Vùng nước nông ở ngoài khơi Florida đạt 37,8 độ C trong vài giờ hôm 24/7, có khả năng lập kỷ lục thế giới với mức nhiệt thường gặp ở bồn tắm nóng. Số liệu trên được lấy từ một phao nổi ở vịnh Manatee, cách Miami khoảng 60 km về phía tây nam, ở độ sâu 1,5 m. Đỉnh nhiệt là 38,4 độ C được ghi nhận vào 6 giờ chiều cùng ngày theo giờ địa phương, nhưng duy trì ở mức trên 37,8 độ C trong khoảng 4 giờ, theo AFP.
Jeff Masters, nhà khí tượng học từng làm việc trong cho chính phủ, chia sẻ dù không có kỷ lục thế giới chính thức về nhiệt độ mặt biển, một bài báo năm 2020 phát hiện nhiệt độ cao trước đây là 37,6 độ C ở vịnh Kuwait. Nhưng do kết quả đo mới được thực hiện gần đất liền, ảnh hưởng của đất liền và vật chất hữu cơ trong nước có thể dẫn tới không đủ căn cứ xác lập kỷ lục. Trừ khi có bằng chứng hình ảnh cho thấy không có mảnh rác, rất khó xác nhận kỷ lục 37,8 độ C hợp lệ.
Điều kiện giống phòng tắm hơi có thể thú vị với một số người, nhưng nhiệt độ cực hạn kéo dài đang phá hủy hệ sinh thái rạn san hô và những loài phụ thuộc vào đó. Cách đây vài ngày, tổ chức phi lợi nhuận Coral Restoration Foundation (CRF) cho biết một rạn san hô tên Sombrero ở nam Florida mà họ đang khôi phục trong hơn thập kỷ, đã bị phá hủy.
Khoảng 25% động vật biển sinh sống quanh rạn san hô, cạnh tranh với rừng mưa nhiệt đới về đa dạng sinh học, theo Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ. Trên toàn cầu, biển Địa Trung Hải đạt nhiệt độ cao nhất ngày 24/7 vào đợt nắng nóng đặc biệt. "Chúng tôi đạt một kỷ lục mới về nhiệt độ mặt biển hàng ngày ở Đại Trung Hải là 28,71 độ C",Viện khoa học hải dương Tây Ban Nha, cho biết.
Kỷ lục trước đây là ngày 23/8/2003 với mức nhiệt 28,3 độ C. Tháng 7/2023 đang trên đà trở thành hành tinh nóng nhất trong lịch sử cũng như nóng nhất trong hàng nghìn năm, theo nhà khí tượng học Gavin Schmidt của NASA.
An Khang (Theo AFP)