Cục Khí tượng thủy văn Hàn Quốc hôm nay phát hiện một trận động đất mạnh 2,7 độ xảy ra ở tỉnh Bắc Hamgyong, gần khu vực thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Các chuyên gia và nhà quan sát tin rằng đây là dấu hiệu mới nhất chứng tỏ núi Punggye-ri đã bị yếu đi rất nhiều sau vụ thử hạt nhân lần sáu, Reuters hôm nay đưa tin.
Ông Kim So-gu, giám đốc Viện Địa chấn Hàn Quốc, cho rằng vụ nổ trong vụ thử hạt nhân ngày 3/9 có sức công phá lớn đến mức có thể đã làm sập các đường hầm trong lòng núi Punggye-ri, khiến khu vực này không thể tiếp tục sử dụng cho bất cứ vụ nổ hạt nhân nào nữa.
"Khu vực này hiện khá yếu. Nếu tiếp tục vụ thử hạt nhân khác, nó có thể gây nên nguy cơ ô nhiễm phóng xạ", ông Kim nói.
Theo trang 38 North, các hình ảnh vệ tinh cho thấy có nhiều vụ lở đất ở khắp khu vực Punggye-ri sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu. Những trận lở đất này có cường độ lớn hơn và xảy ra trên khu vực rộng hơn so với các vụ thử trước đó.
Vụ nổ sau vụ thử hạt nhân lần này lớn đến mức khiến người dân Trung Quốc ở thành phố biên giới Diên Cát, tỉnh Cát Lâm, cách địa điểm thử hạt nhân đến 200 km, cảm nhận được rung chấn.
Ông Hong Tae-kyung, giáo sự về cấu trúc trái đất tại Đại học Yonsei, Hàn Quốc, cho biết nguyên nhân núi Punggye-ri được chọn làm điểm thử hạt nhân vì khu vực này được coi là ổn định và trước đây ít bị chấn động. Tuy nhiên, những trận động đất nhỏ gần đây cho thấy các vụ thử hạt nhân có thể đã gây nên biến dạng vỏ Trái Đất, khiến ngọn núi có nguy cơ bị sập.
Khánh Lynh