Bà Nguyễn Thị Tuệ, năm 1979 theo chồng sang Nhật sinh sống và làm việc. Muốn mua nhà tại Hà Nội, năm 1992, bà nhờ chú ruột là ông Nguyễn Văn Bình khi đó đang sinh sống tại thành phố Yên Bái mua giúp ngôi nhà hai tầng xây dựng trên mảnh đất gần 70m2 ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Bà đưa ông chú 36 cây vàng để thanh toán và bà Nguyễn Thị Vân được nhờ cùng đứng tên với ông Bình.
Năm 1993, ông Bình giao nhà cho bà Tuệ và trở về Yên Bái sống trong ngôi nhà có giá 120 chỉ vàng, do bà cho tiền mua.
Theo bà Tuệ, khi ông Bình đề nghị chuyển đến ngôi nhà ở Nghĩa Tân để trông coi giúp, bà đã đồng ý. Tuy nhiên, người chú đã đưa cả gia đình từ Yên Bái lên đây sinh sống mà không hỏi ý kiến gì.
Đến năm 2001 ông Bình và bà Vân được thành phố Hà Nội cấp sổ đỏ với tư cách đồng sở hữu ngôi nhà. Khi nữ Việt kiều biết việc này, ông Bình đã trao sổ đỏ cho cháu giữ. Trong năm này, bà Tuệ lập biên bản với ông Bình, bà Vân về việc xác nhận ngôi nhà là tài sản của bà.
Nhưng mọi quan hệ sau đó đã không còn tốt đẹp. Khi con trai bà Tuệ về Việt Nam để học, ông Bình đuổi không cho vào nhà ở. Theo bà Tuệ, những lần về Việt Nam, bà đều đến chính quyền phường Nghĩa Tân trình báo về việc đã sinh hoạt tại đây. Mọi tiện nghi, đồ đạc trong nhà đều do bà mua.
Nguyên đơn cho rằng trước sự “tham lam” của chú ruột, người trong gia đình không ai thuyết phục được ông trả lại nhà, đành lòng bà phải khởi kiện.
Tại bản án sơ thẩm tuyên lần thứ nhất vào tháng 10/2012, TAND Hà Nội chấp nhận yêu cầu khởi kiện "đòi tài sản" của bà Tuệ, yêu cầu ông Bình trả lại tài sản cho cháu gái. Một năm sau đó, bản án phúc thẩm đã sửa lại, tuyên bà Tuệ chỉ có quyền đòi lại 36 cây vàng đã để mua nhà.
Tại các phiên tòa, bác lại những điều bà Tuệ trình bày, ông Bình khẳng định ngôi nhà ở Nghĩa Tân do chính vợ chồng ông tích cóp, vay mượn để mua. Cô cháu gái chỉ cho thêm 36 chỉ vàng.
Bản án phúc thẩm sau đó bị TAND Tối cao kháng nghị khi chỉ ra trong đơn khởi kiện bà Tuệ không yêu cầu việc này. Do đó, việc tòa phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chưa đúng. Căn cứ hai biên bản kê khai tài sản và giấy cam đoan xác định tài sản nhà ở có chữ ký của ông Bình, bà Vân cùng chứng cứ là vợ, con ông Bình đều khẳng định ngôi nhà do bà Tuệ bỏ tiền ra nhờ mua, bản kháng nghị đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm và hủy cả hai bản án.
Quyết định giám đốc thẩm ra ngày 19/5/2015 đã chấp nhận nội dung kháng nghị, tuyên hủy hai bản án và xác định ngôi nhà trên thuộc sở hữu của bà Tuệ. Tuy nhiên, ông Bình cũng được xem xét công sức quản lý, gìn giữ ngôi nhà bằng cách xác định giá nhà đất theo giá thị trường ở thời điểm xét xử sơ thẩm trừ đi số tiền mua nhà đất do bà Tuệ bỏ ra rồi chia đôi.
Quyết định giám đốc thẩm giao hồ sơ vụ án cho TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm lại từ đầu. Ngày 23/5, TAND mở phiên xét xử sơ thẩm lần hai sau nhiều lần hoãn.
Tại phiên tòa, bà Tuệ giữ nguyên yêu cầu đòi nhà, cũng không đồng ý với quyết định trả công sức quản lý, giữ gìn ngôi nhà cho chú ruột. Bà cho rằng, ông Bình không những không có công mà còn làm cho ngôi nhà cùng những tài sản bị xuống cấp, hư hỏng. Bà nói trước tòa: “Chú tôi thật đấy nhưng tôi còn muốn đuổi ông ấy đi. Làm sao tôi lại phải nhờ trông nhà?”.
Ông Bình cũng vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng đó là nhà của mình, bà Tuệ chỉ cho ông một phần tiền nhỏ để mua sắm vật dụng sinh hoạt rồi ở nhờ mỗi khi từ Nhật về.
Ông nói người con trai của mình đứng ra chứng nhận sở hữu nhà cho bà Tuệ là “đứa hư hỏng”, cho rằng cháu gái đã lợi dụng xích mích giữa hai bố con để lôi kéo, dụ dỗ.
Với hai biên bản xác định nhà là của bà Tuệ do ông ký, dù có giám định của Viện khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) nhưng lúc ông Bình bảo đó là chữ ký giả, lúc khác nói đã bị lừa ký.
Chủ tọa phiên xử nhiều lần buồn rầu nói : “Vì tình cảm mà khi giao tiền các vị không có bất cứ giấy tờ biên nhận nào, mới dẫn đến kiện cáo như ngày hôm nay”. Chủ tọa nói thêm với bà Tuệ: “Các cụ nói mất cha còn chú. Trường hợp của bà chỉ là cá biệt, không phải chỗ nào ở Việt Nam cũng như vậy”.
Cho rằng có đủ căn cứ xác định ngôi nhà hai tầng ở Nghĩa Tân do bà Tuệ bỏ tiền nhờ ông Bình mua, TAND Hà Nội tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện, tuyên ngôi nhà trên thuộc sở hữu của nữ Việt kiều này. Ông Bình cùng gia đình phải trả lại tài sản cho cháu ruột.
Tuy nhiên, cũng như quyết định giám đốc thẩm, TAND Hà Nội tuyên bà Tuệ phải trả cho ông Bình phần công sức trông nom, gìn giữ, làm tăng giá trị của ngôi nhà theo thời gian. Cách tính giữ nguyên theo bản án giám đốc thẩm.
Rời phiên xử, bà Tuệ cho biết sẽ kháng án với lý do: "Đó là nhà của tôi, không cần ai trông giữ. Tôi không đòi tiền thuê nhà suốt ngần đấy năm là đã nể tình chú cháu lắm rồi".
Bảo Hà