![]() |
Nắp cống phía đường Đinh Tiên Hoàng nhô cao do mực nước xuống thấp. Ảnh: Mạnh Tuấn |
Nằm trong dự án Nghiên cứu bảo tồn rùa Hồ Gươm, ngày 14/11, nhóm cán bộ của Trung tâm nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, tiến hành đo mực nước lòng hồ tại 6 vị trí. Kết quả thu được khiến mọi người rất bất ngờ: nơi sâu nhất giữa lòng hồ và tại vị trí cách tháp rùa khoảng 3-4 m mực nước chỉ 1 m; vị trí cách nhà hàng Thủy Tạ 10 m là 0,9 m; tại bãi đỗ xe phía đường Đinh Tiên Hoàng là 0,8 m. Nơi cạn nhất của lòng hồ là phía sau nhà vệ sinh công cộng, chỉ 0,45 m, kế đến là vị trí cống xả ở đường Hàng Khay chỉ 0,7 m.
Ngày 15/12, nhóm nghiên cứu tiếp tục đo tại 6 vị trí trên và phát hiện qua 1 tháng, mực nước hồ giảm xuống khoảng 0,1-0,2 m. Tại vị trí cống xả đường Hàng Khay, mực nước chỉ còn 0,3 m, phía sau nhà vệ sinh công cộng còn 0,4 m. Nơi sâu nhất giữa lòng hồ đạt 0,9 m. Anh Phạm Văn Quân, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, kể: "Lần đo đầu tiên thuyền của chúng tôi còn tiếp cận được gần miệng cống xả phía đường Hàng Khay. Nhưng lần đo sau thì không thể vì nước cạn".
Theo quan sát của phóng viên VnExpress sáng nay, đoạn bờ kè hồ Gươm phía đường Đinh Tiên Hoàng, mực nước xuống thấp để trơ ra những tảng đá to và cọc tre. Nắp hố ga ở phía đường Đinh Tiên Hoàng trước kia bị che khuất do nước đầy thì nay nhô cao, cách mặt nước khoảng 0,15 m. Đảo rùa dường như cũng cao hơn so với mọi hôm. Theo Phó giáo sư Hà Đình Đức, chuyên gia nghiên cứu rùa Hồ Gươm, nếu thời tiết tiếp tục khô hanh, không mưa như hiện nay thì chẳng mấy chốc Hồ Gươm sẽ cạn trơ đáy.
![]() |
Nhiều tảng đá còn sót lại sau đợt xây kè. |
Ông Đức cho biết, từ xưa đến nay Hồ Gươm hoàn toàn là nước mưa tự nhiên, không có nguồn bổ sung. Cũng chưa có công trình nào xác định mực nước Hồ Gươm là bao nhiêu, chỉ biết trên cùng là nước, dưới đó là lớp bùn dày 0,7-1 m. Việc hồ cạn như hiện nay do hai nguyên nhân chính. Một là thời tiết hanh khô, nước bốc hơi. Hai là trong quá trình thi công xây dựng bờ kè quanh hồ (năm 1993) và đợt tu bổ 400 m kè từ đền Ngọc Sơn đến phía trước Bưu điện Hà Nội (1997), đơn vị thi công đã không thu dọn phế thải, để lại rất nhiều đá và cọc tre. Những vật cản này đã làm rùa Hồ Gươm bị thương năm 1998, đến nay còn để lại sẹo ở cổ.
Ông Đức khẳng định, hồ cạn nước ảnh hưởng tới môi trường sống của nhiều loài sinh vật trong hồ, song không đe dọa trực tiếp tới sinh mạng "cụ" rùa. Bởi hệ hô hấp của rùa rất đặc biệt khiến nó có thể nhịn thở lâu, nhu cầu oxy khi lặn không lớn. Nhiều cơ quan trên mình rùa có thể hấp thu được oxy, chứ không phải chỉ có phổi.
Trước việc hồ ngày càng cạn, nhiều người cho rằng nên tiến hành nạo vét hồ, bổ sung thêm nước như từng làm vào tháng 11/1993 (hơn 7.000 m3 bùn của hồ đã được xúc đi). Tuy nhiên, ông Đức cho rằng biện pháp này đã gây xáo trộn môi trường, khiến rùa liên tục nổi trên mặt nước. Đó là chưa kể việc nạo vét, thay nước sẽ làm đảo lộn hệ vi tảo, vốn tạo màu xanh đặc trưng cho Hồ Gươm. Trong 130 chủng tảo đang sinh sống tại hồ, có 33 chủng đặc hữu chỉ duy nhất Hồ Gươm mới có.
Theo ông Đức, giải pháp tối ưu nhất là chỉnh lại chiếc cống phía đường Hàng Khay thành dạng cống linh động, có thể nâng lên khi cần tháo nước. Chiếc cống hiện nay được bố trí không hợp lý. Thành cống thấp hơn so với thành bờ kè khoảng 40-50 cm, nên nước trong hồ chảy ra ngoài. Nếu cải tiến cống, hồ có thể được bổ sung khoảng 36.000-60.000 m3 nước (diện tích mặt hồ là 120.000 m2). Cách này đơn giản, khi có mưa khiến nước dâng cao quá mức, chỉ cần 1 người điều chỉnh tấm chắn cống, lại không tốn chi phí xây dựng.
Như Trang