Ngày 12/5, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP HCM đã khởi tố, bắt giam Chien Chiu Fu (49 tuổi, quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến vụ việc, 5 người khác là Huỳnh Thị Trinh (32 tuổi), Nguyễn Đức Tài (22 tuổi, cùng ngụ Đồng Tháp), Phạm Văn Đông, Lê Trần Lộc, Mai Thế Vinh cũng bị bắt giam về hành vi này.

Chien Chiu Fu tại cơ quan điều tra. Ảnh: Q.T
Theo cơ quan điều tra, bà Xuân (55 tuổi, Việt kiều Mỹ) ngụ tại huyện Hóc Môn, mới đây nhận được cuộc điện thoại máy bàn. Người phụ nữ gọi đến thông báo rằng bà Xuân đang nợ gần 40 triệu đồng cước điện thoại, nghi liên quan đến việc giao dịch bất hợp pháp. Ngoài ra, sau vài câu hỏi, người này cho biết tài khoản của bà Việt kiều mở tại ngân hàng Sacombank (chi nhánh Ba Đình - Hà Nội) cũng liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy.
Hoang mang trước thông tin và giọng điệu của người gọi, bà Xuân muốn chứng tỏ mình vô tội nên rất hợp tác, sẵn sàng trả lời mọi câu chất vấn của "cơ quan chức năng". Sau khi “tự khai” số di động, bà liên tục nhận được nhiều cuộc gọi xưng là cán bộ VKSND Hà Nội, cảnh sát Bộ Công an. Những người này hù doạ và yêu cầu bà chuyển 2 lần tổng cộng 320 triệu đồng vào một tài khoản để xác minh tiền "sạch" hay bất hợp pháp. Đợi mãi không thấy "điều tra viên" chuyển trả tiền như đã hứa trước đó, bà Xuân tìm hiểu mới biết mình bị lừa.
Tương tự , 3 người khác cũng bị lừa khi chuyển cho cảnh sát dỏm hơn một tỷ đồng.

Tài và Trinh. Ảnh: Q.T
Vào cuộc điều tra, PC46 xác định hơn 800 triệu đồng đã được rút trót lọt.
Tại cơ công an, Fu khai, được kẻ cầm đầu tại Đài Loan thuê đến Việt Nam và trả lương 5.000 Nhân dân tệ (khoảng 15 triệu đồng) mỗi tháng. Nhiệm vụ của hắn là lôi kéo, dụ dỗ nhiều người lập tài khoản để bán cho hắn dùng vào việc lừa đảo. Những nghi can người Việt bị bắt lần này thừa nhận, dù biết thẻ ATM này dùng để lừa các nạn nhân chuyển tiền vào nhưng thấy có lợi nên vẫn thu mua rồi bán lại hàng chục thẻ.
Riêng Trinh, sau khi bán thẻ của mình được vài ngày, cô này đến ngân hàng báo mất xin cấp thẻ mới. Khi thấy 100 triệu đồng lừa đảo được chuyển vào tài khoản, Trinh rủ Tài đi rút hết và cho gã này 10 triệu.
Chiều cùng ngày, ông Lâm Nhạc Hiền - đại diện Tổng Cục Cảnh sát Đài Loan (Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại TP HCM) đã đến Phòng PC46 trao đổi chuyên môn liên quan đến các băng lừa đảo. Ông Hiền cho biết, ở Đài Loan các nhóm lừa kiểu này đã hoạt động được khoảng 7, 8 năm. Cảnh sát nước này đã bắt nhiều băng nhóm trong đó có người Việt Nam là các cô dâu lấy chồng Đài Loan hoặc xuất khẩu lao động nhưng bỏ trốn ra ngoài làm việc. “Phía cảnh sát Đài Loan đánh giá cao công tác điều tra của Phòng PC46 và mong muốn phối hợp để phá các nhóm lừa kiều này trong thời gian sớm nhất”, ông Hiền nói. |
Quốc Thắng
* Tên nạn nhân được thay đổi.