Việt Nam là một trong những nước có nền văn hóa ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới, theo đánh giá của trang du lịch nổi tiếng nước Anh - Rough Guides.
Sức cuốn hút của ẩm thực Việt Nam nói chung, người Hà thành nói riêng không nằm ở các món sơn hào hải vị, mà ở chính những món ăn dân dã đi kèm với gia vị đặc trưng - nước chấm.
Hàng chục công thức làm nước chấm tùy từng món ăn như muối tiêu chanh dành riêng cho gà luộc; nước mắm gừng tỏi giã nhuyễn cho vịt quay; nước mắm chanh tỏi ớt cho nem nóng thơm giòn ăn kèm với rau sống. Chả cá Lã Vọng lại luôn đi liền với bát mắm tôm sánh quyện, hay nước tương tỏi ớt giã nhuyễn gắn liền với món bò cuốn lá cải thơm ngon.
Mark Lowerson, cây bút nước ngoài sống tại Hà Nội chuyên viết về ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực Việt, từng viết: “Tôi không rõ liệu có nền ẩm thực nào khác trên thế giới có được đặc trưng trội bật về các loại nước chấm như tại xứ sở này. Đến một quán bất kỳ ở Hà Nội, cứ gọi bốn hoặc năm đĩa mồi khác nhau thì mỗi đĩa lại có một loại thức chấm khác”.
Thực vậy, trong mâm cơm của người Hà Nội xưa và nay, cái gì có thể thiếu chứ nước chấm, nhất định không.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Ngọc Vượng cũng chia sẻ, hồi đất nước còn khó khăn, hình ảnh quen thuộc thời ấy là cả gia đình ngồi quây quần bên nồi cơm một phần gạo trắng, hai phần củ mì, củ sắn. Đôi khi, bữa ăn được bổ sung thêm đĩa rau luộc cùng bát nước tương màu đen sóng sánh. Tô canh là nước luộc rau bỏ tý muối vắt thêm tép chanh cho lạ miệng. Cả nhà vừa ăn vừa tíu tít chuyện trò. Dư vị đậm đà, ấm áp nghĩa tình ấy, hẳn còn đọng lại trong nhiều thế hệ người Việt.
Thứ nước tương màu đen sóng sánh mà Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Ngọc Vượng nhắc đến ở đây chính là Maggi mà hiện nay chúng ta vẫn thường dùng. Do đặc trưng về màu sắc, hương vị, các sử dụng gần giống với xì dầu nên nhiều người dễ nhầm hai thứ này là một. Tuy nhiên, Ma-gi có mùi thơm, vị thanh nhẹ hơn.
Từ góc nhìn của Nhà sử học, ông Dương Trung Quốc cho biết: “Tôi có hỏi mẹ tôi, người từng trải qua những năm 1930, năm nay bà 90 tuổi. Ấn tượng đầu tiên của bà về chai nước tương này là có hình dáng giống tháp Eiffel”. Ông cho biết thêm, sở dĩ người Việt Nam gọi Maggi là ma-gi vì nó được phát âm theo tên của nhà sáng lập ra thương hiệu nổi tiếng này - Julius Maggi.
Nói cách khách, Ma-gi được chia sẻ trong các câu chuyện nói trên chính là Maggi chính hiệu, từ 1935. Maggi đã theo chân người Pháp vào Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20, và dần được mọi người biết đến như một loại nước chấm màu nâu đen thường làm từ những nguyên liệu có chứa nhiều chất đạm. Nước chấm Ma-gi ngày xưa nay là nước tương đậu nành lên men tự nhiên và nó là thành viên không thể thiếu trong bữa ăn đầm ấm của mỗi gia đình Việt.
Thế Đan