Trong lịch sử lập quốc, Thái Lan từng là nước lớn lấn át các quốc gia láng giềng khi có thể. Tới giữa thế kỷ 19, Thái Lan vô tình trở thành vùng đệm địa lý giữa hai thế lực là Anh (đã chiếm Miến Điện - Myanmar ngày nay) và Pháp (đã chiếm ba nước Đông Dương).
Sách Lịch sử thế giới cận đại viết: "Năm 1885-1886 trong chiến tranh Anh - Miến lần thứ 3, Anh đã chiếm toàn bộ Miến Điện. Còn Pháp, sau khi đánh chiếm Việt Nam và Campuchia (năm 1884) cũng muốn nuốt ngay mảnh đất Xiêm (tức Thái Lan) màu mỡ và một số đất Lào khi đó phụ thuộc vào Xiêm. Xiêm đứng trước nguy cơ mất nước. Nhưng Anh và Pháp không dễ gì có thể một mình nuốt trôi được nước Xiêm. Chính mâu thuẫn đó đã buộc chính phủ Pháp đi đến một đề nghị hòa giải để đảm bảo quyền lợi thực dân của cả Anh và Pháp: trung lập hóa Xiêm để tránh một cuộc chiến tranh có thể xảy ra giữa hai bên, biến Xiêm thành một khu đệm nằm giữa các thuộc địa của Anh và Pháp trên bán đảo Trung - Ấn".
Vị trí vùng đệm cùng chính sách "ngoại giao cây sậy" - mềm dẻo, linh hoạt để đảm bảo lợi ích quốc gia, đã giúp Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á duy nhất không bị chiếm làm thuộc địa của các nước châu Âu. Tên gọi Thái Lan, nghĩa là vùng đất của sự tự do, cũng thể hiện điều này.
Tuy giữ được vị thế độc lập, Thái Lan vẫn phải nhượng nhiều quyền lợi và cắt lãnh thổ cho Anh và Pháp. Trong ba năm 1893, 1904 và 1907, Thái Lan phải nhường hơn 20.000 km2 cho Pháp; hay năm 1909 phải cắt hơn 40.000 km2 trên bán đảo Malacca cho Anh. Tuy nhiên, những vùng đất này hầu hết là đất của Lào và Campuchia khi đó lệ thuộc vào Xiêm.
Câu 2: Từ giữa thế kỷ 19 đến năm 1914, hầu hết lãnh thổ châu Phi rơi vào tay các quốc gia châu Âu. Quốc gia nào dưới đây không nằm trong số đó?