21 tuổi, khi vừa tốt nghiệp khoa Sinh của Đại học Đà Lạt, Tiến sĩ Lê Thị Châu đã đầu quân về làm việc tại Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên. Sống ở vùng đất người dân chủ yếu làm nông nghiệp, chị luôn trăn trở việc giúp đỡ bà con nâng cao năng suất lao động.
Nghĩ là làm, từ ngày về viện, chị dành phần lớn thời gian để nghiên cứu những đề tài liên quan đến phát triển nông nghiệp. “Những năm đầu công tác, tôi và đồng nghiệp gặp phải không ít khó khăn. Trong khi cán bộ khoa học thì thiếu, cơ sở vật chất trang thiết bị lại nghèo nàn, để nghiên cứu được, mọi người phải lăn lộn đi thực địa, tìm tiêu bản rồi tự mày mò thí nghiệm", chị Châu nhớ lại.
Có lẽ vì những khó khăn đó, nên mỗi lần thử nghiệm cho kết quả thành công sau hàng trăm lần thất bại, chị gần như thức trắng đêm không ngủ được vì vui mừng. Những đề tài nghiên cứu của chị gắn liền thực tiễn và sau đó đưa cho bà con áp dụng rộng rãi. Trong đó có nhiều đề tài tiêu biểu như “Ứng dụng công nghệ vi sinh để bảo quản hoa quả làm thức ăn”; “Sử dụng nấm men để chế biến rượu vang dâu tằm”; “Sưu tầm bộ tiêu bản giống nấm lớn vùng Đà Lạt - Lâm Đồng”; “Sản xuất kim chi từ rau cải thảo bằng phương pháp lên men lactic”; “Sử dụng vi sinh vật trong chế biến thức ăn cho người và động vật nuôi”; “Nghiên cứu nuôi trồng loài nấm Sò Vua”…

Với Tiến sĩ Lê Thị Châu, hạnh phúc là khi được nhìn bà con nông dân ứng dụng thành công và có hiệu quả những nghiên cứu của mình.
Sau nhiều năm làm việc và miệt mài nghiên cứu, chị được đề xuất giữ chức vụ viện trưởng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện nghiên cứu khoa học Tây Nguyên.
Ở cương vị mới, Tến sĩ Châu vừa làm quản lý vừa nghiên để thỏa mãn đam mê. Mỗi năm, chị và tập thể các nhà khoa học của viện thực hiện gần 20 đề tài nghiên cứu lớn nhỏ, trong đó phần lớn đề tài, dự án nghiệm thu đều đạt loại khá trở lên. Một số đề tài chị đang thực hiện được đánh giá có tính khả thi cao như: “Ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi bò sữa cao sản tại Tây Nguyên”, “Xây dựng bộ mẫu động vật (trên đất liền) Trung Trung bộ và Tây Nguyên”...
Dù đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng nữ viện trưởng vẫn tiếp tục cống hiến thời gian và sức khỏe của mình cho phòng thí nghiệm và cơ quan. "Ngày nào còn làm việc, được cống hiến là tôi thấy vui và hạnh phúc rồi, chỉ mong sao bà con nông dân ngày càng có nhiều ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng và số lượng", Tiến sĩ Châu nói.
Chính nhờ tấm lòng cởi mở, thân thiện, chị được bà con nông dân trong vùng xem là nữ viện trưởng của mình, là hình mẫu của người “Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước”.

Những bóng hồng của Viện sinh học Tây Nguyên (Tiến sĩ Lê Thị Châu mặc áo dài đỏ, vị trí thứ 7 từ bên trái qua).
Được thành lập năm 1978, Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu khoa học tại Đà Lạt đã mang đến nhiều ứng dụng mới với hơn 100 đề tài khoa học từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước. Tây Nguyên với nhiều đồi núi, là vùng đất cần được cải tạo. Trong nhiều năm qua, không ít dự án, để tài nghiên cứu nhằm cải thiện đất, nước, lai tạo nhiều giống cây trồng mới… đã giúp Tây Nguyên từng bước phát triển.
Đồng hành cùng Viện ngay từ những năm đầu tiên, Tiến sĩ Lê Thị Châu đã có 35 năm gắn bó. "Là phụ nữ, chúng tôi phải đầu tư nhiều công sức và thời gian hơn để hoàn thành một đề tài. Dù vướng bận chuyện gia đình, con cái nhưng đa số các chị em trong Viện vẫn cố gắng sắp xếp để tiếp tục học tập, nâng cao trình độ và tham gia những chuyến công tác xa. Chỉ cần còn đam mê là chúng tôi vẫn tiếp tục gắn bó với công việc”, chị Châu chia sẻ thêm.
Với nhiều cống hiến cho khoa học, mới đây chị được trao giải “Phụ nữ tự tin tiến bước” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Công ty P&G và Saigon Coop tổ chức.
Kim Lài