Hồi trước, lúc đi học, phải đến lớp sáu thì học sinh chúng tôi mới được học môn tiếng Anh. Bài học đầu tiên là những địa điểm nổi tiếng ở London như công viên Hyde, sông Thames, đường Regent… Lúc đó, tôi cứ nghĩ ước gì mình được đến thăm London, thăm nước Anh.
Rất nhiều năm sau đó, khi tôi đặt bước chân đầu tiên xuống sân bay Heathrow, mơ ước kia không còn là viễn vông. Cho tới bây giờ, những người xung quanh tôi, kể cả cha mẹ tôi vẫn chưa hiểu hết vì sao tôi yêu nước Anh thật nhiều, và tôi cũng khó lòng giải thích điều đó. Nếu tôi có một trăm trang giấy để kể về cuộc sống của mình thì năm mươi trang đầu sẽ là từ lúc tôi bắt đầu có trí khôn, cho đến trước ngày sang Anh du học, khoảng hơn hai mươi năm. Năm mươi trang còn lại tôi dành cho thời gian hơn một năm sống ở nước Anh, những tháng ngày tươi đẹp của cuộc đời tôi. Nước Anh đã thay đổi suy nghĩ và lối sống của tôi, khiến tôi trở nên văn minh hơn, hào sảng hơn. Và trên hết, nước Anh đã cho tôi nhiều hơn tôi mong đợi: kiến thức trong nhà trường và giá trị nhân văn ngoài đời thật.
Tôi theo học ngành Quản lý Khách sạn và Sự kiện tại Chichester, một thành phổ cổ ở phía đông nam nước Anh, cách thủ đô London hơn năm mươi dặm. Là một trong số ít các sinh viên quốc tế theo học toàn thời gian ngành này tại trường, tôi được các giảng viên trong khoa hết sức quan tâm, giúp đỡ. Họ đón tiếp tôi trong sự niềm nở, họ chỉ bảo tôi tận tình và có khi, cách họ lo lắng cho tôi vượt xa trách nhiệm của giáo viên với học trò.
Trong một chuyến thực tập ngắn ngày tại khách sạn Hilton, vì biết tôi bị say xe, các thầy cô trong khoa đặc biệt chú ý đến tôi: khi tôi vừa bước lên xe, thầy Andy đưa cho tôi một cái xô nhỏ được bọc sẵn bao nilông và một cuộn khăn giấy lớn. Thầy cười và nói tôi cứ yên tâm, tôi bất ngờ và xúc động, chỉ biết nói cảm ơn. Trong giờ ăn trưa của buổi thực tập hôm đó, cô trưởng khoa Elizabeth đến khách sạn. Cô ân cần hỏi thăm sức khoẻ tôi, rồi cô hỏi tôi có muốn đi ăn trưa với cô không. Tôi hơi bối rối, không tin vào tai mình.
Chúng tôi tới khu ăn uống, cô đi trước, nhanh chóng lấy dao đĩa và nói với tôi: “tôi lấy dùm em luôn rồi đấy”. Trong suốt bữa ăn trưa, chúng tôi trò chuyện rất thân mật. Cô hỏi tôi nghĩ gì về trường học, về nước Anh, cô không quên hỏi về gia đình tôi và về cả Việt Nam. Một lúc sau, các trưởng bộ phận trong khách sạn cũng tới ăn trưa, họ ngồi chung bàn với chúng tôi, hỏi thăm một cách thân thiện, không hề có khoảng cách của những vị quản lý cấp cao và sinh viên thực tập. Trải nghiệm ngày hôm đó giúp tôi nhận ra những người dạy và làm trong ngành dịch vụ, càng ở vị trí cao lại càng hoà nhã và cởi mở.
Giáo dục ở nước Anh không chỉ dạy kiến thức mà còn hướng đến giá trị nhân văn trong cuộc sống. Chúng tôi luôn được khuyến khích tham gia các hoạt động từ thiện, đóng góp cho cộng đồng. Một giảng viên đã kể cho chúng tôi: “Các bạn có biết khi làm tình nguyện viện tại Olympic London 2012, nhiệm vụ của tôi là gì không? Tôi đứng canh ngay thùng rác và nhắc nhở mọi người bỏ rác vào thùng”.
Như một phần trong chương trình học, tôi được giới thiệu làm tình nguyện viên cho các sự kiện mang tính từ thiện. Tôi đảm nhận từng vai trò khác nhau trong mỗi sự kiện: lúc thì bán bánh và đồ chơi, khi thì phục vụ bàn ăn, hay chỉ đơn giản là người giữ vệ sinh khu vực để thức ăn và nhặt rác bỏ vô thùng. Cứ mỗi lần tham gia như vậy, tôi học hỏi thêm rất nhiều điều. Họ và tôi đều không ngại khó, không làm vì trách nhiệm hay thành tích, chúng tôi làm trong sự tự nguyện và vui vẻ. Họ đã truyền cảm hứng cho tôi, khiến tôi biết cống hiến, biết nghĩ cho người khác nhiều hơn. Họ giúp tôi hiểu rằng giúp đỡ người khác chính là vinh dự và may mắn.
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến việc nước Anh là một đất nước có nền văn hoá độc đáo. Cuộc sống bên ngoài trường học thật là thú vị. Vì sống cùng gia đình người bản xứ nên tôi có nhiều cơ hội tiếp cận với văn hoá và con người nước Anh. Ông bà chủ nhà là những người rất tử tế, họ đưa tôi đi tham quan nhiều nơi, họ giúp tôi hoà nhập cộng đồng bằng những chuyến thăm viện dưỡng lão, hay thăm nhà bạn bè họ.
Tôi làm sao quên được những buổi trà chiều trong khu vườn sau nhà với món bánh ngọt truyền thống kiểu Anh, hay là ngày chủ nhật sau khi tan lễ, tôi và các bạn gói ghém đồ ăn đi picnic, chúng tôi ăn uống, trò chuyện rồi ngủ quên trên ngọn đồi nhỏ. Tôi say mê nơi mình sống, thành phố nhỏ Chichester: không đẹp lộng lẫy nhưng cuốn hút, nhộn nhịp vừa phải, yên bình vừa phải.
Sau giờ tan học, chỉ cần đi bộ dạo quanh thành phố đã là một niềm vui rồi, và niềm vui sẽ nhân lên gấp đôi nếu bạn đang đi dạo và gặp một người quen, tươi cười chào hỏi, hoặc nhiều hơn nữa là mua tách cà phê ngồi trò chuyện trên băng ghế ven đường. Tôi còn có sở thích hơi kỳ lạ là ngồi một mình giữa trung tâm thành phố, nhìn những cụ bà mặc váy hoa rực rỡ tay trong tay với những cụ ông trong bộ áo chỉnh tề.
Vào những dịp lễ lớn như Giáng sinh, Phục sinh, tôi cũng theo phong tục của người Anh tặng quà và thiệp. Tôi vô cùng thích thú với việc một mình đi sắm quà Giáng sinh tặng mọi người. Món quà nhỏ thôi, nhưng là tâm ý của người tặng. Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi về nhà, thấy thiệp và quà đặt trước cửa phòng mình? Tôi chưa bao giờ quên cảm giác đó. Thành phố nhỏ Chichester nơi tôi đã sống, những vùng đất mà tôi đã ghé thăm luôn in sâu trong tâm trí tôi. Đó là một nước Anh vô cùng tươi đẹp, không chỉ vì phong cảnh mà còn ở con người và phong tục tập quán: London cổ kính xen lẫn hiện đại, Bath yên bình và đẹp như tranh, Cardiff thanh lịch và lôi cuốn. Tôi không có nhiều hình chụp về nước Anh, thay vì dành nhiều thời gian chụp hình, tôi dùng mắt để ngắm nhìn, nhìn ngấu nghiến như sợ cảnh đẹp sẽ tan biến trong phút chốc.
Sau khi rời nước Anh, mỗi ngày tôi đều nhớ về nơi đó. Nỗi nhớ càng da diết khi có người nói với tôi rằng tôi nói tiếng Anh theo ngữ điệu của người Anh, và đương nhiên tôi không bao giờ muốn thay đổi điều đó. Tôi tự hứa với lòng sẽ trở lại thăm nước Anh vào một ngày không xa, tôi muốn đưa cả cha mẹ theo cùng, để họ biết được vì sao tôi yêu nước Anh.
Đến hôm nay, trong cuộc đời tôi có hai tình yêu lớn: tình yêu với gia đình và tình yêu dành cho nước Anh. Cảm ơn cha mẹ đã cho con có cơ hội được thụ hưởng nền giáo dục bậc nhất thế giới, cảm ơn nước Anh đã ưu ái tôi quá nhiều. Khi ai đó hỏi tôi từng học ở đâu, tôi hãnh diện nói với họ rằng tôi từng được giáo dục ở Anh. Để rồi nhiều năm sau nữa, tôi sẽ đem những trải nghiệm tại nước Anh kể lại cho con cháu mình nghe, biết đâu trong số đó sẽ có người muốn đến nước Anh và yêu nước Anh nhiều như tôi, hoặc hơn tôi.
Cao Mộng Cẩm