Hơn 3 năm sau khi bị truy tố và sau gần 4 tháng xét xử, nhà sáng lập kiêm CEO hãng xét nghiệm máu Theranos Elizabeth Holmes đầu tuần này bị phán quyết phạm 4 tội danh lừa đảo. Việc này đã đặt dấu chấm hết cho người từng là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ, được coi là biểu tượng của ngành công nghệ, thậm chí là phiên bản nữ của nhà sáng lập Apple Steve Jobs. Holmes cũng là doanh nhân khởi nghiệp hiếm hoi ở Thung lung Silicon bị kết tội lừa đảo.
Holmes từng theo học ngành kỹ sư hóa học Đại học Stanford. Chỉ chưa đầy hai năm, cô đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế đầu tiên. Đến năm 2016, Holmes đã có hơn 80 bằng sáng chế.
Năm 19 tuổi, cô quyết định rời trường, dành toàn bộ tiền bạc và sự tập trung cho mục tiêu thay đổi thế giới. Holmes thành lập Theranos năm 2003, với ý định giúp người dân xét nghiệm máu nhanh, dễ dàng và rẻ hơn nhiều so với đến bệnh viện. Để lập công ty riêng, cô xin bố mẹ số tiền mà họ đã dành ra để nộp học phí cho mình.
Ngành công nghiệp xét nghiệm không có nhiều đột phá, do hoạt động thử máu vẫn chưa thay đổi từ khi các phòng thí nghiệm hiện đại xuất hiện vào thập niên 60. Chi phí đắt đỏ và nỗi sợ đau đã khiến nhiều bệnh nhân ngần ngại làm các bài xét nghiệm cần thiết.
Vì thế, ý tưởng của cô là không cần các dụng cụ như ống nghiệm, băng gạc và thời gian chờ lấy kết quả dài đằng đẵng cho các xét nghiệm. Chỉ cần một chiếc kim lấy máu xếp trong chiếc hộp nhỏ như đồng xu. Do đó, khoảng 70 phép xét nghiệm có thể thực hiện chỉ bằng một giọt máu và trong thời gian ngắn hơn nhiều phương pháp truyền thống.
Holmes cho rằng đơn giản hóa việc này sẽ giúp mọi người xét nghiệm máu dễ dàng và chẩn đoán bệnh sớm hơn. Cô lấy cảm hứng từ bố - ông Christian Holmes IV - người đã dành cả đời làm công tác cứu trợ nhân đạo.
"Tôi lớn lên trong căn nhà toàn ảnh những trẻ em ở các vùng khó khăn trên thế giới. Việc này đã khiến tôi tự nhủ mình phải làm được điều gì đó. Sau này, tôi nhận ra lập công ty chính là cách có thể tạo ra ảnh hưởng trực tiếp", cô cho biết trên CNN năm 2014.
Holmes lập ra Theranos Wellness Center, bày biện bên trong bằng những tờ tạp chí hấp dẫn, mở nhạc nền êm dịu, và cam kết thử máu không đau. Mục tiêu của Holmes là mỗi người Mỹ đều có thể tiếp cận một trung tâm trong vòng 8 km.
Theranos đã hợp tác với chuỗi hiệu thuốc Walgreens để thực hiện việc này. Vì vậy, các trung tâm của họ cũng được xây ngay trong cửa hàng của Walgreens.
Năm 2004, công ty này huy động được hơn 6 triệu USD, được định giá 30 triệu USD. 10 năm sau, Theranos đã huy động được 400 triệu USD và được định giá 9 tỷ USD. Nhiều người nổi tiếng cũng góp mặt trong HĐQT công ty.
Năm 2015, tài sản của cô được Forbes định giá 4,5 tỷ USD và là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ. Holmes cũng là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới năm 2014.
Cô từ đó trở nên nổi tiếng, được ca ngợi vì sự thông minh, tính sáng tạo và cương quyết điển hình của một doanh nhân khởi nghiệp. Holmes có lối sống trầm lặng, kiêng cà phê, không hẹn hò, không xem TV, ít ngủ và làm việc 7 ngày trong tuần.
Cô còn được ví với Steve Jobs, do thường mặc áo len cổ lọ, và sáng lập công ty sau khi "nghĩ về những thay đổi lớn nhất mà tôi có thể làm được cho thế giới này". "Đây là công ty mang tính đột phá lớn, đe dọa thay đổi ngành y tế theo cách mà Amazon thay đổi ngành bán lẻ, Intel hay Microsoft thay đổi công nghệ máy tính, hay Apple thay đổi khái niệm điện thoại di động", Jim Cramer - người dẫn chương trình "Mad Money" của CNBC từng nhận xét.
Tuy nhiên, bước ngoặt xảy đến vào tháng 10/2015, khi Wall Street Journal có bài viết nghi ngờ sự chính xác của Edison - thiết bị thử máu của Theranos. Tờ này cho rằng Theranos chỉ sử dụng công nghệ của họ với số ít xét nghiệm trong tổng số 240 xét nghiệm họ đã thực hiện. Phần lớn các xét nghiệm được thực hiện bằng cách rút máu từ cánh tay theo kiểu truyền thống, chứ không phải "vài giọt máu" từ ngón tay. Trên website công ty, Theranos cho biết thông tin trên WSJ không chính xác và hoàn toàn dựa trên các nguồn giấu tên.
Tháng 1/2016, Trung tâm Dịch vụ Y tế (CMS) - một trong những cơ quan liên bang quản lý việc xét nghiệm máu, cho biết Theranos vi phạm ít nhất 5 quy định về xét nghiệm. Vì thế, họ đề nghị cấm Holmes tham gia điều hành và sở hữu một phòng xét nghiệm nào trong ít nhất 2 năm.
Theranos sau đó đã có hàng loạt động thái nhằm xoa dịu CMS. Họ thu hồi hàng nghìn kết quả kiểm tra bằng máy Edison trong 2 năm 2014, 2015 và công bố lại bản chỉnh sửa. Nhưng CMS vẫn chưa cho biết sẽ có quyết định pháp lý chính thức nào với Theranos.
Ngày 26/5, một khách hàng nộp đơn kiện Theranos vì xét nghiệm máu sai. Người này cho biết anh đại diện tất cả khách hàng từng sử dụng dịch vụ của công ty ở Arizona và toàn nước Mỹ. Anh cáo buộc công ty dùng thông tin sai lệch để thu hút khách hàng và không tuân thủ các quy định liên bang. Theranos cho biết sẽ đối đầu với tất cả cáo buộc này.
Ủy ban Chứng khoán Mỹ và Bộ Tư pháp Mỹ sau đó bắt đầu điều tra về công ty này. Tháng 6/2016, tạp chí Forbes điều chỉnh tài sản của Holmes từ 4,5 tỷ USD xuống 0. Định giá Theranos cũng về 800 triệu USD.
Walgreens – đối tác bán lẻ lớn nhất của Theranos khi đó – chấm dứt hợp tác với hãng này và cho biết sẽ đóng cửa toàn bộ 40 Theranos Wellness Center. Tháng 7/2016, CMS cấm Holmes điều hành bất kỳ phòng xét nghiệm nào trong ít nhất 2 năm.
Holmes sau đó tìm cách cứu vãn công ty, khi ra mắt thiết bị xét nghiệm có tên miniLab. Tuy nhiên, việc này cũng không giúp họ lật ngược ván cờ. Theranos sau đó lần lượt bị các nhà đầu tư và đối tác kiện đòi bồi thường vì lừa đảo chứng khoán và vi phạm hợp đồng. Công ty phải sa thải hàng trăm nhân viên và dàn xếp pháp lý với từng đối tác.
Tháng 3/2018, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) buộc tội Elizabeth Homes và cựu giám đốc của Theranos - Ramesh "Sunny" Balwani lừa đảo quy mô lớn. Hai người đã huy động vốn từ nhà đầu tư "thông qua một cơ chế lừa đảo tinh vi, lâu năm, dựa vào việc phóng đại hoặc làm giả thông tin về công nghệ, số liệu kinh doanh và tình hình tài chính của công ty".
SEC cho rằng Theranos đã khiến các đối tác hiểu nhầm về công nghệ, và đã sử dụng máy móc của bên thứ ba, thay vì của chính mình, sau đó chỉnh sửa để thực hiện một số xét nghiệm. Công ty này còn bị cáo buộc lừa dối về doanh thu dự báo, cũng như khẳng định với nhà đầu tư rằng họ đã được giới chức cấp phép sử dụng công nghệ xét nghiệm. Theranos và Holmes cũng bị cho là "dùng từ ngữ sai lệch" trong các văn bản truyền thông để đánh bóng tên tuổi.
Vài tháng sau, Holmes từ chức CEO. Theranos cũng bị giải thể. Việc xét xử lẽ ra vào năm 2020, nhưng bị hoãn sang năm nay do đại dịch và Holmes sinh con. Sau phán quyết hôm 3/1, Holmes hiện đối mặt với bản án lên tới 20 năm tù và tiền phạt 250.000 USD cộng bồi thường với mỗi tội danh.
Hà Thu