"Các đối tác chính của chúng tôi trong tình hình hiện tại là Trung Quốc - với thị phần hiện xấp xỉ 45-50%. Ngoài ra còn có Ấn Độ. Trước đây, chúng tôi gần như không bán dầu sang Ấn Độ, nhưng sau 2 năm, nguồn cung sang nước này đã tương đương 40%", ông cho biết trong bài phát biểu hôm 27/12.
Ngược lại, thị phần của châu Âu từ 40-45% trước chiến sự hiện chỉ còn khoảng 4-5%. Một năm qua, Nga tích cực chuyển hướng bán năng lượng từ phương Tây sang châu Á, tận dụng tối đa đội tàu cũ để vận chuyển dầu thô. Chiến sự tại Ukraine đã khiến phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên Nga, đồng thời tìm cách tránh phụ thuộc vào nguồn năng lượng nước này.
Tuần trước, trong cuộc họp của Hội đồng Phát triển Chiến lược và Dự án Quốc gia, Phó thủ tướng Andrei Belousov cũng cho biết xuất khẩu dầu Nga năm nay đã vượt 7% so với số liệu năm 2021, lên tổng cộng 250 triệu tấn. Nếu quy ra giá trị, xuất khẩu năng lượng của Nga cũng bằng mức năm 2021.
Trong bài phát biểu hôm nay, ông Novak khẳng định Nga sẽ tuân thủ quota sản xuất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), nhằm đảm bảo ngành dầu mỏ phát triển ổn định. Ông cũng nói thêm rằng Nga và các nước sản xuất dầu khác không nhắm tới một mức giá cụ thể nào khi đưa ra chiến lược về sản xuất.
Hôm 30/11, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) thông báo sẽ giảm sản xuất 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý I năm sau. Họ tập trung vào vấn đề giảm sản lượng khi giá dầu đã giảm gần 20% kể từ cuối tháng 9.
Novak cho biết các nhà phân tích dự báo giá dầu thô Brent năm tới vào khoảng 80-85 USD một thùng. Gần đây, giá dầu này chỉ quanh 81 USD, giảm mạnh so với gần 98 USD cuối tháng 9.
Hà Thu (theo Reuters)