16h ngày 30/9, siêu bão Wutip càn quét các huyện ven biển tỉnh Quảng Bình khiến hàng nghìn ngôi nhà bị sập hoặc tốc mái. Nhiều trường học, trạm y tế, trụ sở... bị hư hại nặng phải đóng cửa. Hệ thống điện lưới, mạng điện thoại di động vẫn chưa được khắc phục.
Nằm trên đường đi của tâm bão, thị trấn Ba Đồn cùng các xã Quảng Phúc, Quảng Thọ, Quảng Xuân, Quảng Hưng của huyện Quảng Trạch phải hứng chịu những cơn gió giật tới cấp 14 và chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều hộ dân đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất, nhà cửa đổ nát chưa kịp dựng lại.
Ngồi bần thần bên căn nhà trống hoác, cụ Nguyễn Thị Tước (84 tuổi, xã Quảng Thọ) bảo vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại thời khắc bão đổ bộ. Chỉ trong vài tiếng, cơn cuồng phong đã "hốt" gọn phần mái căn nhà nhỏ của bà cụ độc thân.
"Đời tôi sống ngót trăm tuổi, đây là lần thứ 2 chứng kiến cơn bão dữ như vậy. Bão tiến vào rất nhanh và mạnh khiến không ai kịp trở tay. Chập tối, gió thốc tới, căn nhà rung bần bật. Tôi chỉ kịp lao sang nhà hàng xóm không kịp đem theo đồ đạc gì", cụ bà nhớ lại và cho biết nửa đêm lọ mọ lần về nhà thì đã thấy cảnh tan hoang.
* Ảnh: Tan hoang ở tâm bão Ba Đồn |
Chung tâm trạng âu lo, bà Trần Thị Loan (hàng xóm của cụ Tước) kể, nghe đài báo bão lớn, dù đã đề phòng nhưng không thể tưởng tượng sức gió lại mạnh đến vậy. "Căn nhà kêu răng rắc, mái nhà chuyển động rồi từng viên ngói bị gió nhấc lên. 5 người nhà tôi, trong đó có một bé hơn 4 tháng tuổi và cụ già ngoài 80 tuổi phải chui vào góc bếp trú ẩn”, bà Loan nhớ lại.
Các cụ cao niên ở Ba Đồn, Quảng Trạch cho hay, rất lâu rồi, có đến cả nửa thế kỷ vùng này mới đón một trận siêu bão như bão Wutip. Hơn 4 tiếng quần đảo, càn quét, bão Wutip đã cuốn phăng vô số mái nhà, nhiều biển quảng cáo, mái tôn...
"17h là lúc bão mạnh nhất. Trên trời, mái tôn, gạch ngói, cây cối bay tứ tung, nhiều thứ bị cuốn ra tận cánh đồng", anh Trần Văn Hùng (xã Quảng Hưng) kể lại.
Sáng 1/10, các gia đình ở huyện Quảng Trạch tập trung thu dọn đống đổ nát, dựng lại nhà cửa... Lùa vội bát mì tôm để còn leo lên lợp lại mái ngói, anh Mai Văn Dũng bảo, vợ chồng mới cưới nhau dồn được chút tiền dựng căn nhà nhỏ nhưng trận bão đêm qua đã cuốn bay tất cả, giờ gia đình lại lâm vào cảnh tay trắng.
Cùng hoàn cảnh, bà Võ Thị Định (xã Quảng Xuân) cho biết, đi sơ tán về đã "chết lặng" khi thấy căn nhà bị tốc sạch mái, đồ đạc cũng bị gió "khiêng" hết ra đồng. Dù tuyệt vọng nhưng bà định vẫn phải vay tiền bà con làng xóm để đi mua ngói lợp lại nhà cho người con trai tật nguyền và đứa cháu nội mới sinh có chỗ trú mưa nắng.
Ông Phạm Văn Lương, Trưởng thôn Thanh Lương (xã Quảng Xuân) cho biết, thôn có hơn 370 hộ dân thì tất cả đều bị thiệt hại. "Đời sống nhân dân đang rất bi đát, gạo thóc ướt hết, mỳ tôm dự trữ thì chưa mua được", ông Lương nói.
Hiện, ở Quảng Trạch mới chỉ có các cửa hàng vật liệu xây dựng mở cửa trở lại. Ngói và tấm lợp hiện là hai mặt hàng bán chạy nhất. Nhiều gia đình phải đi xa vài chục km mới mua được ngói.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó phòng dự báo khí tượng ngắn hạn, Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương đánh giá, đây là cơn bão có đường đi rất phức tạp. Nó di chuyển khá nhanh với sức gió giật cấp 12, 13 sau đó tăng lên 16, 17 trước khi đổ bộ vào đất liền. Một số nơi gió có cường độ giật mạnh nhất là ở Tuyên Hóa (Quảng Bình) giật cấp 10; Ba Đồn giật cấp 14; Đồng Hới cấp 12. "Wutip được thống kê là cơn bão mạnh hiếm thấy, mạnh tương đương bão Xangsane", ông Hưởng nói. Cơn bão Xangsane được ghi nhận là lớn nhất từ trước đến nay đổ bộ vào miền Trung năm 2006. Riêng Đà Nẵng, nơi tâm bão đi qua, đã có 26 người chết, gần 10.000 nhà sập, 73.000 nhà khác tốc mái. Bão đã kéo lùi sự phát triển của thành phố này tới 10 năm. Cũng theo ông Hưởng, cơn bão lần này hình thành trên biển Đông và được Trung tâm theo dõi sát sao. Trong đợt dự báo lần này, các đài dự báo Mỹ, Nhật, Hong Kong đưa ra dự báo rất khác nhau. Cụ thể, vào ngày 28/9, tức là trước thời điểm bão đổ bộ hai ngày, Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương dự báo bão đi giữa khu vực Quảng Bình. Đài Hong Kong cũng dự báo tương tự. Nhưng Đài Khí tượng của Nhật Bản lại dự báo tâm báo ngược lên Đèo Ngang, tức là qua Quảng Bình, ngược lên Hà Tĩnh. Còn Mỹ dự báo bão đi vào giữa Huế. Đến sáng 30/9, khi bão chuẩn bị đổ bộ vào đất liền cũng có các dự báo khác biệt giữa các Trung tâm dự báo các tỉnh. "Điều đó cho thấy phần nào sự phức tạp của bão Wutip", ông Hưởng nói. Bão Wutip đi vào đất liền khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ, từ 16h bão bắt đầu tấn công vào miền Trung mà tâm bão là tỉnh Quảng Bình thì đến khoảng 19h bão đã đi qua khu vực này, sang biên giới Việt - Lào. |
Lê Hoàng - Hương Thu