Nhà văn Bà Tùng Long thời trẻ. |
- Phương châm tư vấn của bà là gì?
- Tôi không bao giờ khuyên các cặp ly dị. Mọi chuyện đều có thể hàn gắn. Trước khi đưa ra lời khuyên, tôi luôn tự đặt mình vào hoàn cảnh những người gặp rắc rối với tư cách là người chị, người bạn, người thân của họ. Thời đó, ngoài tôi, cũng có một vài người giữ mục tâm tình, nhưng rồi phải bỏ cuộc vì bị bạn đọc "giũa" cho mấy trận. Theo tôi, làm tư vấn trước hết phải chân thành. Mặt khác, tôi nghĩ chỉ cần khơi gợi cho họ cách giải quyết vấn đề là họ có thể sửa sang, củng cố nếp nhà cho đầm ấm, hoà thuận hơn.
- Thời trẻ, bà từng làm việc quần quật để phụ chồng nuôi con. Làm sao bà có đủ thời gian dạy dỗ 9 người con và giáo dục họ nên người hôm nay?
- Thời đó, chồng tôi cũng là chủ bút một tờ báo nên rất hiểu và thường giúp tôi trong công việc. Ông ấy là một cây bút chống đối thực dân Pháp và từng bị treo bút. Còn với con cái, tôi rất nghiêm khắc. Có thể vì thấy tôi khổ mà các cháu đã gắng học để không phụ lòng mẹ.
- Bà nhận định thế nào về phụ nữ thời nay?
- Mạnh mẽ, có kiến thức, giao tiếp rộng hơn, giỏi hơn. Nhưng đổ vỡ gia đình nhiều hơn và do đó họ phải biết được cách ứng xử dung hoà trong gia đình.
- Bà nghĩ sao khi trong nhà có hai thế hệ cầm bút, bà và cậu con út hiện là nhà văn, nhà báo Nguyễn Đông Thức?
- Văn của tôi chịu ảnh hưởng từ nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Đối tượng trong tác phẩm thường là phụ nữ, giọng văn không hoa mỹ, mà giản dị, đi thẳng vào lòng người. Còn Nguyễn Đông Thức có giọng điệu của hôm nay với cách viết khác, tếu tếu, sinh động hơn. Đề tài cũng mở rộng hơn: viết về những người cùng thế hệ và về bản thân mình.
(Theo Lao Động)