Các nhà khoa học nhận thấy Erebus, núi lửa còn hoạt động cao nhất ở Nam Cực, phun ra những hạt bụi vàng cùng với khí gas. Trên thực tế, những nhà địa chất học Mỹ phát hiện điều này lần đầu tiên năm 1991. Nghiên cứu gần đây cho kết quả nhất quán với phát hiện năm 1991. Cả khi đó và hiện nay, chuyên gia tìm thấy vàng trong khí gas thải ra từ núi lửa cũng như tuyết xung quanh, Interesting Engineering hôm 19/4 đưa tin.
Đánh giá của các nhà khoa học chỉ ra lượng vàng phun ra hàng ngày khoảng 80 g, trị giá 6.000 USD. Philip Kyle, nhà nghiên cứu ở Viện khai thác mỏ và công nghệ New Mexico ở Socorro, giải thích số vàng đó có thể có nguồn gốc từ đá núi lửa. Khi dung nham từ ngọn núi cao 3.794 m phun ra khí gas nóng, cuốn theo một phần bụi vàng vào không khí. Núi lửa Erebus phun ra bụi vàng cỡ 0,1 - 20 micromet trong khí gas và 60 micromet ở tuyết xung quanh. Erebus nằm trong số 138 núi lửa hoạt động ở Nam Cực, ở trên đảo Ross. Đây là một trong hai núi lửa hoạt động trong vùng và phun bụi vàng mỗi ngày.
Nhà nghiên cứu Conor Bacon ở Đài quan sát Trái Đất tại Đại học Columbia, New York, cho biết núi lửa này phun trào liên tục từ năm 1972. Theo Bacon, Erebus có một hồ dung nham ở một miệng hố trên đỉnh của nó. Hồ dung nham như vậy thực sự khá hiếm do đòi hỏi điều kiện riêng biệt để đảm bảo bề mặt không bao giờ đóng băng.
Bacon suy đoán núi lửa Erebus và đảo có số lượng thiết bị theo dõi vĩnh viễn hạn chế, chủ yếu bao gồm địa chấn kế để phát hiện hoạt động địa chấn gắn liền với núi lửa. Đôi khi, các nhà nghiên cứu sẽ triển khai mạng lưới thiết bị bao quát hơn nhằm tiến hành khảo sát, nhưng hoạt động đó thường đi kèm thách thức to lớn về mặt vận chuyển do với những núi lửa khác dễ tiếp cận hơn trên thế giới.
An Khang (Theo Interesting Engineering)