh viên ra trận năm ấy đã nằm lại các chiến trường, đông nhất là trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Nhiều cựu sinh viên kể lại, khi tàu đi rời ga Hàng Cỏ, những lá thư từ các toa tàu thả xuống trắng đường. Bì thư chỉ ghi vội dòng chữ Hẹn trở về, Hà Nội mến yêu, hay Đi B, ngày...tháng... năm...
Từ Vị Xuyên (Hà Giang), nhạc sĩ Trương Quý Hải, cựu chiến binh Sư đoàn 356, cùng đồng đội đã hồi tưởng ký ức chiến dịch MB84 38 năm trước. Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên sau này tổng kết, hơn 4.000 bộ đội đã hy sinh. Hàng nghìn thanh niên tuổi đôi mươi đi về phía "lò vôi thế kỷ" không hẹn ngày về. Đến nay, vẫn còn hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác khắp chiến trường Vị Xuyên chưa thể quy tập.
Từ trên đài hương 486, nhạc sĩ Trương Quý Hải trong bộ áo lính sờn màu, ôm guitar hát vang lời thề khắc trên báng súng của người đồng đội liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh "Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử. Lời thề tuổi xuân nước nam, hào khí Việt Nam".
Liệt sĩ Ninh hy sinh tháng 1/1985, trong trận đánh giữ cao điểm 685, sau ba lần bị thương nặng ở chân và đầu. Năm 2014, hài cốt liệt sĩ Ninh được đưa từ Nghĩa trang Vị Xuyên về quê nhà Phú Thọ, an táng trong khu vườn của gia đình, giữa bát ngát chè xanh miền trung du, bên cạnh cha mẹ. Lời thề của anh đã trở thành phương châm sống và chiến đấu của người lính Vị Xuyên trong những năm ròng giữ đất biên cương phía Bắc.
Những người lính bước qua chiến trận, trở về thời bình tiếp tục góp sức vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế đất nước. Đóng góp của hàng triệu cựu binh khiến những mảnh đất từng là chiến trường như Kon Tum, Đăk Lăk đang dần hồi sinh. Nay Vị Xuyên, nơi những vết thương chưa lành vì đạn pháo xâm lược đang dần phủ xanh bởi những đồi chè...
Thiếu tá Trương Xuân Bình, công tác tại Binh đoàn 12, chia sẻ anh được đặt tên từ khát vọng hòa bình của cha mẹ. Dự án hồ chứa nước Ea’Hleo (Đăk Lăk) hồi sinh vùng đất đỏ khô cằn, cấp nước sinh hoạt cho hơn 10.000 hộ dân và 5.000 ha cà phê là nhiệm vụ khó khăn nhất mà anh và đồng đội thực hiện, thời điểm thiếu nguyên vật liệu và ảnh hưởng bởi dịch. Mỗi khi gặp khó, anh lại nhớ đến lời dặn "không được chùn bước" của cha, một người lính Trường Sơn. Với sự cố gắng, họ hoàn thành dự án sau hai năm.
"Tôi tin ở trên cao, cha và đồng đội luôn dõi theo đường chúng tôi đi hôm nay", anh nói.
Cả nước còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, trên 300.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Hiện đã xác nhận trên 9,2 triệu người có công, trong đó 1,2 triệu liệt sĩ, 139.000 mẹ Việt Nam anh hùng; 1.300 anh hùng lực lượng vũ trang, lao động; 800.000 thương binh và hưởng chính sách như thương binh; 185.000 bệnh binh; 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ nhiễm chất độc da cam; 1,9 triệu người có công với cách mạng.
Hoàng Phương