Ông Jean-Jacques Bouflet, tham tán công sứ phái đoàn EU tại Việt Nam, trao đổi về việc nước mắm Phú Quốc vừa trở thành sản phẩm đầu tiên từ Việt Nam được EU công nhận chỉ dẫn địa lý.
Người tiêu dùng châu Âu tới đây sẽ biết đến nước mắm Phú Quốc chính hiệu. Trong ảnh: chọn mua nước mắm Phú Quốc tại chợ Tân Định, quận 1, TP HCM. |
- Làm thế nào để một sản phẩm được EU công nhận chỉ dẫn địa lý?
- Có ba điều kiện chủ yếu. Đó là liên quan tới một loại hàng hóa cụ thể (đôi khi là dịch vụ), mặt hàng đó phải xuất xứ từ một khu vực nhất định và mặt hàng có chất lượng, danh tiếng hay những đặc điểm liên quan rõ ràng tới vị trí xuất xứ.
Quá trình được công nhận chỉ dẫn địa lý cũng khá phức tạp về kỹ thuật. Chúng tôi đã hỗ trợ các nhà sản xuất tổ chức để họ có thể nộp đơn đề nghị EU công nhận chỉ dẫn địa lý. Tôi phải thú nhận việc này không đơn giản, vì chỉ dẫn địa lý liên quan tới những điều kiện sản xuất rất riêng biệt. Nó phải chứng minh là đại diện được cho truyền thống, kỹ thuật địa phương và đảm bảo chất lượng xuất sắc so với các loại nước mắm thông thường.
Điều quan trọng đây không phải là việc xin xác nhận thương hiệu thương mại của một nhà máy, công ty cá thể mà là nỗ lực tập thể của các nhà sản xuất nước mắm ở đảo Phú Quốc. Họ đã chấp nhận tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện sản xuất. Như vậy các chỉ dẫn địa lý được cấp cho một cộng đồng chứ không phải cho các cá nhân.
- Được công nhận chỉ dẫn địa lý, nước mắm Phú Quốc sẽ có lợi thế gì?
- Lâu nay nước mắm Phú Quốc rất nổi tiếng trong nước nhưng ở nước ngoài thì không mấy ai biết. Giờ thì nửa tỉ người tiêu dùng châu Âu sẽ có cơ hội khám phá loại hàng này. Như vậy, việc bảo vệ xuất xứ của nước mắm cũng là một cách bảo vệ truyền thống và cách sản xuất truyền thống của loại gia vị này.
Tuy nhiên, việc được công nhận chỉ dẫn địa lý của nước mắm Phú Quốc không thể khiến người tiêu dùng châu Âu ngay lập tức tìm mua sản phẩm này, vì còn phụ thuộc thói quen tiêu dùng, chiến lược marketing...
Nhưng ít nhất điều đó giúp nước mắm Phú Quốc dễ dàng chen chân vào các siêu thị trên toàn châu Âu, thay vì chỉ có mặt ở một số siêu thị của người châu Á. Nó cũng giúp tăng giá trị của nước mắm và suy cho cùng sẽ giúp tăng thu nhập cho người sản xuất. Ngoài ra, điều đó góp phần khuyến khích việc sản xuất hàng có chất lượng tốt và thúc đẩy du lịch địa phương, bởi đây sẽ là một kênh để người du lịch biết đến hòn đảo này.
- Ngoài nước mắm Phú Quốc, theo ông, Việt Nam còn những mặt hàng nào có thể được EU công nhận chỉ dẫn địa lý?
- Chúng tôi được biết các nhà sản xuất cà phê cũng rất quan tâm. Việt Nam là nước đứng thứ nhì thế giới về sản xuất cà phê nhưng trên thế giới ít người biết điều này. Việt Nam đang là nguồn cung cho nhiều công ty lớn mặt hàng cà phê hòa tan, chẳng hạn như cà phê Buôn Ma Thuột, nhưng họ vẫn chưa thể bảo vệ và phát huy được thương hiệu này trên thế giới hay ít ra là ở châu Âu. Theo tôi, Việt Nam có nhiều loại hàng có thể làm tương tự như nước mắm Phú Quốc.
Nước mắm Phú Quốc nhận quy chế bảo vệ tại EU
Theo Tuổi Trẻ