Tôi muốn kể bạn nghe một nước Anh không có những tháp Big Ben, những lâu đài cổ kính, cung điện Buckingham hay những công viên tuyệt đẹp mà bạn vẫn thường được nghe và nhìn thấy trên báo chí hay truyền hình. Tôi muốn kể bạn nghe một nước Anh ngọt ngào, yêu thương và đầy lòng nhân ái, một trái tim Anh giàu lòng trắc ẩn với con người.
Đến thăm một ngôi trường tiểu học tại một thị trấn nhỏ Broughton Gifford của nước Anh, tôi cứ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về cách người Anh nuôi dưỡng thế hệ tương lai của mình. Đó là một hệ thống giáo dục tập trung vào con người, lấy con người làm gốc.
Nếu trong tiết học, có em nào lơ đãng hay ngủ gật, thay vì mắng các em không có ý thức tập trung vào bài giảng, người giáo viên tôi gặp nói đó là do trách nhiệm của cô chưa thu hút được các em. Sau đó, cô đã tự điều chỉnh để tiết học trở nên hấp dẫn và thú vị hơn.
Cô còn cho tôi xem một quyển sổ dày với những tiêu chí đánh giá mỗi em vào cuối kỳ gồm các tiêu chí như cách giao tiếp với bạn học, cách tự giải quyết vấn đề, mức độ khéo léo, sáng tạo... Nếu có hai em nhỏ tranh nhau một món đồ chơi, giáo viên sẽ không ngay lập tức chạy lại can ngăn các em. Cô sẽ đứng ngoài quan sát cách các em xử lý với xung đột và tự bảo vệ mình như thế nào rồi mới nói chuyện với từng em sau đó. Người Anh rất đề cao việc một đứa trẻ biết cách giải quyết các xung đột vì điều đó thể hiện các em tự tin và biết cách bảo vệ mình nhưng không làm phương hại đến người khác.
Tôi còn có dịp ghé thăm lớp học One-to-one (một trò một thầy) dành cho những em chậm tiếp thu hơn so với các bạn cùng trang lứa. Phương châm giáo dục ở đây là mọi trẻ em đều có quyền bình đẳng trong việc lĩnh hội kiến thức và không một em nào bị bỏ lại sau lưng.
Nước Anh trong tôi còn là những người già không ngừng học hỏi và đóng góp cho cộng đồng. Được tham dự một cuộc thi văn nghệ do những người về hưu tại một thị trấn nhỏ ở quận Wilshire nước Anh tổ chức, tôi đã không khỏi bất ngờ trước sự dí dỏm và uyên bác của các bậc “bô lão” nơi đây. Các bác bảo tôi họ tự tổ chức những cuộc thi như thế này, để vừa mang tính giải trí vừa giúp họ tránh suy giảm trí nhớ.
Tôi từng được gặp một bác người Anh 78 tuổi với trí nhớ và sự minh mẫn siêu phàm. Tôi đã vô cùng bất ngờ khi nhìn người phụ nữ ấy lái xe vèo vèo trên phố đưa tôi đi chơi hay cùng tôi phăm phăm leo núi trong một chuyến picnic. Dù đã trải qua hai lần phẫu thuật cắt bỏ khối u ung thư vú, nhưng bác vẫn rất lạc quan và vui tính. Bác hớn hở khoe tôi chiếc váy mẹ bác may cho hồi bác lên 3 tuổi mà giờ bác vẫn giữ làm kỷ niệm. Ở tuổi 78, bác vẫn đều đặn đi tập gym, chơi Sudoku, đọc một quyển sách mỗi ngày, và tối nào cũng rèn luyện trí tuệ qua trò chơi “Brain training” (Luyện trí não) của máy điện tử Nintendo của Nhật. Bác còn là một người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu và vị tha. Ít ai biết chị gái bác mất sớm trong một tai nạn giao thông, bác đã ở vậy và dành phần lớn tuổi trẻ của mình để làm người mẹ thứ hai cho các cô cháu gái của mình. Giờ đây họ coi bác như mẹ đẻ để mỗi lần trong các dịp nghỉ lễ lại dắt con cháu về chơi.
Nước Anh trong tôi còn là những tháng ngày đi tình nguyện tại một thư viện đồ chơi trong thành phố. Dưới sự hướng dẫn của hai cô thủ thư đã về hưu, rất nhiều em nhỏ nhút nhát đã trở nên bạo dạn và tự tin hơn chỉ qua hai tháng sinh hoạt tại thư viện. Những món đồ chơi trong thư viện không chỉ giúp bậc cha mẹ các em tiết kiệm chi phí trong việc mua sắm, mà còn thổi hồn vào trí tưởng tượng, giúp các em học mà chơi, chơi mà học. Tôi vẫn mong mỏi một ngày nào đấy, Việt Nam sẽ có nhiều những thư viện đồ chơi như thế này, để gia đình không có điều kiện mua vẫn có thể mượn đồ chơi, cho tuổi thơ các em thực sự được khám phá và phát triển tiềm năng.
Tôi cũng có may mắn được cộng tác với một số bệnh viện ở đây. Nhìn các y bác sĩ tại đây chăm sóc bệnh nhân, từ trẻ tới già, từ các em khiếm thính, chậm nói cho đến các bệnh nhân đang trong giai đoạn cuối, tôi càng thấu hiểu tình cảm và tấm lòng nhân hậu mà các bác sĩ dành cho các bệnh nhân tại đây. Tôi có gặp một cô bệnh nhân người Việt được chẩn đoán ung thư giai đoạn 3, cô sống ở đây đã lâu nhưng không có giấy tờ nên khi ốm cô không dám đi bệnh viện. Nhưng các bác sĩ ở đây đã quyết định vẫn điều trị, truyền hóa chất và mổ khối u cho cô dù họ biết cô sẽ hầu như không thể chi trả tấm hóa đơn khổng lồ sau liệu trình.
Tôi từng đến thăm một trung tâm người cao tuổi và hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối. Điều khiến tôi không khỏi bất ngờ là bệnh viện được thiết kế như một khách sạn 5 sao. Các cô y tá bảo với tôi rằng họ cố gắng làm những gì tốt nhất có thể, để những người bệnh cảm thấy ấm áp như ở nhà và quên đi những cơn đau. Lần đầu tiên đến thăm bệnh viện nhi Evelina tại London, tôi còn nghĩ mình đang lạc vào một nhà trẻ, chứ không còn là đi tới bệnh viên nữa bởi cách trang trí và gọi tên các phòng chức năng ở đây theo ngôn ngữ rất trẻ thơ. Ví dụ như bạn sẽ đến Khoa Quả Núi (Mountain) để đến thăm các bệnh nhi nội trú hay khoa Đại Dương (Ocean) để được thăm khám và điều trị với những phòng chức năng như phòng cá voi (Whale), chim cánh cụt (Penquin)...
Nước Anh trong tôi còn là sự ngưỡng mộ trước tấm lòng hướng thiện mà người dân Anh dành cho những mảnh đời bất hạnh. Đó là khi cả nước Anh bị lay động trước hình ảnh em bé Syri bị chết đuối bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, khi cả gia đình em tìm cách vượt biển trên một con thuyền nhỏ, thoát khỏi cuộc nội chiến Syria. Dù thủ tướng David Cameron và nội các Anh đang cố gắng thực hiện chính sách thắt chặt đối với người nhập cư, nhưng trước những con người bị đe dọa tính mạng và cuộc sống, nước Anh vẫn không ngần ngại giang rộng vòng tay để tiếp nhận và cưu mang 20.000 người tị nạn Syri.
Tôi nhớ trong Vovinam - Việt Võ Đạo, hệ thống đẳng cấp được chia làm các màu xanh, vàng, đỏ và trắng. Màu xanh tượng trưng cho màu của hy vọng cho người mới nhập môn. Màu vàng tượng trưng cho việc tinh thần võ đạo bắt đầu ngấm vào da thịt và tâm hồn của người môn sinh. Màu đỏ, tức là màu của máu, tượng trưng cho việc tinh thần võ đạo đã ngấm sâu vào máu huyết và lưu thông trong thân thể người môn sinh. Mức cao nhất, là màu trắng, mang ý nghĩa tinh thần võ đạo đã trở thành một phần căn cốt cũng như tinh hoa của người môn sinh.
Tôi không dám nhận tình yêu tôi dành cho nước Anh đã lên đến Bạch đai hay Hồng đai, bởi vẫn còn rất nhiều những điều tôi chưa biết và hiểu về đất nước và con người nơi đây, nhưng tôi biết lòng trắc ẩn mà đất nước này dành cho tôi sẽ là hành trang theo tôi đến suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời, để dù đi xa tôi sẽ mãi nhớ.
Phạm Minh Huệ