Kết quả kể trên giúp Veronica Shanti đứng đầu vòng loại, nhưng sau đó xin rút không tham dự cuộc đua chung kết. Thành tích 22 giây 89 của Veronica diễn ra trong điều kiện lợi gió 1,9 m/s – cách ngưỡng giới hạn không được công nhận kết quả 0,01 giây.
Chân chạy sinh năm 1996 phá kỷ lục Đông Nam Á 23 giây 01 thuộc về VĐV Philippines Kristina Knott lập ở SEA Games 30, đồng thời phá kỷ lục Singapore 23 giây 46 do chính cô lập nên ở Commonwealth Games tại Anh tháng 8/2022.
Cũng tại giải đấu ở Australia, Veronica đạt thành tích 11 giây 37 nội dung 100m để phá kỷ lục Singapore. Thông số này tốt hơn HC vàng SEA Games 30 Lê Tú Chinh (11 giây 54) và HC vàng SEA Games 31 Kayla Richardson (11 giây 60).
Veronica Shanti Pereira nổi lên từ thể thao học đường Singapore. Cô tham dự từ SEA Games 28 tổ chức trên sân nhà, giành HC vàng 200m – 23 giây 60 và HC đồng 100m - 11 giây 88. Kể từ đó đến nay, thành tích của chân chạy 26 tuổi liên tục cải thiện.
Tại SEA Games 30, Veronica giành HC đồng 100m với 11 giây 66, HC đồng 200m với 23 giây 77. Đến SEA Games 31, thành tích lần lượt là HC bạc 100m – 11 giây 62 và HC vàng 200m – 23 giây 52. Đến giải chạy ở Anh vào tháng 8/2022, cô phá liền hai kỷ lục quốc gia với thành tích 11 giây 48 và 23 giây 46.
Những thành tích trên giúp cô trở thành ứng viên hàng đầu cho hai tấm HC vàng SEA Games 32 tại Campuchia, cạnh tranh với đối thủ lớn nhất Kayla Richardson của Philippines. Trong khi đó, Lê Tú Chinh vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau ca phẫu thuật đầu gối khiến cô lỡ SEA Games 31.
Tại Cup tốc độ TP HCM hôm 1/4, Tú Chinh chạy 100m hết 11 giây 81. Muốn cạnh tranh huy chương tại SEA Games 32, cô phải nâng thành tích lên trước 11 giây 60. Tuy nhiên, Tú Chinh cũng chưa chắc tham dự do nằm trong danh sách cắt giảm VĐV của Tổng cục Thể dục Thể thao. Liên đoàn điền kinh TP HCM đang chờ kết quả xin kinh phí địa phương để hỗ trợ Tú Chinh sang Campuchia.
Hiếu Lương