"Khi tàu container đồ sộ rẽ hướng và áp sát, tôi mới dám nghĩ mình và mọi người được sinh ra lần nữa", thuyền trưởng Huỳnh Văn Bạn, 37 tuổi, cùng 13 ngư dân, được tàu Barzan (quốc tịch Đức) cứu ở vùng biển Bình Thuận vào trưa qua, kể.
Sáng nay anh Bạn cùng đồng nghiệp được tàu Cảnh sát biển đưa về TP Vũng Tàu, bàn giao cho đoàn công tác tỉnh Bình Định vào đón. Vừa bước khỏi cabin tàu, thuyền trưởng ôm chầm lấy vợ, cả hai bật khóc.
Chưa hết bàng hoàng, anh Bạn kể hôm 3/11, tàu rời cảng Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định, ra đánh bắt ở ngư trường gần đảo Phú Quý, Bình Thuận. Chuyến đi biển thường kéo dài gần một tháng. Sau hơn hai tuần trời yên biển lặng, tàu vây lưới bắt được hơn 22 tấn cá. Anh dự tính cất vài mẻ rồi trở về đất liền thì gặp thời tiết giông gió, sóng cao 3-4 m.
Đêm 20/11, thuyền trưởng lệnh nhổ neo chạy tìm ngư trường để thả lưới, lúc này biển vẫn động, sóng lớn. Khi tàu cách đảo Phú Quý 92 hải lý (hơn 165 km), anh Bạn cùng mọi người đang ngủ bị đánh thức bởi tiếng động rất lớn. Chiếc tàu chết máy ngay sau đó, nước tràn vào bên trong mỗi lúc một nhiều.
Các thuyền viên chia sau bơm, tát nước cứu tàu nhưng bất lực. Thuyền trưởng gọi cứu nạn khẩn cấp trước khi mặc áo phao cùng mọi người lên thúng thoát thân. "Tàu chìm quá nhanh, tôi cùng anh em hoảng quá, phần chiếc thúng quá bé nên không thể chở theo thức ăn, nước uống", anh Bạn kể, cho biết từ khi phát hiện nước vào đến lúc tàu chìm hẳn khoảng hai tiếng.
Chiếc thúng thường ngày chở 4-5 người nay "gồng gánh" tới 14 thuyền viên khiến mạn chỉ cao hơn mặt nước chưa tới 10 cm. Thúng bị sóng đánh trôi, nước liên tục tràn vào. Anh Bạn và cùng mọi người thay phiên nhau nhảy xuống biển để giảm tải, một hai người ở lại dùng ca nhựa tát. Thúng nổi, họ lại lại trèo lên ngồi co ro sát bên nhau để giữ ấm cơ thể.
Khi trời hửng sáng, mỗi khi thấy tàu hàng chạy ngang qua, cả nhóm vẫy tay mong được cứu giúp nhưng bất thành vì khoảng cách quá xa. "Dù có lúc nghĩ đến tình huống xấu nhất, nhưng mọi người động viên nhau không ai được bỏ cuộc. Kể cả trường hợp chiếc thúng bị sóng đánh úp cũng phải bơi gần nhau", thuyền trưởng kể.
Sau hơn 12 giờ trôi dạt, thấy tàu chở container cách thúng chừng hơn 2 km vào trưa 20/11, họ cởi áo phao ra tín hiệu, ráng sức gọi to, hắt nước liên tục để người trên tàu hàng nhìn thấy. Hơn 10 phút sau, tàu giảm tốc độ, rẽ hướng tiếp cận thả phao bè đưa toàn bộ 14 ngư dân lên tàu, nấu đồ ăn, đắp chăn giữ ấm cơ thể.
"Tôi cảm xúc dâng trào, không thể tả được. Chúng tôi gặp may mắn khi được tàu cứu sớm. Nếu không khó có thể trụ được khi trời liên tục mưa, sóng mỗi lúc một cao, trong khi mọi người lả vì đói, cơ thể dần kiệt sức", anh Bạn nói.
Hơn một đêm ở trên tàu nước ngoài, các thuyền viên được chăm sóc chu đáo. Anh Bạn dùng phần mềm dịch trên điện thoại thông minh để giao tiếp và chuyển tải thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam. Mọi thông tin từ đất liền đều được thuyền trưởng thông báo cho nhóm ngư dân Bình Định.
Kế hoạch ban đầu, sau khi được cứu, các thuyền viên sẽ lên tàu cảnh sát biển Việt Nam chiều 20/11 để vào đất liền. Tuy nhiên do sóng to, gió lớn, thuyền trưởng tàu Barzan thông báo sẽ đi thẳng đến Singapore. Đến tối cùng ngày, phương án thay đổi, tàu đổi hướng rẽ vào TP Vũng Tàu để bàn giao ngư dân. Tàu cảnh sát biển 4034 rời bến ra khu vực biển cách TP Vũng Tàu khoảng 50 km, tiếp nhận 14 ngư dân lúc 6h hôm nay.
Sau nhiều năm đánh bắt thuê, anh Bạn tích cóp vốn liếng, đóng con tàu chi phí gần 6 tỷ đồng hành nghề lưới vây. 5 năm qua, vượt bao giông bão, tàu chưa từng xảy ra sự cố. "Chuyến đi này tàu đánh được rất nhiều cá nhưng thật không may", anh nói và cho biết ngoài thiệt hại số cá giá trị hơn 600 triệu đồng, tàu chìm vùng biển sâu hơn 1.000 m nên không thể trục vớt.
Trải qua qua biến cố lớn và nợ đóng tàu chưa trả xong, nhưng thuyền trưởng nói sẽ tìm cách tiếp tục hành nghề. "Tôi vừa được sinh ra giữa biển khơi và nơi đó 18 năm qua mưu sinh nên tôi không nghĩ sẽ từ bỏ", anh Bạn nói.
Trường Hà