Từ nhiều thập kỷ trước, thế giới chứng kiến cuộc đua "đối mới hay là chết" ở lĩnh vực công nghệ. Kết quả là một danh sách dài các sản phẩm hữu ích và hào nhoáng ra đời. Tuy nhiên, tốc độ đổi mới quá nhanh khiến thiết bị công nghệ liên tục được thay mới, sinh ra hàng đống rác thải điện tử.
"Tốc độ phát triển quá nhanh, làm cho sự lỗi thời của các sản phẩm công nghệ diễn ra trong thời gian ngắn, đang làm mọi thứ tệ hơn. Mọi người giờ đây đổi máy tính sau mỗi ba tới bốn năm, còn điện thoại chỉ một tới hai năm", Jim Puckett, CEO Basel Action Network, một tổ chức giám sát rác thải điện tử có trụ sở tại Seattle, nhận xét. "Đó là một ngọn núi đang không ngừng cao lên".
Dữ liệu do Liên Hợp Quốc công bố 2020 cho thấy, thế giới đã tạo ra 53,6 triệu tấn chất thải điện tử năm 2019, nhưng chỉ 17,4% trong đó được tái chế. Số rác này chủ yếu được vận chuyển đến các nước đang phát triển, tạo nên gánh nặng cho những quốc gia này. Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) ước tính, "một lượng điện tử đã qua sử dụng chưa xác định từ Mỹ và những nước phát triển đã được chuyển đến các nước đang phát triển - những quốc gia không có khả năng từ chối nhập khẩu hoặc xử lý những vật liệu này một cách phù hợp".
Năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo việc xử lý chất thải điện tử có thể gây ra một loạt "tác động xấu đến sức khỏe trẻ em", như thay đổi chức năng phổi, tổn thương DNA và tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính như ung thư.
Ngoài ra, thống kê của WHO cho thấy hơn 18 triệu trẻ em và thanh thiếu niên hiện "tích cực tham gia" vào ngành công nghiệp xử lý chất thải điện tử, nhưng chủ yếu là tiếp xúc trực tiếp tại các bãi rác. "Trẻ em và thanh thiếu niên được thuê để lùng sục trong hàng núi rác thải điện tử nhằm tìm kiếm các vật liệu có giá trị như đồng và vàng, bởi vì bàn tay nhỏ bé của chúng khéo léo hơn người lớn", WHO cho biết.
Sự vào cuộc của cơ quan quản lý
Cuộc khủng hoảng về môi trường ngày càng tăng do rác thải điện tử gây ra đang thu hút sự chú ý của nhiều chính phủ toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) tháng trước thông qua luật mới yêu cầu tất cả điện thoại và thiết bị điện tử phải sử dụng bộ sạc tiêu chuẩn.
Ba nhà lập pháp của Mỹ gồm Ed Markey, Elizabeth Warren và Bernie Sanders cũng lên tiếng kêu gọi làm theo. Trong thư gửi lên Bộ Thương mại Mỹ, nhóm này cho rằng chính sách mới của EU "có khả năng giảm đáng kể rác thải điện tử và giúp người tiêu dùng bớt mệt mỏi khi phải lục tung ngăn kéo chứa đầy các bộ sạc rối rắm". Nhóm cũng yêu cầu kiểm soát các công ty lớn để tránh phát sinh thêm nhiều rác thải điện tử trong tương lai.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng vấn đề kiểm soát rác điện tử hiện vẫn manh mún hoặc chỉ dừng ở mức ý tưởng. Trong khi đó, các công ty thiết bị số cũng như người tiêu dùng có thể phải tiếp tục chủ động và tìm ra những cách tốt hơn để xử lý các thiết bị điện tử cũ trong tương lai.
Người dùng và doanh nghiệp cần làm gì
Khi còn là kỹ sư làm việc trong bộ phận công nghệ thông tin của một công ty đa quốc gia, Corey Dehmey đã tìm hiểu xem cần làm gì với những chiếc máy tính cũ. Giờ đây, với tư cách là CEO của tổ chức Sustainable Electronics Recycling International (SERI), ông đang cố gắng giải quyết vấn đề rác thải điện tử bằng cách tăng cường hợp tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và người tiêu dùng.
"Rác điện tử là kết quả của việc không lập kế hoạch cho sản phẩm trong suốt vòng đời của nó. Vì vậy, khi một sản phẩm ra mắt, mỗi công ty cần nghĩ đến việc chúng sẽ được xử lý thế nào sau khi nó hết giá trị sử dụng", ông nói.
SERI hiện đưa ra một chuẩn riêng về tái chế chất thải điện tử nhằm đảm bảo các cơ sở xử lý đúng cách. Tổ chức này cũng thường xuyên tổ chức sự kiện đến doanh nghiệp và cộng đồng nhằm nâng cao ý thức về rác thải điện tử, cũng như tham gia vận động để gây áp lực cho các công ty và chính phủ kiểm soát việc phát triển sản phẩm điện tử mang tính bền vững hơn.
Một số công ty bắt đầu đưa ra các sáng kiến để giúp sửa thiết bị cũ. Từ đầu năm, Apple và Samsung đã cung cấp linh kiện cho phép người dùng tự sửa chữa smartphone của mình. Cuối năm nay, Google có thể làm điều tương tự trên điện thoại Pixel.
EPA cho rằng mỗi người dùng cũng có thể thay đổi suy nghĩ của mình về thiết bị điện tử như cách nghĩ về ôtô: Không nên vứt bỏ và mua xe mới, thay vào đó nên sửa chữa chúng nếu còn dùng được.
Bảo Lâm (theo CNN)