Ảnh từ vệ tinh GOES-West của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy sự phát triển của núi lửa Mauna Loa khi phun trào và cột khí cùng tro bụi bốc lên. Mauna Loa có niên đại từ 700.000 đến một triệu năm tuổi, là núi lửa còn hoạt động lớn nhất thế giới với đỉnh núi nằm ở độ cao 3.962 m so với mực nước biển. Núi lửa này không phun trào từ năm 1984. Vụ phun trào hiện nay xảy ra bên trong hõm chảo ở đỉnh núi gọi là Moku'āweoweo, nhưng dung nham ở đỉnh có thể nhìn thấy từ thị trấn Kona ở cách đó 48 km.
Dựa trên những sự kiện quá khứ, giai đoạn đầu trong quá trình phun trào của Mauna Loa có thể rất dữ dội, vị trí và hướng di chuyển của dòng dung nham có thể thay đổi nhanh chóng, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), cho biết. Nếu vụ phun trào vẫn ở trong Moku'āweoweo, dòng dung nham nhiều khả năng sẽ bị giới hạn bên trong thành hõm chảo. Tuy nhiên, nếu mạch phun trào dịch chuyển ra bên ngoài thành, dòng dung nham sẽ di chuyển nhanh chóng xuống sườn núi.
USGS cảnh báo dung nham từ vụ phun trào có thể chảy xuống núi, hướng tới các thị trấn. Mối đe dọa thực sự liên quan tới tốc độ phun trào. Mauna Loa có xu hướng phun trào ở tốc độ nhanh hơn Kilauea và dòng dung nham dễ tràn vào khu dân cư.
Kilauea, núi lửa lân cận cũng nằm trên đảo Hawaii (hay còn gọi là Đảo Lớn), phun trào thường xuyên hơn Mauna Loa, nhưng núi lửa Mauna Loa hoạt động dữ dội và do đó nguy hiểm hơn. Vụ phun trào này có thể đe dọa những cộng đồng quanh đó nếu diễn ra dọc đới tách giãn, theo Rajeev Nair, giáo sư khoa học Trái Đất ở Đại học Calgary. Thậm chí nếu không ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng, vụ phun trào lớn ở Mauna Loa eruption vẫn có khả năng cô lập cộng đồng.
Tro bụi và khí thoát ra từ núi lửa cũng có thể tràn qua khu dân cư, đe dọa người dân. Cơ quan quản lý khẩn cấp Hawaii thông báo lớp tro dày 0,6 cm sẽ bao quanh núi lửa Mauna Loa và bay theo hướng gió. Cơ quan này khuyến cáo người dân gặp vấn đề hô hấp cần ở trong nhà và đeo khẩu trang. Khi núi lửa Mauna Loa tiếp tục phun trào, điều kiện có thể thay đổi nhanh chóng. Trong vụ phun trào năm 1950, dung nham di chuyển từ mạch phun ở độ cao 3.048 m xuống biển chỉ trong 3 giờ.
An Khang (Theo Newsweek)