Chương trình hài kịch Nước mắt đàn ông gồm 4 tiểu phẩm với những câu chuyện, nhân vật, bối cảnh hoàn toàn khác nhau nhưng được xâu chuỗi khéo léo. Lấy những vấn đề trong cuộc sống vợ chồng làm đề tài trọng tâm, Đinh Tiến Dũng đã viết 4 tiểu phẩm hài hước nhưng thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc.
Ở tiểu phẩm thứ nhất, câu chuyện tình của Tùng và Tươi là một điển hình cho những tình yêu ở nông thôn. Cả hai vốn là đôi bạn thân, chơi cùng nhau từ thuở cởi truồng tắm mưa. Nhà Tùng nghèo, tính tình lại thật thà quá đỗi, nên gặp bao phiền phức khi đi "tán gái". Tươi xinh đẹp, nết na, nhưng bị người yêu bỏ, vì gia đình quá nghèo, dưới cô còn có nhiều em. Đôi trẻ tìm đến nhau, rồi thành vợ thành chồng.
Những tưởng câu chuyện kết thúc như thế đã là có hậu, nhưng vào chính đêm tân hôn, mâu thuẫn nảy sinh từ chính tâm lý khác biệt của hai giới. Lúc Tươi với sự khoan dung của một người phụ nữ, bỏ qua hết những che giấu của Tùng, để đến với điều quan trọng nhất, mong chờ bấy lâu như lời Tùng nói, lại là giây phút cô thất vọng nhất. Thì ra giây phút mà Tùng mong chờ là lúc kiểm phong bì để mang đi trả nợ. Tươi bỏ đi trong uất ức: "Lúc cần tiền thì anh tìm tới tôi, lúc tôi cần ở anh tình yêu thì anh lại tìm tiền".
Tiểu phẩm thứ hai, không gian là một căn phòng, nơi tập trung của câu lạc bộ Chim trắng mồ côi gồm 7 thành viên, là những ông chồng có một điểm chung là bị ức chế thần kinh với các bà vợ. Ông thì ngày nào cũng bị vợ đánh lăn ra bất tỉnh, cho đến khi vợ ông cầm cái chảo đập vào đầu ông chỉ hơi choáng, liền lo: "Có 6 tỷ người, bà ấy chỉ đánh tôi chứng tỏ bà yêu tôi, giờ bà ấy đánh nhẹ, phải chăng bà ấy đã không còn yêu tôi nữa?".
Có ông thì ở nhà nội trợ, vợ đi làm kinh tế, một ngày kia vợ thuê người giúp việc, thế là ông "thất nghiệp lần hai", và ông đang lo lắng, liệu cái chức năng làm chồng của ông trong tương lai có bị thất nghiệp nốt hay không? Lại có ông đi làm nuôi cả gia đình, hai bên nội ngoại, bận bịu cả tháng không có bữa cơm chung cùng gia đình. Một hôm, ông trở về nhà, muốn ăn bữa tối, nhưng khi mở lồng bàn ra, chỉ thấy một cái "bằng khen của bộ" mà vợ ông để ngay ngắn trong đó... Cá tính của mỗi nhân vật trong tiểu phẩm đều được phóng đại, kịch hóa một cách hài hước.
Trước khi buổi họp câu lạc bộ Chim trắng mồ côi kết thúc, sự xuất hiện hớt hải của Tùng trong tiểu phẩm một đến tìm Tươi cho thấy móc xích giữa các đoạn kịch ngắn với nhau.
Tiểu phẩm thứ ba lấy bối cảnh một gia đình, vào buổi sáng ngày 8/3. Anh chồng chải chuốt chuẩn bị đi làm, trong khi chị vợ lôi thôi tất tả làm nội trợ. Nghi ngờ chồng có bồ, chị đã tráo số điện thoại, quả nhiên phát hiện ra sự thật. Nhờ sự tư vấn của bà hàng xóm, chị biết chú ý đến bản thân hơn, sau khi trang điểm xinh đẹp, thì anh chồng trở về. Họ nói chuyện và không tránh khỏi cãi vã khi nhắc tới cô bồ của chồng.
Màn cuối cùng là một hoạt cảnh chứ chưa hẳn là tiểu phẩm. Hình ảnh hai đứa trẻ trong giờ tan tầm buồn bã chia tay nhau, anh chờ bố tới đón, em ngóng mẹ tới rước, để rồi sau đó mỗi đứa đi một ngả. Những lời nói hồn nhiên của con trẻ trước việc gia đình tan vỡ có sức lay động và ám ảnh với những bậc làm cha, làm mẹ. Để rồi, trong cái thời khắc chạng vạng tối ấy, Tùng đã tìm được Tươi để lên tàu về quê, còn đôi vợ chồng đã giận nhau do chồng cặp bồ lại tìm tới nhau trong một sự bối rối. Hoạt cảnh cuối như một lời cảnh tỉnh cho những cặp vợ chồng đang trong khủng hoảng của hôn nhân.
Đưa ra những khúc mắc trong đời sống gia đình, chọn sự khác biệt trong đặc điểm tâm lý giữa đàn ông và phụ nữ làm tình tiết, các tiểu phẩm trong chương trình Nước mắt đàn ông trước hết mang lại tiếng cười cho khán giả. Tiếng cười đến từ những hoàn cảnh trớ trêu, đến từ những đặc trưng của mỗi giới được diễn đạt phóng đại, từ những sự việc vốn phức tạp được nhìn theo góc độ hài hước. Bên cạnh đó, những vấn đề nóng của thời sự, xã hội cũng được đan cài, đưa vào làm nên tính trào phúng cho các tiểu phẩm hài.
Tuy nhiên, sau mỗi trận cười nghiêng ngả, các tiểu phẩm đều khiến người xem có chút ngậm ngùi, bởi cuộc sống này, chỉ cần sao lãng một chút, thiếu quan tâm tới nhau một chút, hôn nhân sẽ đứng trên bờ vực thẳm. Lấy người đàn ông và người đàn bà làm hai đối tượng cho các tiểu phẩm, chương trình còn luôn là sự song hành của nụ cười và nước mắt.
Chọc cười khán giả vốn là một thế mạnh của dàn diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ, khi mà bấy lâu nay họ đã xây dựng nên thương hiệu hài kịch Đời cười. Tuy nhiên diễn hài, khiến khán giả cười, để rồi sau những chiêm nghiệm, họ sẽ khóc cho những trớ trêu, những xúc động, những hạnh phúc, đó là một thành công của các nghệ sĩ thực hiện chương trình.
Nước mắt đàn ông ban đầu được dàn dựng cho dịp 8/3 năm nay. Tuy nhiên với ý nghĩa nhân văn, cùng sự đón nhận của nhiều khán giả, chương trình vẫn tiếp tục có các xuất diễn tại Nhà hát Tuổi Trẻ.
Hiền Đỗ