Cỏ samphire mọc ở các bờ biển và được dùng làm rau trong suốt hàng nghìn năm qua. Ảnh: onesite.com. |
Nước ngọt chỉ chiếm 1% lượng nước trên địa cầu và phần lớn được dùng để uống. Trên khắp thế giới, năng suất nông nghiệp tại nhiều khu vực đang giảm dần do lượng muối trong nước và đất trồng liên tục tăng.
“Nhiễm mặn là quá trình không thể đảo ngược. Chẳng sớm thì muộn loài người sẽ phải chấp nhận một thực tế rằng lượng muối trên hành tinh đang tăng dần”, giáo sư Jelte Rozema thuộc khoa Sinh thái, Đại học Amsterdam (Hà Lan), phát biểu.
Giới khoa học khẳng định chúng ta sẽ phải tận dụng các vùng đất, vùng nước nhiễm mặn để trồng cây lương thực trong tương lai. Độ mặn của đất nông nghiệp chạy theo đà tăng của nước biển, song những loại cây sống được trong môi trường mặn cũng là nguồn cung cấp lương thực đáng kể.
Trong tương lai, nông dân có thể trồng cây ở các vùng nước lợ hoặc gần các cửa sông – nơi nước mặn và nước ngọt gặp nhau. Chi phí để đưa nước ngọt vào các đồng ruộng ngày càng tăng và tình trạng ấy có thể buộc nông dân lựa chọn nước mặn vào một ngày nào đó.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng cách tốt nhất là thuần hóa các cây hoang dại chịu mặn rồi lai giống để chúng có năng suất cao hơn. “Khả năng chịu mặn của thực vật hoang dại không hề suy giảm trong quá trình thuần hóa”, giáo sư Rozema cho biết.
Một số loại cây như cải biển xoăn, cỏ saphire (mọc dọc bờ biển ở nhiều quốc gia) được con người sử dụng làm thức ăn trong hàng nghìn năm qua. Nhưng mãi tới gần đây các nhà khoa học mới coi chúng là nguồn thay thế cho những loại rau truyền thống.
Tại Hà Lan, nhiều trạng trại đang trồng cải biển xoăn với quy mô lớn và hàng triệu người đã mua chúng để làm rau xanh trong bữa ăn. Các chuyên gia lai giống cây cũng cần chú ý tới những thực vật truyền thống nhưng có khả năng chịu mặn, như cải đường. Hơn 30 năm qua, giới khoa học cũng đã tiến hành nhiều thử nghiệm để tăng khả năng chịu mặn cho các loại cây ngũ cốc như lúa, ngô, đậu.
V.L (theo BBC)