Người trên ghế, người ngồi bệt dưới đất, tất cả đều hướng ánh nhìn về phòng kỹ thuật viên. Mỗi lần cánh cửa mở, nhân viên y tế đọc tên bệnh nhân được vào buồng để xạ trị. Những người còn lại tiếp tục ngồi chờ đợi đến lượt của mình, gương mặt lộ vẻ mệt mỏi.
Từ khoảng 20h, dãy ghế dài trước hành lang khoa Xạ trị đã chật kín bệnh nhân. Nhiều người lịch hẹn vào giữa đêm nhưng vẫn cố đến thật sớm, với hy vọng được chạy tia sớm. Nhưng tất cả phải phụ thuộc máy móc, máy không hỏng thì bệnh nhân xạ trị cuối cùng sẽ kết thúc vào 2h sáng hôm sau.
Giữa cái lạnh của ngày đông, người nào cũng ngồi co ro trên băng ghế nhựa. Có bệnh nhân mang theo cả chăn chiếu, tranh thủ nằm chợp mắt ngoài hành lang. Có người ngồi tựa vai vào người nhà bên cạnh.
"Nói chung bệnh nhân ai cũng muốn được xạ trị vào ban ngày, nhưng còn tùy theo lịch điều trị nên đành chấp nhận xạ vào ban đêm”, một bệnh nhân chia sẻ. Bệnh nhân này kết thúc lượt xạ trị của mình lúc 1h sáng.
Ông Dư Văn Năm, bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 2, thì chia sẻ: “Tôi vừa truyền hóa chất vừa phải xạ trị, lịch xạ trị tùy thuộc vào thời gian truyền hóa chất nên thường chạy tia vào đêm".
Cũng theo ông Năm, nhiều khi phải chạy tia xạ vào ban đêm song do tình trạng bệnh viện quá tải, nhiều bệnh nhân mà thiếu máy, nên "có máy để xạ trị ban đêm cũng là may lắm rồi".
Mỗi kíp trực của kỹ thuật viên chạy xạ thường 7-8 giờ, kể cả ban đêm. Ảnh: N.P. |
Tình trạng quá tải khu vực xạ trị ở Bệnh viện K Trung ương tồn tại từ lâu, bệnh nhân phải chạy tia vào đêm hôm gần như trở thành bình thường. Nguyên nhân là do số lượng người bệnh điều trị ở viện ngày càng tăng mà lại thiếu máy xạ trị.
Năm 2015, bệnh viện tiếp nhận gần 11.800 bệnh nhân, năm 2016 hơn 12.000, đến tháng 11/2017 đã hơn 15.000 người bệnh. Cả ba cơ sở của Bệnh viện K mỗi nơi chỉ có 6 máy xạ trị, đều phải sử dụng liên tục 22 trên 24 giờ, chỉ có hai giờ để máy nghỉ ngơi bảo dưỡng. Theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất, một máy xạ chỉ nên hoạt động trong 4 giờ phục vụ không quá 40 bệnh nhân.
Bệnh viện K cơ sở Tân Triều được thiết kế 6 buồng máy xạ trị nhưng hiện chỉ có ba máy, chia theo ba ca chạy xạ: 3h-10h, 10h-17h và 17h-24h. Mỗi ca làm việc trong bảy giờ, thực hiện chạy xạ cho khoảng 70-80 đến 100 bệnh nhân. Trên thực tế thông thường ca chạy tia buổi tối kéo dài đến tận 2h sáng hôm sau.
"Chúng tôi hầu như không có ngày nghỉ kể cả đêm, máy xạ chạy hết công suất để phục vụ bệnh nhân", kỹ thuật viên khoa xạ trị Đỗ Đắc Doanh nói.
Phó giáo sư Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) nhìn nhận: "Tình trạng quá tải ở khu xạ trị và phải làm việc đêm là do thiếu máy".
Theo ông Thuấn, việc xạ trị vào đêm hôm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, gây phiền hà; đồng thời cũng ảnh hưởng đến tâm tư, sức khỏe của cán bộ y tế.
Ông Thuấn cho biết sắp tới viện K không còn tình trạng bệnh nhân phải chạy tia về đêm nữa. Hiện Bộ Y tế đã đồng ý chủ trương cho phép bệnh viện mua thêm máy từ nguồn xã hội hóa.
"Chúng tôi sẽ cố gắng đến tháng 3/2018 có thêm khoảng 3-4 máy xạ trị nữa để phục vụ người bệnh", phó giáo sư Thuấn nói.
Nam Phương - Hà Lê