Nếu cả thế giới đang hướng về châu Âu, trong đó có nước Anh, và cảm ơn họ với cách họ xử lý cuộc khủng hoảng tị nạn, thì tôi phải thầm biết ơn nước Anh đã chấp nhận cuộc "nhập cư tâm hồn" tôi từ hàng thập kỷ trước.

Tôi đặt chân đến sân bay Heathrow lần đầu cách đây đã 12 năm, mang theo khát vọng, hoài bão trên đôi vai bé nhỏ của cậu học sinh cấp 3 mới giành được học bổng A-Level. Tôi còn nhớ những bước chân đầu tiên trên đường phố Brighton - thành phố nơi ngôi trường đã cho tôi cơ hội cuộc đời này, tôi đã bị choáng ngợp khi mới 12 tiếng trước đây là phố cổ Hà Nội, lăng Bác thân thương thì được thay bằng những ngôi nhà tường gạch cũ mà vẫn có nét gì đó sang trọng, những chiếc xe buýt 2 tầng cảm giác như người khổng lồ đỏ di chuyển trên phố. Thậm chí tôi còn ngửi được mùi không khí nơi đây thật đặc biệt, khác hẳn với mùi của thành phố tôi sống cách đây hơn 10.000 km.
Chuyến đi đó không suôn sẻ. Tôi phải về nước sau đó 2 tuần vì lý do gia đình. Nhưng tôi đã đóng được những tấm ván đầu tiên cho con thuyền vượt biển để “tị nạn” tâm hồn mình.
Tôi đến nước Anh lần thứ hai vào 3 năm về trước, tức là gần 10 năm sau chuyến đi đầu tiên. Chuyến đi ngắn, và cũng gắn với một kỷ niệm buồn của tôi (nếu có cơ hội được gặp Hội đồng giám khảo, nhất định tôi sẽ kể câu chuyện này). Nước Anh như một định mệnh, và cứ thế gắn với tôi hơn một nửa thời gian tôi sống trên đời.
Lý do chính của chuyến đi lần này là đến thăm gia đình một người bạn Anh của tôi - nhân vật chính trong câu chuyện tôi hứa sẽ kể. Bạn không còn ở đó, nhưng mọi người đều nói “she will always live with us in spirit…”
Đón tôi tại sân bay là bố mẹ bạn. London ngay sau lễ bế mạc Olympic 2012 chào đón tôi thật đặc biệt. Tôi được ông bà dẫn qua các con phố, những cây cầu nổi tiếng của London trước khi đưa về nhà tại Coventry. Đi ngang qua London Tower, tôi kịp chụp lại bức ảnh có banner của Knight Frank - tên công ty tôi đang làm việc tại Việt Nam - để về khoe mọi người. Khu phố nơi bạn tôi từng sống tại London là những dãy nhà thấp thôi, đường đi được lát gạch… làm tôi nhớ đến phố cổ Hà Nội. Đi ngang qua Buckingham Palace, tôi đã kể cho ông bà nghe về lăng Bác cũng uy nghiêm y hệt. Gần đó là khu Harrods nổi tiếng, tôi chỉ dám lướt qua eye-shopping.
Trên con đường về nhà, ấn tượng của tôi là phong cách kiến trúc hiện đại của một London cổ kính được thể hiện qua những dãy nhà 2 tầng với cảm giác thật gần gũi, thân thiện.

Chuyến đi của tôi có lẽ sẽ khác với hầu hết kỷ niệm của mọi người về nước Anh. Tôi được tiếp đón không khác gì một người con xa xứ lâu ngày trở về thăm gia đình là mấy. Tôi được sắp xếp ở cạnh phòng nơi bạn tôi từng ở. Tôi được đi “cỗ máy thời gian” quay trở lại những nơi gia đình đã sống; nơi bạn tôi đã học cấp 1, cấp 2, cấp 3; chuỗi cửa hàng Mark & Spencer’s mà bạn tôi thích đi mua sắm cùng mẹ. Tôi được dẫn đến trường đại học Coventry để tham quan, nơi 2 ông bà trước kia từng gặp nhau và yêu nhau, để rồi tôi bị choáng ngợp trước khuôn viên của ngôi trường pha trộn giữa lịch sử và tương lai, nơi có những dấu tích tàn phá của chiến tranh thế giới trường tồn với những tòa nhà thư viện hiện đại, hay khu học xá với lối kiến trúc độc đáo
Và trong hành trình kỷ niệm đó, tôi còn được khám phá từ Nam lên Bắc nước Anh chỉ trong 3 ngày với điểm cuối là Lake District - hồ nổi tiếng nhất nước Anh. Trên quãng đường chúng tôi đi qua, bác trai đã chỉ cho tôi hầu hết thành phố của 20 câu lạc bộ tham gia giải Ngoại hạng Anh (chúng tôi cùng có niềm đam mê đá bóng). "Chúng ta vừa đi qua Coventry cháu nhé - thành phố an toàn nhất nước Anh"; "Khoảng 140km nữa là đến Birmingham", "Bình, tỉnh giấc đi, chúng tôi mang cháu đến thành phố của 'sân vân động của những giấc mơ' Manchester"...
Tôi cảm nhận mình may mắn đến nhường nào khi trải nghiệm nước Anh trọn vẹn đến như vậy chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, có lẽ là nhờ những cảm xúc của tôi cho chuyến đi khiến từng giây từng phút trôi qua như những thước phim được lưu lại cẩn thận về nước Anh. Khi còn là cậu học sinh lớp 1 mới được mẹ cho học tiếng Anh, tôi nhớ khi đó bài đầu tiên tôi nghe trên đĩa CD là một video về William Shakespeare và thành phố của ông. Thế mà giờ đây tôi đang đứng trong chính ngôi làng đó, và chuẩn bị bước chân vào rạp để nghe một trong những vở nổi tiếng nhất “Hamlet”. Dù thật sự không hiểu được nội dung của vở kịch do ngôn ngữ họ sử dụng (kể cả ông bà cũng nói với tôi là người Anh còn khó để hiểu), nhưng với tôi đó như một “giấc mộng đêm hè”.

Trước khi về, tôi đến thăm và chào bạn tôi. Tôi mang cho cô ấy món café trứng của Hà Nội mà cô ấy từng ấn tượng nhất khi đến Việt Nam, nhưng lần này cô ấy được thưởng thức ngay tại bầu trời nước Anh. Ngồi một mình trên ghế đá nơi nhà thờ ấy, tôi đã tâm sự với cô ấy thế này: ngoại trừ tình yêu dành cho quê hương Việt Nam, thì thứ tình cảm tôi dành cho nước Anh là một điều gì đó thật đặc biệt. Nước Anh với tôi là định mệnh. Từ những ngày còn bé, với ước mơ con trai lớn lên trở thành nhà ngoại giao giỏi, mẹ đã cho tôi du lịch qua màn ảnh nhỏ với những bài học tiếng Anh về các thành phố như Oxford, Cambridge, Liverpool. Lớn hơn chút nữa, tuổi thơ của tôi là những buổi học tại Hội đồng Anh hay những trưa ngủ gật tại thư viện nơi đây. Đi làm, tôi làm việc cho 2 công ty bất động sản lớn của Anh. Tôi vui nhất khi nhận được học bổng Anh, và buồn nhất cũng vì một cô gái Anh…
Cứ như thế, nước Anh đã trở thành duyên số trong tôi. Mọi việc tôi làm, mỗi bước đi trong cuộc sống, những dấu mốc quan trọng của cuộc đời, cùng bao kỷ niệm đáng nhớ nhất đều có chút gì đó gắn với nước Anh. Một nước Anh, trong trái tim tôi!
Lê Tuấn Bình