Quân đội và hàng trăm nghìn người đã phải tháo chạy khi phiến quân Hồi giáo tràn vào chiếm lấy thành phố Mosul và phần lớn tỉnh Nineveh hôm 10/6. Những kẻ tham gia cuộc tấn công thuộc lực lượng tự xưng "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông" (ISIS), còn gọi là ISIL, một nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda.
Mosul là thủ phủ tỉnh Nineveh, có 1,8 triệu dân và là thành phố lớn thứ hai ở Iraq. Người dân tại đây cho biết cờ phiến quân được treo khắp các tòa nhà còn lực lượng Hồi giáo phát loa phóng thanh tuyên bố họ "đến để giải phóng thành phố".
"Tình hình hiện tại vô cùng hỗn loạn. Chúng tôi rất sợ", BBC dẫn lời Umm Karam, một công chức nhà nước, cho biết. Một quan chức người Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định 48 nhân viên thuộc cơ quan ngoại giao của nước này đã bị bắt làm con tin. Ngoài ra, nhiều đồn cảnh sát bị đốt, các phạm nhân trong trại giam thì được thả tự do.
Lực lượng nổi dậy sau đó tiếp tục tấn công thành phố Tikrit, quê hương của cố tổng thống Saddam Hussein, cách thủ đô Baghdad 150 km về phía bắc.Giao tranh ác liệt nổ ra giữa quân đội Iraq và các tay súng ISIS. Nhiều khu vực ở thành phố này và các thị trấn lân cận cũng bị chiếm đóng.
Đại diện của ISIS hôm nay tuyên bố lực lượng này sẽ nhanh chóng tiếp cận thủ đô Baghdad và Karbala, một thánh địa linh thiêng đối với người Hồi giáo. Thủ tướng Iraq Nouri Maliki phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki lập tức bày tỏ quan ngại về tình hình Iraq và cho biết Washington ủng hộ "các giải pháp mạnh mẽ để đẩy lùi hành động xâm lược này".
Josh Earnest, phát ngôn viên Nhà Trắng, hôm 10/6 cam kết chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho quân đội Iraq, đồng thời có sự hỗ trợ thích hợp. "Chúng tôi vừa chuyển cho phía Iraq 300 tên lửa, hàng triệu băng đạn cùng vô số đạn pháo, lựu đạn và đủ loại súng", ông Earnest nói.
Chính phủ Iraq đang phải vật lộn với cuộc xung đột sắc tộc nghiêm trọng trong nước. Lợi dụng mâu thuẫn giữa chính quyền với cộng đồng người Arab Sunni thiểu số, lực lượng ISIS liên tiếp khuấy động chiến tranh từ năm ngoái.
Tổ chức này tiến quân vào Iraq và cả Syria với mục đích thiết lập vùng lãnh thổ riêng nằm vắt qua biên giới hai nước. Hậu quả của cuộc nổi dậy là hơn 8.860 chết tại Iraq trong năm 2013. Riêng tháng trước, ít nhất 800 người thiệt mạng, bao gồm 603 dân thường.
Trần Trang