Các nhà khoa học phát hiện sườn phía đông nam của núi lửa Etna ở Italy đang nhô cao trên mặt đất và chìm xuống biển cùng lúc, Live Science đưa tin. Hai vận động này có thể dẫn tới nguy cơ sụp đổ sườn núi, theo nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Science Advances hôm 10/10.
"Chúng ta cần hiểu rõ hơn sự chuyển dịch này diễn ra như thế nào và những tác nhân nào có thể gây ra sự sụp đổ", Morelia Urlaub, nhà nghiên cứu địa động học hải dương ở Trung tâm nghiên cứu đại dương GEOMAR Helmholtz tại Kiel, Đức, cho biết. Etna là núi lửa lớn nhất và hoạt động mạnh nhất ở châu Âu. Ngọn núi này liên tục hoạt động từ năm 6000 trước Công nguyên và đang ở chu kỳ phun trào kéo dài từ tháng 9/2013, theo Chương trình núi lửa học toàn cầu của Viện Smithsonia.
Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu vệ tinh và các phép đo GPS. Họ quan sát thấy sườn đông nam của núi lửa Etna đang tiến dần về phía biển trong ít nhất 30 năm qua. Hồi tháng 3, các nhà khoa học đến từ Đại học Mở ở Anh báo cáo sườn núi dịch chuyển trung bình khoảng 14 milimet mỗi năm trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến 2012.
Theo Urlaub, giới nghiên cứu đang tranh cãi kết quả trên là do magma chuyển động phía dưới và trong lòng núi hay do ảnh hưởng của trọng lực. Núi lửa Etna thường xuyên phun vật chất lên sườn núi, và trọng lực kéo vật chất mới theo chiều hướng xuống. "Đó là điều phổ biến với núi lửa lớn. Chúng mở rộng ở chân núi", Urlaub nói.
Sườn núi tiếp tục nằm dưới bờ biển Sicily và Địa Trung Hải. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào đo mức độ dịch chuyển xuống dưới mực nước biển của sườn núi. Sử dụng mạng lưới cảm biến dưới đáy biển, Urlaub và cộng sự đo cách âm thanh truyền giữa các bộ tiếp sóng cách 90 phút từ tháng 4/2016 đến tháng 7/2017. Thời gian âm thanh truyền đi hé lộ khoảng cách giữa các bộ tiếp sóng, qua đó nhóm nghiên cứu có thể phát hiện bất kỳ thay đổi nào ở đáy biển trong thời gian nghiên cứu.
Họ nhận thấy trong 8 ngày vào tháng 5/2017, một đứt gãy ở sườn ngầm của núi lửa dịch chuyển 4 cm. Đây không phải là động đất bởi sự chuyển dịch diễn ra không kèm theo sóng địa chấn mà là hiện tượng trượt nghiêng. Khu vực nơi nhóm nghiên cứu đo hiện tượng trượt nghiêng cách xa buồng magma ở trung tâm của Etna. Điều đó có nghĩa dịch chuyển trên không phải do magma dâng lên bên trong buồng chứa ngầm dưới lòng đất của núi lửa. Nó do tác động của trọng lực gây ra.
"Từ những núi lửa khác trong ghi chép địa chất, chúng tôi biết thảm họa sụp đổ kiểu này gây ra sạt lở đất cực lớn và nhanh. Nếu đất sạt lở rơi xuống biển, chúng có thể tạo nên sóng thần", Urlaub nhấn mạnh. Nhóm nghiên cứu nhận định cần theo dõi kỹ hơn để phát hiện bất kỳ thay đổi nào về vận động của sườn núi và ước tính nguy cơ sụp đổ.