Bé trai quê Bạc Liêu tươi cười rạng rỡ trong vòng tay mẹ tại căn phòng săn sóc đặc biệt trước ngày xuất viện. Cả hai mẹ con đều trải qua những giờ khắc sinh tử nhiều căng thẳng trên bàn mổ lấy và ghép gan kéo dài hơn 12 giờ ngày 28/3.
Bé Khiêm chào đời năm 2007 bị teo đường mật bẩm sinh. Cậu bé từng trải qua phẫu thuật Kasai để duy trì sự sống những năm đầu đời. Bé nhiều lần nôn ói ra máu ồ ạt tưởng chừng không thể qua khỏi vì tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Ghép gan là giải pháp cuối cùng giúp cháu thoát cửa tử.
Bố và mẹ đều sẵn lòng hiến một phần thân thể để giành sự sống cho con. Cuối cùng gan của người mẹ 40 tuổi phù hợp nên được chọn hiến. "Chắc chắn sức khỏe sau khi hiến gan sẽ không thể như trước nhưng chỉ cần cứu được con thì người mẹ nào cũng không ngần ngại", bà mẹ 3 con nói.
Giáo sư Trần Đông A, cố vấn kíp mổ cho biết so với 10 ca ghép trước đó thì đây là ca đối diện với nhiều khó khăn trong cả lấy và ghép gan. Bé trai 10 tuổi có thể tích gan ghép lớn hơn so với những trẻ nhỏ dưới 2 tuổi mà bệnh viện thường thực hiện. Người mẹ có bất thường cấu trúc mạch máu gan nên phương pháp mổ lấy gan cũng khác biệt.
"Khó khăn chưa dừng lại khi 6 ngày sau ghép, bé có biến chứng tràn dịch dưỡng cấp. May mắn mọi diễn biến đã nằm trong dự liệu nên các bác sĩ đã xử lý kịp thời", giáo sư Đông A chia sẻ. Hiện bé không sốt, không còn vàng da, lên cân, ăn uống ngon miệng. Người mẹ cũng ổn định sức khỏe sau phẫu thuật 10 ngày.
Trong số 11 ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2, đây là ca thứ 8 mẹ hiến cho con. Một trường hợp trước đó là cô ruột hiến gan cho cháu và 2 người hiến khác là bố. 5 bà mẹ hiến gan sau đó đã mang thai và sinh thêm con. Phần gan hiến tặng của người cho thường tái sinh sau khoảng 3 tháng.
Bệnh viện đang theo dõi điều trị khoảng 200 trẻ teo đường mật bẩm sinh, đa số đều có chỉ định ghép gan. Quá trình ghép còn nhiều hạn chế do rào cản từ chi phí, khoảng cách địa lý, nguồn tạng hiến...
Lê Phương