Jurnee Farrell đăng ký hiến máu vào năm thứ hai đại học, thông qua Be The Match, một tổ chức tình nguyện của trường.
"Bố tôi làm việc tại một bệnh viện nhi ở Chicago. Tôi hiểu được việc hiến tạng hoặc hiến tế bào có ý nghĩa thế nào đối với người bệnh và gia đình", Jurnee chia sẻ.

Jurnee Farrell (giữa) là một vận động viên bóng chuyền tại Đại học Howard. Ảnh: Howard University.
Hai năm sau khi đăng ký, Be The Match thông báo, người nhận máu của Jurnee là một phụ nữ 57 tuổi mắc bệnh bạch cầu lympho. Jurnee mất một vài tháng tiến hành các thủ tục và xét nghiệm thử máu, nhưng sự giúp đỡ của cô có thể cứu sống người bệnh.
Jurnee được chỉ định hiến máu vào tháng 11, trùng với ngày diễn ra giải chung kết bóng chuyền tại trường đại học.
"Tôi hơi buồn vì không tham gia được trận chung kết, nhưng tôi không do dự. Nếu bạn có cơ hội cứu mạng một ai đó, dù là người xa lạ hoặc thành viên trong gia đình, tôi mong mọi người đều sẵn sàng", cô nói.
Dù không chơi ở trận chung kết, Jurnee vẫn vui vẻ ăn mừng chiến thắng khi đội tuyển của cô giành một suất Giải Quốc gia (NCAA). Cô sẽ cùng đồng đội của mình tham dự giải đấu này.
Jurnee cho biết muốn một lần gặp gỡ người phụ nữ mình đã cứu sống. "Cô ấy đã trở thành một phần lớn lao trong cuộc đời tôi. Hiến máu tạo ra những cảm xúc vô cùng chân thật nhưng được gặp cô ấy ngoài đời còn ý nghĩa hơn nhiều", Jurnee nói.
Nữ vận động viên muốn chia sẻ câu chuyện của mình, động viên các bệnh nhân đang ngày đêm giành giật giữa sự sống và cái chết, đồng thời kêu gọi các hành động ý nghĩa từ những người xung quanh.
Thục Linh (Theo Good Morning America)