Oppo vừa khai trương brand shop cao cấp rộng 150 m2 tại Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM), dự kiến đạt 108 cửa hàng trên cả nước vào cuối năm 2017.
Nơi đây cung cấp dịch vụ, tiện ích miễn phí như in ảnh từ điện thoại thông minh, sạc pin, truy cập wifi, nghỉ ngơi, tư vấn sản phẩm, mua phụ kiện... Hàng tháng còn có những hoạt động như vệ sinh máy, dán màn hình, cài đặt cho khách hàng dùng bất kỳ loại thiết bị cầm tay thông minh nào và được trực tiếp trải nghiệm những phiên bản đặc biệt, số lượng giới hạn của hãng.
Ông Đặng Quốc Cường - Giám đốc Marketing Oppo Việt Nam cho biết, ngoài phân khúc trung cấp, hãng muốn kinh doanh cả dòng cao cấp, với giá trên 10 triệu đồng một chiếc smartphone. Vì thế, việc ra mắt hàng loạt brand shop mở đường cho sự đổ bộ của các sản phẩm hạng sang sắp tới, song đây được xem là bước đi mạo hiểm với doanh nghiệp.
Thứ nhất, mô hình brand shop rất khó tồn tại ở Việt Nam. Trước Oppo, nhiều hãng điện thoại khác cũng áp dụng chiến dịch này nhưng phần lớn đều bỏ cuộc hoặc thu nhỏ phạm vi hoạt động vì không cân đối được bài toán thu chi. Thứ hai, việc mở các chi nhánh như vậy có thể làm phật lòng đối tác bán lẻ.
Thực tế không chỉ ở Việt Nam, hình thức brand shop tại các nước khác ở Đông Nam Á hay Ấn Độ (vài nghìn cửa hàng ở các quốc gia này) cũng gặp khó khăn để duy trì.
Vì thế, brand shop của Oppo chủ yếu phục vụ mục đích tiếp thị chứ không chú trọng bán hàng. Ông Ryan Reith, nhà phân tích của IDC cho rằng đây không phải là nơi bán hàng số lượng lớn mà Oppo kỳ vọng. Điều này hoàn toàn hợp lý, với hơn 100 cửa hàng ở Việt Nam, thậm chí nếu có tăng gấp đôi thì Oppo Brand chỉ chiếm hơn 10% tổng số cửa hàng Thế Giới Di Động và FPT cộng lại, rất khó để kỳ vọng vào doanh số từ nhóm này.
Tuy nhiên, đây vẫn là bước đi quan trọng của hãng. Ở thị trường Việt Nam, việc đầu tư vào hệ thống brand shop như vậy cũng ít nhiều tác động vào nhận thức của người tiêu dùng. Sự cao cấp không chỉ đến từ thiết bị đắt tiền mà còn bao hàm hệ sinh thái cao cấp từ không gian hiện đại đến dịch vụ chăm sóc khách hàng thân thiện.
"Muốn kinh doanh thiết bị cao cấp, người dùng phải cảm nhận được sự cao cấp từ cả dịch vụ chứ không đơn thuần là mẫu điện thoại có cấu hình khủng", ông Cường chia sẻ. Và khi người sử dụng hưởng nhiều tiện ích cao cấp sẽ là tiền đề dẫn đến nhiều sản phẩm dạng này được tiêu thụ.
Vào thị trường Việt Nam cuối năm 2012, sau 5 năm, Oppo đã phát triển hệ thống chăm sóc khách hàng lên đến 46 trung tâm trên toàn quốc.
Đến hết tháng 11/2016, theo số liệu GFK, Oppo giữ vị trí thứ 2 thị trường điện thoại với 22% thị phần.
Thanh Thư