Elizabeth Holmes là nhà sáng lập kiêm CEO của hãng công nghệ sinh học Theranos (Mỹ). Trong sự nghiệp của mình, cô từng nắm giữ tài sản đến 4,5 tỷ đôla với danh hiệu nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới, nữ tỷ phú giàu nhất nước Mỹ dưới 40 tuổi.
Theranos từng được định giá 9 tỷ đôla ở lần gọi vốn cuối cùng. Tuy nhiên, sự nghiệp của cô bắt đầu tuột dốc vào tháng 10/2015, khi một bài viết trên Wall Street Journal khẳng định các phòng xét nghiệm của Theranos chỉ thực hiện được rất ít xét nghiệm máu, trái ngược với lời quảng cáo rằng công ty có thể xử lý 70 xét nghiệm chỉ với vài giọt máu.
Công ty này bị cơ quan liên bang Mỹ điều tra sau đó. Giữa năm 2016, Theranos bị thu hồi giấy phép phòng xét nghiệm ở California và Elizabeth Holmes bị cấm sở hữu hoặc điều hành bất kỳ phòng thí nghiệm nào trong 2 năm. Theo các thông tin mới nhất, doanh thu công ty hiện đã thấp hơn 100 triệu đôla. Sau khi tham khảo đánh giá từ hàng chục nhà đầu tư mạo hiểm, nhà phân tích và chuyên gia, Forbes kết luận giá trị thực tế của Theranos chỉ còn 800 triệu đôla, chưa đầy 1/10 giá trị cao nhất mà công ty từng đạt được. Phần giá trị nhất còn lại của công ty là khối tài sản sở hữu trí tuệ khoảng 724 triệu đôla.
Forbes ước tính, khi tài sản Theranos được thanh lý, các nhà đầu tư (nắm cổ phiếu ưu đãi) sẽ được trả tiền trước. Trong khi đó, Elizabeth Holmes chỉ nắm cổ phiếu phổ thông. Vì thế, 50% cổ phiếu của cô tại Theranos gần như không có giá trị, ít nhất là đến thời điểm hiện tại.
Ngoài Elizabeth Holmes, có 78 tỷ phú năm 2016 đã rời khỏi danh sách tỷ phú thế giới năm nay – con số thấp nhất từ năm 2013. Thị trường chứng khoán bất ổn ở Trung Quốc đã khiến nước này mất đến 33 tỷ phú, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Mỹ cũng có 7 tỷ phú giờ chỉ là triệu phú, bao gồm cả cựu chủ tịch Coca-Cola Summerfield Johnston Jr., chủ tịch Cisco John Morgridge và chủ tịch The Buckle Daniel Hirschfeld.
*Các tỷ phú có tỷ lệ tài sản 'bốc hơi' đáng chú ý sau Elizabeth Holmes
Viễn Thông (theo Forbes)