Tôi xa nước Anh đã 5 năm mà nỗi nhớ xứ sở này vẫn gần như vẹn nguyên. Ấn tượng của tôi về nước Anh không phải là sương mù, mưa lạnh, và mùa đông xám xịt, thê lương của những cành khô trụi lá, mà là bầu trời xanh lạ thường (tôi vẫn gọi là màu xanh không cần photoshop), mùa xuân hoa nở tưng bừng, mùa hạ nắng rực rỡ, mùa đông tuyết trắng. Tôi nhớ những đồng cỏ xanh nên thơ với đàn cừu béo mầm nhởn nhơ gặm cỏ, nhớ những hình ảnh biểu tượng về tàu điện ngầm, tàu hỏa, xe bus hai tầng, những anh lính hoàng gia vừa nghiêm trang vừa đỏm dáng...
Nước Anh có quá nhiều nỗi nhớ đong đầy trong tôi. Và hơn hết, tôi nhớ những kỷ niệm về con người trên mảnh đất ấy. Ngày đặt chân đến Heathrow, khệ nệ 2 vali và một ba lô, tôi không ngờ thời gian ở đây lại nhiều trải nghiệm và ấm áp tình người đến vậy.
![3_1441697260.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/09/08/3-7589-1441701801.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3XbENT_dNruVog5KkCecKg)
Người Anh, từ lâu tôi đã nghe nói là lạnh lùng và thờ ơ (phớt tỉnh Ăng-lê mà). Quả thật, họ có phong thái lãnh đạm đến không ngờ. Chẳng hạn, trong mưa rơi, họ vẫn đi đều lặng lẽ mà không chạy nháo nhào tìm chỗ trú. Tôi cũng để ý thấy các cửa hàng ở thành phố tôi sống không có mái hiên trú mưa; lên xe bus, đi vệ sinh, họ đều lẳng lặng xếp hàng. Dường như chẳng điều gì trên thế giới khiến họ quan tâm. Không giống một số quốc gia khác, người Anh không bao giờ nhìn chòng chọc hiếu kỳ khi thấy tôi tạo dáng, cười một mình trước chân máy ảnh (tripod). Thế nhưng, chính những con người tưởng như thờ ơ với thế giới đó lại đủ chú tâm và tốt bụng để giang tay khi tôi cần giúp đỡ.
Giờ đây, khi nghĩ lại, tôi vẫn xúc động về lần gặp hai vợ chồng người Anh trong chuyến đi thăm cung điện Blenheim (Oxfordshire). Hôm đó, tôi lỡ chuyến bus cuối về lại Oxford để bắt tàu về nhà. Chẳng biết phải làm sao, tôi đi bộ thất thần theo đường xe bus, hy vọng về được Oxford kịp giờ tàu. Những chiếc ôtô trên đường vun vút chạy qua. Khi tôi qua ngã tư, một chiếc ôtô đang đỗ chờ đèn đỏ. Người phụ nữ trong xe hỏi han tôi có chuyện gì mà mặt mũi hốt hoảng, rồi cho tôi đi nhờ đến bến bus gần nhất để bắt xe về Oxford. Lên xe, hai vợ chồng còn cho tôi một đồng xu 2 bảng để tôi đi xe bus về.
Mặc cho tôi không nhận, họ vẫn dúi vào tay, bảo không đi xe thì mua nước uống. Bất ngờ là sau khi thả tôi xuống bến bus vì họ bận đi có việc, khoảng 2 phút sau chiếc ôtô lại quay lại, hai bác ngó đầu ra, bảo tôi lên xe họ đưa đến Oxford luôn. Đến lúc tôi khăng khăng có thể tự đi bus về Oxford, hai bác mới yên tâm dời đi. Giờ tôi vẫn giữ lại đồng 2 bảng đó để kỷ niệm về những người Anh tốt bụng.
![4_1441697280.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/09/08/4-5051-1441701801.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zx8J8gs1tE-TVfBnYz-PjQ)
Không riêng người Anh bản xứ, mà những người tôi gặp ở nước Anh cũng rất tốt. Tôi vốn e dè những người gốc Ấn, Pakistan, châu Phi, bởi họ sống rất đông nơi thành phố tôi. Điều này sẽ làm giảm mơ mộng của tôi về nước Anh. Nhưng tôi đã được những người này đối xử đầy nhân ái. Ông chủ nhà đánh ôtô đến đón và giúp tôi chuyển đồ. Mỗi lần qua cửa hàng thực phẩm của ông mua gạo, tôi còn được ông tặng thanh kẹo Snickers hoặc vài quả chuối mang về. Anh công nhân da đen chạy lại hỏi han khi thấy tôi ngồi đợi trước cửa nhà mấy tiếng đồng hồ, còn cho mượn điện thoại để gọi điện cho chủ nhà.
Còn nữa, anh bạn khóa trên đã tặng tôi một quyển sách cũ; anh bán thịt gần nhà mời uống trà chiều; chủ một hàng hoa quả trong chợ cho tôi thêm hai quả táo vì ngày hôm đó tôi lượn qua mua hàng 2 lần; một chị khi được tôi hỏi đường, khi không biết đã chạy vào quán bar gần đó để nhờ hai anh khách trong quán chỉ giúp… Những hành động giản dị mà khiến tôi, một thân một mình nơi xứ người, dễ xúc động và thấy ấm lòng.
Không thể không kể đến hai người ở cùng nhà, khoảng tuổi cô chú tôi ở Việt Nam nhưng tôi thường gọi là “bác trai”, “bác gái”. Bạn bè tôi bảo, tôi và hai bác giống một gia đình, vì hai bác đối đãi với tôi không khác gì với con gái. Bác gái đi làm đêm, chỉ chủ nhật ở nhà với tôi, lúc đó 2 bác cháu nói chuyện trên trời dưới biển, chuyện ở đất nước Nam Phi của bác, chuyện về nước Việt Nam của tôi, chuyện gia đình, chuyện nước hoa đến cả chuyện cọ rửa bồn tắm. Bác trai thường cho kẹo bánh, giúp tôi thái hành tây cho khỏi cay mắt, ăn cưới cũng mang phần về cho tôi. Hai bác cháu thường ngồi nhâm nhi trà sữa kiểu Pakistan quê hương bác và nói những chuyện không đầu không cuối. Biết tôi thích tuyết, bất kể sáng hay tối, khi tuyết rơi, bác đều lên gõ cửa phòng báo cho tôi biết.
![5.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/09/08/5-3757-1441701801.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tcIDRH7eG54VU-AzjSwn-A)
Còn các bạn Việt Nam của tôi nữa chứ. Mới sáng, tôi chưa thuê được nhà mà ở nhờ 4 du học sinh Việt Nam. Nơi xứ lạ, không quen không biết mà các em cho tôi ở nhờ, cùng nhau ăn cơm, rồi chỉ dẫn tôi đường đến trường. Những điều này khiến tôi cảm động và biết ơn vô cùng. Sau này học cùng nhau, tôi biết thêm nhiều bạn nữa, người ở Sài Gòn, người Hà Nội, nhưng cùng chung hoàn cảnh du học sinh xa nhà, chúng tôi rất đùm bọc và thân thiết, có món gì ngon cũng mời nhau đến nhà ăn, chia nhau từng gói mì tôm, gói gia vị, tai nấm hương…
Một năm sống ở Anh, tôi đã gặp và nói chuyện với người của cả 5 châu lục. Giữa cuộc sống bộn bề bon chen và nhiều vụ lợi, nghi ngại, tôi không chuẩn bị để gặp được những người tốt như vậy. Từ chỗ là đất nước tôi chọn du học, nước Anh đã trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi, nơi tôi háo hức trở về sau mỗi ngày đi học, mỗi chuyến du lịch, chính bởi lòng tốt, sự quan tâm, thân thiện và sự bình yên của nơi đây.
Ngày tạm biệt nước Anh, vẫn 2 vali, một balô, nhưng tôi biết hành trang của tôi nhiều hơn thế. Đó là những trải nghiệm của một năm hoàn toàn tự lập, hay những thói quen nhỏ còn duy trì khiến khi về Việt Nam. Tôi cảm thấy mình đã trở thành người tốt hơn. Chẳng hạn khi đi mua hàng dặn người bán không cần cho túi ni-lông, khi gặp một du khách ngơ ngác trên đường, tôi biết tiến lại gần hỏi thăm và giúp đỡ. Và lòng tôi khắc khoải khát khao trở lại đất nước mà tôi luôn thương nhớ, để lại thấy bầu trời xanh trong thật gần, với những con người luôn thong thả và tưởng như xa cách, nhưng trái tim đầy đôn hậu và tử tế.
Đàm Bích Lộc
Từ ngày 3/9 đến 3/10, Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Hội đồng Anh tổ chức cuộc thi "Nước Anh trong mắt tôi" để có thể chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ, ấn tượng hoặc kỷ niệm về nước Anh thông qua quãng thời gian đã sống, học tập và du lịch trên đất nước này. Cuối chương trình, tác phẩm hay nhất sẽ nhận vé máy bay khứ hồi hạng phổ thông hành trình từ Việt Nam đến London, Anh. Ngoài ra, chương trình còn có hai giải nhì, mỗi giải là một voucher du lịch trị giá 10 triệu đồng; 2 giải ba, mỗi giải là một voucher phòng ở 3 đêm cho 2 người tại khách sạn Grand Mercure Danang; một giải bài dự thi được yêu thích nhất, máy tính bảng Samsung Galaxy Tab 3V. Gửi bài dự thi tại đây.