![]() |
Nạo vét Hồ Gươm ngày 9/1. Ảnh: Anh Tuấn |
Xét nghiệm mẫu nước lấy ngày 15/12/2003, nồng độ COD lên tới 186 mg/l, cao hơn 6 lần tiêu chuẩn nước loại B (nước dùng cho nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản). Hàm lượng Fe, Cu tại một số điểm như gần cống xả phía đường Hàng Khay, gần nhà vệ sinh phía đường Đinh Tiên Hoàng đã vượt mức độ cho phép. Các thông số còn lại như DO, Ph... đều đạt tiêu chuẩn nước loại B. Do vậy nhóm nghiên cứu của CETASD kết luận: mức độ ô nhiễm của nước Hồ Gươm là trung bình.
Phó giáo sư Hà Đình Đức - một thành viên của nhóm nghiên cứu - khẳng định, với nguồn nước như vậy chưa đe dọa tới "cụ" rùa Hồ Gươm. Tuy nhiên, để bảo vệ hệ vi tảo cũng như các sinh vật khác sống trong hồ, ông Đức cho rằng nên tiếp tục dọn dẹp vệ sinh xung quanh hồ Gươm, cải tạo cống tràn phía đường Hàng Khay để giữ nước. Hiện nay, dù Hà Nội đã có mưa, song lượng mưa không đáng kể nên không bổ sung được nước cho Hồ Gươm. Hồ vẫn đang cạn, trơ ra những tảng đá kè.
Trước đó, đầu tháng 1, UBND thành phố Hà Nội đã họp bàn giải pháp bơm nước giếng khoan chống cạn cho Hồ Gươm nếu hồ tiếp tục cạn. Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội cũng đã gửi mẫu nước ở giếng khoan Phúc Tân cho Ban Quản lý dự án duy tu giao thông đô thị - chủ đầu tư công trình nạo vét, bổ sung nước cho hồ. Ông Bùi Văn Mật, Giám đốc công ty, khẳng định đã sẵn sàng nguồn nước, nếu thành phố yêu cầu sẽ đáp ứng ngay. Ông cho biết thêm, nước tại giếng Phúc Tân đảm bảo các chỉ tiêu hoá lý.
Như Trang