Cứ hết năm bước, chú sẽ quay lại. Triền miên như vậy. Khu vực Suki đứng, cỏ không mọc nổi.
Bị hút mật tàn bạo và nuôi nhốt trong chuồng trại chật hẹp, Suki cũng như hầu hết cá thể gấu khác được giải cứu ở đây, đều lâm vào tình trạng trầm cảm, căng thẳng. Một số cá thể sau thời gian ngắn sống tại Trung tâm sẽ hồi phục, có thể vui vẻ đùa giỡn, chạy nhảy. Nhưng năm năm sau khi được cứu, Suki vẫn sợ hãi và chỉ thấy an toàn trong năm bước chân.
Nhân viên trung tâm cứu hộ vừa cập nhật cho tôi, Suki hiện đã tiến bộ hơn, đi lại nhiều hơn và bắt đầu biết leo trèo. Đây là năm thứ 12 Suki về với trung tâm.
Gấu trở nên bất hạnh khi con người tin vào những điều phi thường như mật gấu có thể xoa bóp, giảm sưng đau; tay gấu (chân trước) rất giàu dinh dưỡng. Cho dù có hàng loạt phương thuốc và thực phẩm thay thế tốt hơn, người ta vẫn tìm đến gấu. Thay vì bị giết một lần để phục vụ con người, gấu bị nuôi nhốt, chặt tay, và chọc một lỗ to ở bụng, xuyên vào túi mật để hút hàng ngày. Lấy mật gấu là một trong những hình thức ngược đãi động vật cực đoan nhất trên thế giới.
Từ năm 2006, Việt Nam đã cấm mọi hình thức lấy mật gấu, trong nỗ lực tiến gần hơn với những tiêu chí về phúc lợi động vật phổ biến trên thế giới. Đó không chỉ là lương tri của loài người khi chứng kiến sự đau đớn của loài động vật khác, mà còn là cách con người bảo vệ sự toàn vẹn giống loài, đa dạng sinh học cho tương lai của chính mình.
Tình trạng nuôi gấu lấy mật giảm đáng kể tại Việt Nam nhờ sự vận động tích cực của các trung tâm cứu hộ gấu. Nhiều chủ nuôi nhận ra sự tàn bạo của hình thức khai thác này, đã tự nguyện nộp gấu cho các trung tâm cứu hộ, nơi các con vật có môi trường sống gần với tự nhiên hơn.
Cứu hộ gấu là một trong những hoạt động thành công nhất tại Việt Nam từ trước đến nay hướng tới phúc lợi động vật. Nhân rộng ra, bất kỳ hoạt động nào liên quan đến động vật, từ thú cưng, động vật hoang dã, động vật quý hiếm, hay vật nuôi... đều có thể áp dụng tiêu chí về phúc lợi động vật.
Phúc lợi động vật là trạng thái mà con vật không phải chịu đựng những đau đớn và sợ hãi không cần thiết, vì bất kỳ mục đích nào.
Rất dễ hình dung phúc lợi động vật đối với vật nuôi, thú cưng hay động vật hoang dã - nhóm hầu như không bị con người gây tổn hại đến. Nhưng phúc lợi động vật trong chăn nuôi, giết mổ, hay khai thác giải trí... lại không dễ xác định như vậy.
Trong chăn nuôi và giết mổ, chính sách phúc lợi động vật giúp chúng được rút ngắn thời gian sợ hãi và đau đớn, không chỉ có lợi cho loài vật mà còn giúp con người an toàn hơn.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, nỗi sợ hãi trước khi bị giết thịt khiến động vật tiết ra hormone cortisol nhằm kiểm soát căng thẳng; ảnh hưởng không tốt đến chất lượng thịt. Nghiên cứu năm 2016 của nhóm nhà khoa học Học viện Nông nghiệp cũng cho thấy heo nuôi trong điều kiện không tốt khiến nồng độ cortisol tăng cao.
Cản trở lớn nhất với các hình thức chăn nuôi tuân thủ phúc lợi động vật là hiệu quả kinh tế. Việc chuyển dịch một mô hình chăn nuôi, giết mổ ban đầu có thể tốn kém, nhưng về lâu dài khi sản phẩm tốt hơn, hướng tới lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ thu lợi.
Người tiêu dùng yêu cầu ngày càng cao với sản phẩm mình. Không chỉ đẹp, tốt, sản phẩm đó nếu được sản xuất một cách nhân văn, sẽ giúp doanh nghiệp củng cố uy tín, hình ảnh - những thứ có thể phải mất rất nhiều công sức và tiền bạc mới có thể xây dựng được.
Xiếc thú hay khai thác động vật trong các hoạt động giải trí cũng cần được cân nhắc. Nhiều bậc phụ huynh và các em nhỏ đã từ bỏ xem xiếc thú bởi cho rằng động vật phải tập luyện với đòn roi tàn nhẫn, chuồng trại chật hẹp, dơ bẩn, để biểu diễn là vô nhân đạo và trái với tự nhiên. Cuối năm 2021, tỉnh Đăk Lăk cũng quyết định loại bỏ dần hình thức cưỡi voi du lịch, chuyển sang ngắm voi; vẫn đảm bảo doanh thu, đồng thời bảo tồn được loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng này.
Mọi sự thay đổi lớn đều cần những dịch chuyển nhỏ, bắt đầu từ việc mỗi người tiêu dùng tự đặt câu hỏi: sản phẩm, dịch vụ mình sắp sử dụng có khiến động vật bị đau đớn hay căng thẳng một cách không cần thiết hay không.
Minh Thư